'Người ăn chay' nhưng không nói về việc ăn chay

(PLVN) - “Người ăn chay” là liên truyện gồm 3 truyện ngắn được kể dưới góc nhìn của ba nhân vật trong gia đình về Yeong Hye sau khi cô từ chối ăn thịt.
Tác giả Han Kang.

Truyện ngắn “Người ăn chay” được kể bằng góc nhìn của người chồng, “Vết chàm Mongolia” được kể dưới góc nhìn của người anh rể và “Cây pháo hoa” được kể qua góc nhìn của người chị gái.

Nhân vật trung tâm của cuốn sách là Young-Hye qua lời kể của chồng cô, chị gái và anh rể là chồng của chị gái.

Young-Hye vốn là cô gái ít nói đang có một cuộc sống “ổn định và bình lặng” bên chồng, bỗng dưng qua một đêm đối mặt với một giấc mơ thức dậy và quyết định không ăn thịt nữa. Điều này khiến người chồng và cả gia đình cô sửng sốt và hết sức can ngăn.

Tuy nhiên, những giấc mơ ám ảnh liên quan đến máu me, chết chóc và thịt vẫn liên tục bám lấy Young-Hye kể từ ngày cô ăn chay.

Và chính từ việc cô quyết định ăn chay cũng tạo nên những biến cố trong cuộc đời cô sau này trực tiếp liên quan đến những người thân là chồng, chị gái và anh rể.

Nội dung câu chuyện được nhiều người cho là khá ám ảnh. Đối với cảm nhận của cá nhân mình, phong cách của truyện này hơi giống với truyện của bác Murakami kiểu như 1Q84 ở độ kì dị, khó hiểu nhưng lại không hoàn toàn giống. Mình thấy truyện của Han Kang đời và thực hơn.

Ở chỗ, lấy hình ảnh và chuyện ăn chay của nhân vật để phản ánh mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Ví dụ như hình ảnh người bố của Young-Hye và chị gái cô là người lính từng tham chiến ở Việt Nam. Đây là một người đàn ông hết sức gia trưởng, ông nuôi dạy, nuôi dưỡng ba đứa con của mình bằng những trận đòn roi và từ đó dạy nên những đứa con có vẻ như “an phận” với đầy thương tổn bên trong.

Điều đó cũng tạo nên tính cách nhân vật sau này như chị gái của Young-Hye tuy có bề ngoài hiền thục, tự lập nhìn có vẻ mạnh mẽ nhưng sống cam chịu và hy sinh vì người khác. Chính vì thế cô bị thu hút bởi người chồng hiện tại làm nghệ thuật, hình tượng bất kham của anh chồng là nỗi khát khao của chính cô bởi chưa bao giờ cô dám rũ bỏ trách nhiệm vì những người xung quanh để sống như mình muốn.

Ám ảnh hơn cả là nhân vật Young-Hey hiện lên với những cơn ác mộng đầy máu và chết chóc mà người đọc phân vân không biết đến từ đâu? Từ người bỗng dưng thấy tội lỗi vì lớn lên trong một gia đình đã từng ăn quá nhiều thịt? Hay ám ảnh từ hình ảnh con chó bị bố ruột giết một cách tàn bạo? Hay là vì luật nhân quả, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, vì những gì mà bố cô gây ra hồi còn đi chiến tranh?

Một chi tiết khác cũng khiến người đọc ấn tượng nữa là hình ảnh vết chàm Mongolia mà cô có giờ cháu trai cũng có một vệt y hệt.

Truyện ngắn “Người ăn chay”.

Từ cuốn tiểu thuyết này, Han Sang đã vẽ lên một bức tranh gia đình ba người nhìn qua có vẻ yên bình, ổn định nhưng chẳng hề vững chắc. Sự việc Young-Hye ăn chay đã dấy lên sự sụp đổ vụn vỡ tồn tại sẵn ở trong lòng họ.

Cô lấy hình ảnh nhân vật và những khao khát, khổ đau của họ để phản ánh cuộc sống gia đình và xã hội Hàn Quốc hay sự cam chịu của người phụ nữ trong gia đình.

Bà Hoàng Hải Vân là người chuyển ngữ tác phẩm “Người ăn chay” của nhà văn Han Kang sang tiếng Việt cho biết, bà vô tình đọc được truyện ngắn “Vết chàm Mongolia” và bị cuốn hút theo niềm vui, nỗi buồn của nhân vật. Sau đó bà quyết định đưa tác phẩm này đến với bạn đọc Việt Nam.

Bà Hải Vân nói: “Khi đọc “Người ăn chay”, người ta liên tục đưa ra câu hỏi vì sao tác phẩm này lại tăm tối và đau khổ đến thế? Han Kang đã miêu tả những sang chấn về mặt tâm lý mà nhân vật đã phải chịu đựng từ những ký ức vô cùng đau đớn từ thời thơ ấu. Ám ảnh về bạo lực từ người bố khiến những người con có xu hướng cam chịu hoặc phản kháng lại mọi người xung quanh trong cuộc sống sau này”.

Tuy nhiên, người bố trong câu chuyện từng đi chiến đấu và chịu tổn thương tâm lý nặng nề vì chiến tranh. Ông đem bạo lực chiến tranh về gia đình và đè nặng lên những đứa con.

Theo bà Hoàng Hải Vân, nhân vật nữ chính Yeong Hye phản kháng để thoát khỏi bạo lực, chiến tranh và chế độ gia trưởng. Và qua Yeong Hye, Han Kang mô tả nỗi đau của cả một thế hệ phải chịu tổn thương tâm lý sâu sắc vì chiến tranh: “Khi ta đã nhận diện được bạo lực thì phải hiểu cần làm gì để xoa dịu vết thương từ nó. Đây có lẽ chính là giá trị nhân văn sâu sắc nhất trong “Người ăn chay””.

Đây là cuốn sách giúp nhà văn Han Kang giành giải Man Booker 2016 và đưa tên tuổi của nữ tác giả ra quốc tế.

Chiều 10/10, giải Nobel văn chương 2024 được công bố thuộc về tác giả người Hàn Quốc - Han Kang “vì tác phẩm văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt, đối diện với những tổn thương lịch sử và làm lộ rõ sự mong manh của đời người” mà bà viết ra, theo Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Với chiến thắng này, Han Kang trở thành tác giả nữ thứ 18 đoạt giải trong lịch sử Nobel văn chương.

Han Kang sinh năm 1970 ở Gwangju. Thành phố tỉnh lẻ nằm ở cực nam bán đảo Triều Tiên vào thời bấy giờ có dân số khoảng 600.000 người.

Cha bà - Han Seung-won, là tiểu thuyết gia nổi tiếng và từng giành nhiều giải thưởng văn chương.

Ông còn làm nghề giáo viên và gia đình bà hay đổi chỗ ở theo công việc của ông. Khi còn nhỏ, Han học năm trường tiểu học khác nhau nên sách vở đã luôn là bạn thân thiết của bà.

Tại Việt Nam, sách của Han Kang được dịch khá sớm, từ năm 2011 với “Người ăn chay”, sau đó là “Trắng, Bản chất của người”.

Đọc thêm