Ngũ giới tam quy và Lý triều Quốc sư Thánh tổ kệ dẫn (Tiếp theo và hết)

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong cuốn Quốc âm sa di thập giới, phần lời tựa, thiền sư Như Trừng viết: "Như Như thấy trong luật tạng giới pháp cẩn nghiêm, hội thấy chúng tăng thụ trì thất thố. Hoặc có kẻ trường trai thế phát mà thụ năm giới phẩm tại gia, khiến cho kẻ tại thế tục gia thời chẳng có giới phẩm mà thụ". Như vậy, khi Nguyễn Du viết Kiều: “Tam qui, ngũ giới, cho nàng xuất gia” là hoàn toàn phù hợp với kiến thức Phật học tại thời điểm lúc bấy giờ.
Chùa Keo Thái Bình.
Chùa Keo Thái Bình.

* Ngũ giới tam quy và Lý triều Quốc sư Thánh tổ kệ dẫn

Câu thơ Kiều gây tranh cãi

Liên quan đến chuyện tam quy ngũ giới, quả là một nhân duyên thú vị và may mắn khi chúng ta phát hiện việc Nguyễn Du trong khi ở Thái Bình đã có thời gian hiệu đính (duyệt chính) bản Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn. Đây là bản diễn Nôm theo thể thơ lục bát, bản in tàng bản thuộc chùa Keo, Thái Bình, nói về cuộc đời của vị Đại pháp sư Không Lộ và Minh Không.

Có một điểm thú vị liên quan đến câu thơ Kiều gây tranh cãi trong giới Phật giáo từ trước đến nay. Vị trí thức Phật giáo đầu tiên cho rằng Nguyễn Du không hiểu gì về Phật giáo khi phát biểu “Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia” là Võ Đình Cường. Tiếp theo Võ Đình Cường là Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Ngay trong tác phẩm “Thả một bè lau”, khi nói về câu thơ:

Hương hoa, ngũ cúng, sắm sanh lễ thường.

Đưa nàng đến trước Phật đường,

Tam qui, ngũ giới, cho nàng xuất gia.

Áo xanh đổi lấy cà sa,

Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.

Tác giả viết: “Ở đây nói có lễ xuất gia mà không cho biết ai là thầy truyền giới. Và thay vì Thọ Tam Quy và Thập Giới thì Kiều lại thọ Tam Quy và Ngũ Giới. Pháp danh Trạc Tuyền do ai đặt? Theo nguyên lục thì chẳng có thầy nào tới truyền giới cả. Chính cái pháp danh Trạc Tuyền cũng do Thúc sinh đặt. Trong Quan Âm Các, có thờ một tượng Đại Sĩ Quan Âm và trong chánh điện có một biển treo đề hai chữ Trạc Tuyền. Thúc Sinh mới đề nghị lấy hai chữ Trạc Tuyền làm pháp danh cho Kiều.

Văn Tế Thập loại chúng sinh và những bài thơ viết về đạo Bụt sau này chứng tỏ cụ Nguyễn Du có một kiến thức về đạo Bụt khá sâu sắc.

Nghe nói khi lìa đời cụ cũng tịch một cách êm ái. Khi sáng tác truyện Kiều, kiến thức Phật pháp của cụ còn chưa được sâu sắc lắm. Điều đó biểu hiện ở một vài nơi. Triết lý của truyện Kiều phối hợp vừa triết lý đạo Bụt, vừa triết lý Thiên Mệnh, đạo Khổng, đạo Lão; không được mạch lạc rõ ràng. Cụ Nguyễn Du cũng không biết muốn xuất gia thì phải thọ mười giới chứ không phải năm giới. Thọ năm giới cũng phải có thầy truyền giới.”

Chúng tôi cho rằng, sở dĩ học giả Võ Đình Cường và thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phát biểu như vậy là bởi chưa được đọc Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn, tác phẩm hát kể hạnh do chính Nguyễn Du hiệu đính này.

Bản kệ có câu:

“Canh cánh quyết chí tu hành

Tìm nơi cảnh vắng am thanh trụ trì

Giữ gìn ngũ giới tam quy

Chức là Pháp tự vâng ghi lời thầy

Mùi thiền càng nếm càng say

Lại sang Hà Trạch đêm ngày quy tăng”

Như vậy, rõ ràng Nguyễn Du đã có dịp tiếp cận với những dữ liệu về Lý triều quốc sư cùng con đường tu hành đạt đạo của ngài. Nguyễn Du đã có thời gian sống đến 10 năm (khoảng thời gian từ 1786 – 1795) ở Thái Bình (quê vợ). Theo chúng tôi, có thể cụ bắt đầu tiếp xúc và học Phật vào khoảng thời gian này. Đây cũng là thời gian ra đời những câu thơ như:

Hà năng lạc phát quy lâm khứ,

Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.

Dịch: "Làm sao xuống tóc về rừng ẩn,/ Nằm nghe tùng hát gió đưa mây." (Bài Tự thán II)

Trong tập "Bắc hành tạp lục" với bài thơ "Vọng Quan Âm miếu" cũng ra đời trong khoảng thời gian này có những câu:

Ðình vân xứ xứ tăng miên định,

Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai.

Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp,

Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai.

Dịch:

Mây giăng khắp chốn sư an giấc,

Chiều xuống núi đồi vượn kêu ai;

Ðốt nén hương đàn tiêu nghiệp tuệ,

Quay đầu đã cách vạn trùng nhai.

Cụ Nguyễn đã thấm nhầm Phật giáo

Chúng tôi cũng cho rằng, thời gian “10 năm gió bụi” (1786 – 1795) chính là khoảng thời gian Nguyễn Du đã tham gia vào duyệt chính bản kệ Nôm theo lối kể hạnh nổi tiếng của Phật giáo Thái Bình lúc bấy giờ.

Ngôi nhà Nguyễn Du sống chính là ngôi nhà của Đoàn Nguyễn Tuấn, anh vợ của Nguyễn Du. Điều thú vị là chùa La Vân thờ Không Lộ/Minh Không, một danh lam rất nổi tiếng chỉ cách nơi Nguyễn Du sống vài km.

Một ngôi chùa nổi tiếng khác ở Thái Bình mà Nguyễn Du đã từng đến là chùa Keo, được xây dựng dưới thời Lê với kiến trúc quá quy mô xứng tầm bậc nhất trời Nam bấy giờ cũng là nơi thờ Không Lộ Minh Không. Hiện ở chùa Keo Thái Bình còn tấm bia ghi ghi rất rõ nhân vật Nguyễn Quyện - ông tổ nhiều đời của dòng họ Tiên Điền do mộng thấy Đại pháp sư mách bảo mà quyên góp xây dựng. Ngôi chùa nổi tiếng thời Lê mang dấu ấn của tiền nhân trong gia tộc mình là Nguyễn Quyện chắc chắn mà một người con cháu như Nguyễn Du không thể không biết đến. Nguyễn Quyện là anh Nguyễn Miễn. Nguyễn Miễn là cha của Nguyễn Nhiệm. Nguyễn Nhiệm là người đi vào Miền Trung và lập nên dòng họ Tiên Điền đầu tiên ở Hà Tĩnh.

Văn bia hiện còn ở chùa Keo Thái Bình cho biết chùa này được khởi công xây dựng từ năm 1632. Tuy nhiên, văn bia ghi Trùng tu thần Quang tự bi ký lại có niên đại 1609 do tướng quân Nguyễn Quyện đứng ra tu tạo.

Do vậy, có thể nói, không phải tình cờ mà Nguyễn Du để tâm duyệt chính bản kệ dẫn trong khi chính nơi đây vị tổ dòng họ Tiên Điền là Nguyễn Quyện là người từng đứng ra trùng tu chùa Keo này. Đó chính là nhân duyên từ cha ông của dòng họ Nguyễn Tiên Điền với thánh.

Trong cuốn sách này, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn đọc những đối chiếu từ bản Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn với Truyện Kiều để thấy những nét tương đồng. Cách sử dụng câu chữ, ý và tứ của lời kệ đều có thể tìm thấy trong Truyện Kiều với lối diễn đạt tự nhiên và gần gũi.

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh

Kì trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ

Chung tri vô tự thị chân kinh

(trích: Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài)

Có thể nói, kiến thức Phật giáo của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều đã rất chính xác sâu sắc. Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh và những bài thơ viết về đạo Bụt sau này như Phân kinh thạch đài chứng tỏ cụ Nguyễn Du đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Phải chăng, đó là bởi tâm thức Nguyễn Du đã được ươm mầm từ những nhân duyên trong 10 năm gió bụi.. và tác phẩm Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn cũng là một trong số những hạt mầm gieo vào mảnh vườn tâm của đại thi hào ngày ấy.