Sau khi vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) mở mang bờ cõi về phương Nam, thành lập Quảng Nam thừa tuyên đạo, nhiều dòng họ đã lần lượt đến khai hoang vỡ hóa, quy dân lập ấp, hình thành làng Thạch Nham. Đó là cuộc hành trình gian nan của bao thế hệ từ những ngày “Bắc địa tùng vương” (đất Bắc theo vua) vượt Hải Vân Sơn hùng vĩ đến đây xẻ núi, mở đường, chống chọi với thú dữ để khai canh lập ấp.
Đình Thạch Nham được trùng tu theo nguyên kiến trúc cũ. |
Thạch Nham là một trong những nơi được lưu dân người Việt đến khai phá khá sớm so với nhiều làng khác ở huyện Hòa Vang, khoảng vào nửa thế kỷ XVI. Từ khi nơi đây hội tụ đông đúc nhiều đoàn người Nam tiến, xóm làng dần trở nên trù phú. Một ngôi đình cột gỗ đồ sộ, vách tre, mái tranh được dựng lên tại Nổng Lách nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Về sau, do Nổng Lách là nơi rừng núi âm u, nhiều thú dữ, không tiện việc đi lại nên tiền nhân đã quyết định dời đình ra bến xe nước, tức là thổ Đình ngày nay, là nơi cận kề khu dân cư thuận tiện cho việc chăm lo hương khói, tế tự Xuân Thu.
Lần này, đình được xây dựng tuy có khá hơn, song vẫn giữ mái tranh, vách ván. Sau một trận lụt lớn làm ngập đình, người xưa mới thấy cần phải dựng đình cao hơn các nhà dân trong làng theo phong tục người Việt. Mãi đến năm Duy Tân thứ ba (Kỷ Dậu - 1909), các cụ mới quyết định đưa đình về địa điểm ngày nay. Theo bi ký ghi công đức còn lưu lại, đình được xây dựng bằng công điền, công thổ và sức đóng góp của các chi phái tộc.
Ngày khởi công, các cụ cho khắc bia lưu danh hậu thế, động viên toàn dân tham gia tài vật, nhờ vậy đình được kiến trúc rất bề thế. Tòa chính đình có 3 gian, 4 mái với bộ khung nhà bằng các loại gỗ quý. Mỗi bộ vì kèo có 5 hàng cột, trong đó có 2 cột nhất (một tiền một hậu), 2 cột nhì (cũng một tiền một hậu) và 1 cột ba. Có cả kèo tam đoạn và kèo lưỡng đoạn, trong đó đáng chú ý hơn cả là 6 cây kèo hàng ba đều được tạo dáng cong rất mềm mại, uyển chuyển, được chạm khắc trang trí các đồ án vân vũ, hoa lá cách điệu. Trước cửa đình có 8 câu đối được cẩn miểng sành rất công phu.
Song song với cây đòn đông gian giữa là cây trính lận, khắc dòng chữ: “Duy Tân, Canh Tuất, Đinh Hợi, Mậu Tuất, Giáp Thìn; bổn xã đồng thiên hồi cựu chỉ”. Nghĩa là đình được đưa về thượng lương vào triều vua Duy Tân, năm Canh Tuất (1910), tháng 10, ngày 28, giờ Giáp Thìn; xã mình tận dụng bộ gỗ của đình cũ.
Đình được trùng tu 3 lần, đều do nhân dân đóng góp kinh phí. Lần thứ nhất vào năm Bảo Đại thứ chín (1934), xây thêm bàn án phía trước và hai lầu chiêng trống. Lần thứ hai vào năm 1971, bia công đức ghi bằng quốc ngữ còn lưu lại. Lần thứ ba vào năm 1998, lợp mái sau bằng tôn thay cho ngói hỏng, để bảo vệ giàn gỗ của đình.
Đình làng Thạch Nham từng là nơi dừng bước của Chí sĩ Ông Ích Đường, cháu nội của danh tướng Ông Ích Khiêm, trong phong trào chống sưu cao thuế nặng năm 1908. Ông Đường rất ghét bọn cường hào, tổng lý, bọn thu thuế chợ, thuế đò, cậy thế hà hiếp, bóc lột dân lành. Ông hay đi lại với anh em nông dân nói chuyện, thông cảm với đời sống lầm than cơ cực của họ. Ông tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh ở các làng, ban đêm tổ chức tập võ, luyện tập quân sự ở những nơi thanh vắng như Gò Cốc (làng Cẩm Toại, nay thuộc xã Hòa Phong), cấm Chu Hương (làng Túy Loan, Hòa Phong), Gò Mao (làng Thạch Nham, xã Hòa Nhơn) nhằm chuẩn bị lực lượng nòng cốt để sử dụng khi có cơ hội.
Sau khi lãnh đạo cuộc biểu tình vây bắt Lãnh Điềm bị thất bại, được sự che chở của nhân dân, ông về ẩn cư Trước Bàu, Hội Vực, nhưng do kẻ xấu chỉ điểm, ông đã bị giặc Pháp bắt và đưa ra chém ở chợ Tuý Loan. Tên đao phủ Thập Trong, sau khi chém Ông Ích Đường, sáng hôm đó về qua dốc Thạch Nham đã bị nhân dân theo dõi, đón đường đánh cho đến hộc máu, về nhà bị ốm liền 3 tháng thì chết.
Đình Thạch Nham hiện ở thôn Thạch Nham, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Năm 2008, sau khi được xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa” cấp thành phố, đình Thạch Nham được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí gần 1,5 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo theo lối kiến trúc cổ xưa. Bà con các họ tộc đã góp công, góp của trùng tu cổng tam quan và tường ngăn phía trước y theo kiểu cũ.
Dân gian thường nói “quá tam ba bận”. Đình Thạch Nham đã được trùng tu lần thứ 4, gần như xây mới hoàn toàn nhưng vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ xưa, uy nghiêm, bề thế, thật xứng với công đức khai sơn phá thạch của tiền nhân để hậu thế có được cuộc sống yên lành hôm nay.
VIÊN PHÚC QUÂN (Theo tài liệu của Ban Quản lý đình làng Thạch Nham)