Ngón tay và cái tát

Đó là thứ ngôn ngữ của những ông chủ khai thác quặng ở Cao Bằng dùng để chỉ số lượng những khoản tiền phải chi ra “bôi trơn” để có được cái “mỏ sạch” (mỏ có giấy phép khai thác)

Đó là thứ ngôn ngữ của những ông chủ khai thác quặng ở Cao Bằng dùng để chỉ số lượng những khoản tiền phải chi ra “bôi trơn” để có được cái “mỏ sạch” (mỏ có giấy phép khai thác). Theo cách diễn giải của họ thì “ngón tay” chỉ số tiền 100 triệu đồng còn “cái tát” (bàn tay) là 500 triệu đồng. Những “ngón tay” và “cái tát” luôn luôn phải đưa ra để được dự phần béo bở trong việc  “ăn” tài nguyên đất nước.

Ảnh minh họa
“Tiếng lóng” nghề nghiệp quả là có sức biểu cảm kinh hồn. (Ví dụ: hối lộ cho cảnh sát, quản lý thị trường, kiểm lâm, thuế, hải quan thì gọi là “làm luật”). Trong trường hợp mà chúng ta đang nhắc tới, “ngón tay” và “cái tát” chỉ món tiền hối lộ nhưng quả là chứa đầy ý nghĩa đau xót. Mang “ngón tay” và “cái tát” đến cho người khác nhưng chính bản thân mình phải chịu “chỉ mặt” (bằng ngón tay) và “ăn tát” (bằng cả bàn tay). Chừng đấy đủ hiểu là “tâm thế” của người hối lộ ra sao và tư cách của người nhận hối lộ như thế nào.

Có thể dùng từ hối lộ ở đây là quá sớm khi chưa được các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ. Song, đợi đến khi làm rõ thì chẳng biết đến bao giờ và cũng có thể chẳng bao giờ làm rõ. Vì thế, giới quặng dùng một từ đơn giản hơn, rõ nghĩa hơn, dân dã hơn là “bôi trơn”.

Bộ máy chính quyền của ta tại sao lại phải “bôi trơn” mới “chạy”? Tại sao phải có tiền bẩn mới có được một cái “mỏ sạch”? Những người không có “ngón tay” và “cái tát” hẳn còn lâu mới trả lời được câu hỏi này.

Nhị Ngọc

Đọc thêm