“Ngôi nhà chung” Hải Hưng khởi sắc sau một năm tái hợp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau một năm kể từ ngày hai xã Hải Xuân và Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) về cùng ngôi nhà mang tên xã Hải Hưng, tình cảm của bà con trở nên thân mật, khăng khít, văn hóa, giáo dục và kinh tế phát triển vượt trội. Bộ máy hành chính ổn định và phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cán bộ và nhân dân xã Hải Hưng đã đoàn kết một lòng, là “đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua năm 2020” đã được UBND tỉnh Quảng Trị tặng cờ.
Cán bộ và nhân dân xã Hải Hưng đã đoàn kết một lòng, là “đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua năm 2020” đã được UBND tỉnh Quảng Trị tặng cờ.

Vững tin cho những bước tiến mới

Hải Hưng vốn là một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, điện nước sạch nông thôn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, kinh phí để xây dựng nông thôn mới rất hạn chế, ngân sách hoạt động của xã chủ yếu phụ thuộc vào phân bổ của cấp trên nên ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Sau khi lập lại, địa bàn xã Hải Hưng trải dài gần 10 km, dân cư phân bố không tập trung, tình hình thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của mình, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Hưng đã làm được những điều tưởng như ngoài tầm với.

Giải bóng chuyền mừng Hải Hưng về đích nông thôn mới.
Giải bóng chuyền mừng Hải Hưng về đích nông thôn mới. 

Đến nay, 19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đã đạt được. Đơn vị này được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và là một trong ba xã của huyện Hải Lăng được UBND tỉnh Quảng Trị tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020”.

Hải Hưng xác định giáo dục là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của địa phương. Năm qua, mặc dù ngân sách khó khăn nhưng lãnh đạo xã luôn quan tâm ưu tiên tạo điều kiện cho giáo dục xã nhà. Hiện nay các trường mầm non và tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trường THCS chuẩn bị được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên.

Đặc biệt, trong năm học vừa qua, vùng đất hiếu học Hải Hưng có đến 10 học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh.  Đây là một kết quả ngoài sức mong đợi và là niềm tự hào của nhân dân xã Hải Hưng.

Trong năm học qua, giáo dục Hải Hưng có đột phá khi đạt tới 10 giải quốc gia, hàng trăm giải cấp tỉnh, cấp huyện.
  Trong năm học qua, giáo dục Hải Hưng có đột phá khi đạt tới 10 giải quốc gia, hàng trăm giải cấp tỉnh, cấp huyện.

Với tiêu chí văn hóa, các nhà văn hóa từ xã đến các thôn được đầu tư xây mới và nâng cấp đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo cho các hoạt động văn hóa văn nghệ - TDTT của người dân. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp như cổng chào, pa nô, áp phích, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng... đã tạo thêm cảnh sắc cho quê hương. Các hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đề án “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” được triển khai tích cực, đến nay, có 6/6 thôn được công nhận danh hiệu làng, thôn văn hóa, trong đó làng Lam Thủy và Trà Lộc được công nhận xuất sắc cấp tỉnh; 100% cơ quan, đơn vị được công nhận cơ quan văn hóa.

Về kinh tế, ngoài việc tổ chức sản xuất nông nghiệp làm thu nhập chính, lãnh đạo xã chỉ đạo duy trì các ngành nghề truyền thống của địa phương gồm: Nghề làm giá đỗ, làm nón lá, đan lát, xưởng may gia công và mở rộng các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ vừa phục vụ nhu cầu của người dân vừa tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập.

Để thực hiện quy hoạch nông thôn mới, xã đã đầu tư xây dựng Điểm thương mại - dịch vụ tại thôn Lam Thủy, Điểm thương mại - dịch vụ tại thôn Thi Ông, chợ Hải Xuân, tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng, hiện nay đã đi vào hoạt động và sử dụng có hiệu quả. Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc thu hút du khách đến tham quan nghĩ dưỡng ngày càng đông, xã đang xây dựng điểm trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của xã và các xã bạn trên địa bàn huyện.

Cung đường trồng hoa tại thôn La Duy được người dân chăm tưới thường xuyên.
Cung đường trồng hoa tại thôn La Duy được người dân chăm tưới thường xuyên.

Ngoài ra, việc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, UBND xã chỉ đạo thành lập mô hình lúa chất lượng cao 20,5 ha với 13 hộ sản xuất; mô hình sản xuất 5 cánh đồng lớn với diện tích 311 ha, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha. Các HTX đã chủ động liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa giá cao, với số lượng 415 tấn; chỉ đạo mô hình sản xuất ớt chuyên canh 1,5 ha, ném vùng cát 20 ha cho thu nhập 150 triệu đồng/ha, trồng sen cho thu nhập từ 90 - 110 triệu đồng/ha.

Hiện nay xã đang tiếp tục tập trung chỉ đạo các HTX cùng với nhân dân đồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo xu hướng hiện đại. Khai thác tiềm năng kinh tế vùng cát, các HTX đã thực hiện quy hoạch khoanh vùng sản xuất, chăn nuôi. Hiện tại xã có 4 trang trại chăn nuôi, trồng trọt ở vùng cát. Để khuyến khích nâng cao đời sống nhân dân, xã đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hàng năm có chính sách hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế.

Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc thuộc xã Hải Hưng hội đủ mọi điều kiện phát triển du lịch.
 Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc thuộc xã Hải Hưng hội đủ mọi điều kiện phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Đức Thuyền - Chủ tịch UBND xã Hải Hưng - cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo, hướng dẫn người dân phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo đó, khuyến khích và hướng dẫn bà con sản xuất những mặt hàng thị trường cần và giá trị gia tăng cao thay vì sản xuất những nông sản truyền thống dễ làm nhưng giá trị kinh tế thấp. Nhưng với điều kiện phải tìm được đầu ra cho sản phẩm, đừng bao giờ làm theo phong trào, bài học giải cứu nông sản và được mùa mất giá luôn có giá trị đối với nông dân”.

Đồng thuận và đoàn kết

Cũng như bao địa phương khác, điều lo lắng nhất khi sáp nhập là vấn đề mâu thuẫn giữa người dân của thôn này với thôn khác, của xã này với xã khác. Đặc biệt là công tác sắp xếp cán bộ nếu làm không khéo sẽ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, kéo bè kéo cánh, cục bộ địa phương... Bằng chữ "tâm”, nhiệt huyết và cách làm khoa học của lãnh đạo xã, những điều lo lắng trên đã không xảy ra với Đảng bộ và nhân dân xã Hải Hưng. Nhân dân toàn xã nhanh chóng làm quen nhau, mối quan hệ của bà con các thôn trong xã ngày càng thân mật, khăng khít. Cán bộ xã và các thôn đoàn kết cùng nhau xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động thể thao, văn nghệ được tổ chức thường xuyên giúp người dân tăng sức khoẻ, vui tươi và tạo được sự đoàn kết.
Hoạt động thể thao, văn nghệ được tổ chức thường xuyên giúp người dân tăng sức khoẻ, vui tươi và tạo được sự đoàn kết.

Ông Nguyễn Quang Sáu - Chủ tịch HĐND xã Hải Hưng - nhớ lại: “Ngày mới sáp nhập, anh em lãnh đạo xã lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Lo nhất là vấn đề mâu thuẫn giữa các thôn và và tình trạng cục bộ địa phương dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Thế nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận và sắp xếp cán bộ một cách khoa học, khách quan nên đến hôm nay vấn đề chúng tôi lo lắng đã không xảy ra”

Sau khi sáp nhập đã khơi dậy tiềm năng lao động sáng tạo và phong trào thi đua sôi nổ giữa các thôn. Tuy nhiên, theo ông Cáp Hữu Chiểu - Bí thư Đảng ủy xã Hải Hưng - vẫn còn một số vướng mắc: “Sau khi sáp nhập, tổng số cán bộ, công chức của xã có đến 32 người. Nếu ngồi chung một trụ sở làm việc thì quá tải, không hoạt động được, còn chia ra hai trụ sở làm việc thì quá cách trở, khó điều hành, quản lý cán bộ và rất bất tiện cho giao dịch của người dân. Nên chăng cấp trên cần bố trí kinh phí cho xây dựng hoặc mở rộng trụ sở để phù hợp với quy mô hoạt động của xã”.

Xã Hải Hưng được công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới là một vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là một trọng trách lớn đối với Ban chấp hành Đảng bộ xã.
 Xã Hải Hưng được công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới là một vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là một trọng trách lớn đối với Ban chấp hành Đảng bộ xã.

Đọc thêm