Ngôi miếu được dựng từ thời Hùng Vương trên đỉnh Cấm Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là Hùng Vương Tổ Miếu nằm trên đỉnh núi Cấm, thuộc địa phận làng An Thái, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tương truyền, ngôi miếu này có lịch sử từ thời Hùng Vương, do chính vua Hùng dựng lên. Đến với di tích này, người dân, du khách không chỉ cầu may mắn, bình an mà còn tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc từ thuở Hùng Vương dựng nước.
Hùng Vương miếu Tổ trên đỉnh núi Cấm nên còn gọi là miếu Cấm.
Hùng Vương miếu Tổ trên đỉnh núi Cấm nên còn gọi là miếu Cấm.

Miếu thiêng trên đỉnh núi, giữa vùng địa linh sơn thủy hữu tình

Núi Cấm nằm cách thành phố Việt Trì chừng 5km, gọi là núi nhưng đây là núi đất và chỉ thấp như một quả đồi. Điều đặc biệt là đỉnh núi khá bằng phẳng, có một ngôi miếu cổ gọi là miếu Cấm, ngôi miếu này có lịch sử đã 4.000 năm từ thời Hùng Vương và do chính vua Hùng dựng nên. Vì vậy, miếu Cấm còn có tên gọi khác là Hùng Vương Tổ miếu. Từ tên ngọn núi đến tên miếu đã gợi bao điều bí mật, linh thiêng.

Con đường quanh co dẫn lên núi Cấm...

Con đường quanh co dẫn lên núi Cấm...

Tương truyền, xưa kia núi Cấm có hình dáng một con ngựa, trên đó cây cối rậm rạp như rừng, rộng cả mấy hecta. Vị trí miếu Cấm chính là yên ngựa. Miếu nằm xa khu dân cư, được bao bọc bởi rừng cây cổ thụ, có nhiều thú dữ. Dưới chân núi là hệ thống đầm hồ có mạch nguồn từ Núi Cả trên Đền Hùng đổ về; lại được thông với sông Lô nên cá tôm nhiều vô kể. Tương truyền mùa mưa nước sâu chảy xiết, mùa khô nước cạn nhưng mực nước cũng lên tới 2-3m. Xưa kia muốn vào miếu Cấm tế lễ, người dân phải đi bằng thuyền độc mộc chưa không có đường bộ như bây giờ.

Đàn tế trời trên đỉnh núi Cấm, tương truyền nơi này các vua Hùng hành lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm.

Đàn tế trời trên đỉnh núi Cấm, tương truyền nơi này các vua Hùng hành lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm.

Theo các bậc cao niên, miếu Cấm xưa kia dựng từ tranh tre, nứa lá, có lối kiến trúc kiểu nhà sàn của thời đại Hùng Vương, giống hình ảnh nhà sàn khắc trên trống đồng thời văn hóa Văn Lang - Âu Lạc. Diện tích mặt bằng hình chữ nhật gồm ba gian nhỏ, tường bít đốc, mái lợp lá cọ. Đến năm 1940 miếu xây tường gạch, nền gạch, lợp ngói. Đến năm 2014 miếu được tu bổ gian hậu cung, năm 2015 xây dựng nhà tiền tế tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ nhị như hiện nay.

Theo quan sát, Hùng Vương Tổ miếu hiện nay tọa lạc trên đỉnh núi Cấm là một khoảnh đất rộng, bằng phẳng, xa khu dân cư. Một con đường bê tông đưa du khách từ chân núi dẫn lên đỉnh núi nơi miếu cổ, đường chỉ chừng vài trăm mét, hai bên cỏ cây xanh mướt mát. Từ chân núi đi lên, bạn sẽ thấy một bàn thờ thiên rộng rãi ở vị trí lưng ngôi miếu cổ, tương truyền đây là đàn tế trời - nơi các Vua Hùng hành lễ cúng tế, tạ ơn trời đất, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm.

Từ sân miếu nhìn xuống khu vực chân núi Cấm, ngoài những tầng cây to nhỏ chen nhau xanh tốt thì còn có hệ thống đầm hồ ngập nước. Nhờ vậy, không khí nơi đây thanh sạch, mát mẻ quanh năm.

Không gian tâm linh gian tiền tế ngôi miếu cổ.

Không gian tâm linh gian tiền tế ngôi miếu cổ.

Độc đáo chữ Việt cổ Khoa Đẩu trong không gian tâm linh

Đi qua khu vực đàn tế trời là Hùng Vương Tổ Miếu với kiến trúc khung, cột gỗ trông giống một ngôi đình cổ của làng quê Bắc bộ, tường gạch bít đốc, mái lợp ngói nam, trên nóc miếu có đôi rồng cổ thời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Trên sân miếu lát xi măng rộng rãi, sạch bóng, một chiếc lư hương lớn đặt ngay sát bậc tam cấp bước vào không gian tâm linh miếu cổ.

Điều đặc biệt là lư hương có hoa văn trang trí đậm nét văn hóa Lạc Hồng với hình ảnh đôi chim hạc chầu hai bên. Theo quan sát, ngôi miếu thiết kế ba gian, bốn cột gỗ lim. Hàng hiên có đôi cột bằng xi măng, trên đỉnh mỗi cột có chạm đôi chim phượng.

Bức đại tự cùng đôi câu đối khắc chữ Khoa Đẩu - một loại chữ Việt cổ thời Hùng Vương trong gian hậu cung.

Bức đại tự cùng đôi câu đối khắc chữ Khoa Đẩu - một loại chữ Việt cổ thời Hùng Vương trong gian hậu cung.

Không gian tâm linh miếu cổ gồm có gian tiền tế bài trí giản dị mà linh thiêng, gian hậu cung với bức đại tự có dòng chữ “Hùng Vương Tổ Miếu” viết bằng chữ quốc ngữ và chữ Việt cổ (còn gọi là chữ Khoa Đẩu). Hai bên cột gỗ lim trước gian hậu cung có đôi câu đối sơn son thiếp vàng, cũng viết bằng chữ quốc ngữ và chữ Việt cổ Khoa Đẩu: “Linh thánh sơn nhật nguyệt/ Miếu mạo thọ sơn hà.”

Văn bia Hùng Vương tổ miếu dưới gốc cây cổ thụ

Văn bia Hùng Vương tổ miếu dưới gốc cây cổ thụ

Theo tìm hiểu, trước kia bức đại tự ghi tên miếu và đôi câu đối được viết bằng chữ Hán, khi tiến hành trùng tu miếu cổ, chính quyền địa phương sau khi tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu và cơ quan có thẩm quyền đã quyết định thay bằng chữ quốc ngữ và chữ Việt cổ. Theo ý kiến của Nhóm nghiên cứu chữ Việt cổ Khoa Đẩu tại Phú Thọ, hiện đã phục dựng thành công chữ Việt cổ, các nhà khoa học đã công nhận đó là chữ của người Việt Nam cổ đại, đó cũng chính là chữ được tìm thấy ở một số khu vực khảo cổ từ 12.000 năm trước của các tộc người Việt cổ sinh sống. Bởi vậy, việc dùng chữ Việt cổ để ghi trên bức đại tự tên miếu Hùng Vương Tổ Miếu và trên các câu đối trong miếu là hợp lẽ.

Trên đỉnh núi Cấm, bao quanh ngôi miếu cổ có rất nhiều cây cối xanh tươi, trong đó có nhiều cây cổ thụ...

Trên đỉnh núi Cấm, bao quanh ngôi miếu cổ có rất nhiều cây cối xanh tươi, trong đó có nhiều cây cổ thụ...

Một bàn đá dưới tán cây mát rượi giữa không gian thanh tịnh trên đỉnh núi Cấm để du khách nghỉ chân, ngắm cảnh.Một bàn đá dưới tán cây mát rượi giữa không gian thanh tịnh trên đỉnh núi Cấm để du khách nghỉ chân, ngắm cảnh.

Được biết, ngôi miếu này được trùng tu theo nguyên mẫu vào năm 2014. Các hiện vật cổ bên trong vẫn được giữ nguyên, gồm: 3 bát hương cổ bằng đất sét nung; 3 bộ cỗ ngai đề chữ Ất Sơn đại vương; Viễn Sơn đại vương; Áp Đạo đại vương; mũ và đôi hia (đôi giày cổ).

Lược sử về Miếu Cấm.

Lược sử về Miếu Cấm.

Linh thiêng những giai thoại về ngôi miếu cổ

Xung quanh Hùng Vương Miếu Tổ có nhiều giai thoại dân gian truyền lại. Có câu chuyện kể rằng, ngày xưa vua Hùng tập trung quân tại vùng này để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ giang san.

Trong một dịp đưa hoàng hậu cùng đi vi hành, khi ngang qua vùng này, vợ vua chuyển dạ, không làm cách nào để bà bớt đau.

Lúc ấy, có một người hầu nữ tâu với nhà vua rằng vùng này có người con gái múa dẻo, hát hay tên là Quế Hoa, nhà vua bèn cho người đến đón Quế Hoa để hát mua vui cho vợ mình. Tiếng hát và múa của nàng Quế Hoa đến đâu, bà liền an thai đến đấy. Để ghi nhớ sự kiện này, vua đặt tên cho vùng này là làng An Thai, bây giờ gọi chệch đi là làng An Thái.

Một bài minh chuông về Hùng Vương tổ miếu chép bằng chữ Khoa Đẩu, dịch nghĩa chữ quốc ngữ được thờ tự trong miếu.

Một bài minh chuông về Hùng Vương tổ miếu chép bằng chữ Khoa Đẩu, dịch nghĩa chữ quốc ngữ được thờ tự trong miếu.

Trong ngọc phả làng An Thái có đoạn, công chúa Nguyệt Cư con Hùng Vương thứ 17 sinh được 3 ngày, công chúa mắc bệnh khóc suốt ngày đêm, các danh y bó tay. Sau nhờ có tiếng hát của nàng Quế Hoa mà công chúa khỏi bệnh.

Vua Hùng hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo các Mỵ Nương học điệu hát của nàng để hát các dịp đầu xuân, gọi là Hát Xuân, nhưng vì Xuân là tên hoàng hậu nên gọi lệch đi là Xoan, tục Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ ngày nay có nguồn gốc như vậy. Ngày nay Hát Xoan của quê hương đất Tổ Hùng Vương trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Miếu cổ kiến trúc theo lối xây tường bít đốc, có trang trí linh thú và cách điệu hình chữ thọ...

Miếu cổ kiến trúc theo lối xây tường bít đốc, có trang trí linh thú và cách điệu hình chữ thọ...

Cũng theo Ngọc phả làng An Thái, thời đại Hùng Vương, các lạc tướng thay nhau trấn giữ vùng núi Cấm. Những khi bàn việc cơ mật quốc gia, vua Hùng triệu tập các lạc hầu, lạc tướng lên núi Cấm để họp bàn. Đời sau dựng miếu thờ các Vua Hùng, dân làng cử người trông coi núi Cấm gọi là Khán Lâm.

Hiện nay ở An Thái còn lưu danh được 14 Khán Lâm có tài nổi tiếng. Sau đó dân làng lập đình, dựng chùa để thờ cúng. Hàng năm lễ hội của làng được tổ chức vào ngày 9 tháng 9 âm lịch rất tưng bừng, ngoài các nghi lễ cúng tế, nghi thức làm bánh chưng bánh dày, thì không thể thiếu làn điệu hát Xoan truyền thống và các trò chơi dân gian.

Đọc thêm