"Ngược đãi" và "dạy bảo"

Dù có bao biện rằng “con tôi, tôi dạy”, thì việc bố mẹ đánh đập con cái vẫn bị coi là hành vi xâm hại đến sức khỏe trẻ em và bị pháp luật ngăn cấm. 
Dù có bao biện rằng “con tôi, tôi dạy”, thì việc bố mẹ đánh đập con cái vẫn bị coi là hành vi xâm hại đến sức khỏe trẻ em và bị pháp luật ngăn cấm.  
Một vụ xâm hại sức khỏe trẻ em
Những câu chuyện khó tin
Hình ảnh cháu bé 9 tháng tuổi Nguyễn Thị Như Ý bị chính mẹ đẻ mình đánh bầm dập chân, tay, ngực…chỉ vì người mẹ này thấy cháu quấy khóc nhiều quá đã khiến dư luận phẫn uất. Sự hành hạ này kéo dài đến nỗi cháu bé bị chấn thương nặng khi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp và chỉ nhờ có sự can thiệp của chính quyền, vụ việc mới được đưa ra trước pháp luật. Rồi vụ án bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa (Đồng Nai) đánh đập, hành hạ dã man 10 cháu nhỏ gửi tại nhà mình ngay cả khi cho các cháu ăn khiến dư luận cả nước phẫn nộ về hành vi phản cảm, phi giáo dục.
 Hay mới đây ngày 23/8/2012, một bé gái mới 4 ngày tuổi, chưa kịp được đặt tên đã bị người cha nhẫn tâm ném xuống đất khiến cháu bé bị chấn thương sọ não, hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này chỉ vì L.V.L (ngụ huyện Mỏ Cày Nam - Bến Tre) cha cháu bé, uống rượu, cãi nhau với vợ rồi tức giận giật cháu bé ném xuống đất. 
Trong nhiều gia đình, việc bạo hành con trẻ không chỉ đơn giản về thể chất mà còn cả về tinh thần. Bởi những guồng quay của cuộc sống khiến các bậc phụ huynh phải chịu nhiều áp lực. Khi con cái có việc gì đó sai hoặc không đúng, bố mẹ lại xả căng thẳng, bực dọc vào chính con cái mình mà không ý thức được sự nguy hiểm của hành vi của mình. Thế nên, việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật làm sao phải rộng rãi nhiều hơn nữa để mọi người biết tới luật pháp và ý thức được hành vi của mình làm có sai trái hay không là rất cần thiết – là quan  điểm của rất nhiều luật gia 

Còn người dân phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, Bình Định rất bất bình trước vụ việc cháu Nguyễn Thanh Toàn (10 tuổi) liên tục bị người mẹ kế là bà Phan Thị Kiều Diễm (SN 1991, hiện trú tại tổ 43, khu vực 6, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, Bình Định) bạo hành, đánh đập bằng đòn roi hung bạo vừa bị phanh phui…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hoàn (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp) cho rằng: “Ngay từ khi xây dựng Bộ luật Hình sự 1985, trẻ em được coi là đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ về tính mạng và được chăm sóc. Mọi hành vi xâm hại tới thế hệ tương lai của đất nước đều bị xử phạt rất nặng”.
Dẫn chứng điều này, ông Hoàn đưa ra những điều luật liên quan đến việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của con người trong Bộ luật Hình sự 1999 (từ Điều 93 tới Điều 122), có những điều luật có quy định riêng nếu phạm tội mà nạn nhân là trẻ em như Giết người, Hiếp dâm trẻ em, Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác, Mua bán trẻ em, Hành hạ người khác…đều có khung hình phạt nặng hơn rất nhiều so với việc phạm tội mà nạn nhân là người đã trưởng thành.
“Gần đây, chứng kiến nhiều vụ việc mà nạn nhân là các cháu nhỏ nên dư luận rất lên án và kịch liệt phản đối. Việt Nam ta là một nước tham gia công ước về quyền trẻ em nên khi sửa đổi Bộ luật Hình sự sau này, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm khi làm luật về việc xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng xâm hại tới sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của thế hệ tương lai” – ông Hoàn cho biết.
Ngược đãi con trẻ - có thể bị đi tù!
PV đã có cuộc gặp gỡ với Luật sư Nguyễn Phương Nhi (Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự, Đoàn Luật sư Hà Nội) để trao đổi về vấn đề này. Luật sư Nhi nhìn nhận: “Thói quen “con tôi, tôi dạy” đã không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình nữa. Thói quen này cần phải được thay đổi bởi nó đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Việt Nam ta trước đây là một nước phong kiến, việc dạy con được người trong nhà dạy dỗ bằng phương pháp riêng không liên quan đến ai, kể cả việc đánh chửi thậm tệ, bố mẹ bắt gì phải nghe nấy, nếu không sẽ bị đòn roi. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một Luật sư, tôi cho rằng, phương pháp đòn roi không được khuyến khích dù là với bất cứ lý do và mục đích nào. Nhất là hiện tại, trẻ em được giáo dục rằng các em được bảo vệ bằng quyền trẻ em, trong đó có quyền được an toàn và được bảo vệ... Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (2004) và Luật phòng chống bạo lực gia đình và đặc biệt là trong Hiến pháp 1992 cũng đều ghi rất rõ điều này”.
Theo Luật sư Nhi, Nghị định 71/2011/ NĐ-CP ban hành tháng 11/2011 quy định về xử phạt hành chính đối với các cơ quan, đoàn thể và cá nhân đối với việc không tố giác có tình trạng bạo lực gia đình, trong đó có việc bạo hành trẻ em cho thấy đây đã không đơn thuần là việc trong gia đình nữa mà đã trở thành trách nhiệm của mỗi cá nhân để xã hội ta văn minh hơn. Các vụ án đánh đập dã man người làm công cho mình ở Thanh Xuân cách đây vài năm của vợ chồng chủ hàng phở, hay như vụ đánh đập cháu Hào Anh, bé Như Ý…chỉ dừng lại khi có sự can thiệp của chính quyền. Hiện nay, những vụ việc được đưa lên báo chí, được các phương tiện truyền thông phát hiện có thể chỉ là một con số nhỏ, điều cần làm là nên thay đổi ý thức của người dân trong việc giáo dục con em mình.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nhi cho hay, mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em đều bị nghiêm trị rất nghiêm khắc khi căn cứ vào Bộ luật Hình sự hiện hành (xử phạt tù giam): “Đánh các cháu bị chấn thương dù nặng hay nhẹ đều có thể quy vào tội Cố ý gây thương tích (Điều 104) với mức phạt từ sáu tháng tới ba năm. Còn mắng chửi, nhiếc móc thậm tệ và dùng cả đòn roi, gây thương tích bằng việc dùng nước sôi, các dụng cụ gây đau… cho trẻ có thể quy vào tội Hành hạ người khác (Điều 110)…với mức án phạt tù có thể từ một tới ba năm”.
 “Nghiêm khắc không đồng nghĩa với việc sử dụng bạo lực. Tôn trọng thể xác cũng chính là tôn trọng về mặt tinh thần cho đứa trẻ. Dùng tình cảm, bằng lời lẽ, các biện pháp xử phạt khác, có thể lâu có kết quả hơn nhưng điều đó giúp đứa bé có hướng tâm lý tốt hơn về tình thương, lòng bao dung và sự dịu dàng”, vị Luật sư tâm huyết với trẻ em này nói thêm.
Uyên Lê

Đọc thêm