Trả lời: Vấn đề các cháu hỏi đã được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 tại các chế định về quyền tài sản, quyền sở hữu.
Theo đó, Bộ luật Dân sự quy định người chưa thành niên vẫn có quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản. Do đó, các cháu vẫn có quyền sở hữu tài sản với nguồn gốc được xác lập do được thừa kế, tặng cho mà không phụ thuộc vào việc mẹ cháu có đồng ý hay không.
Tuy nhiên, do các cháu chưa đủ 15 tuổi nên pháp luật quy định các cháu chưa thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch cũng như tự định đoạt tài sản- mà thông thường phải thực hiện thông qua người giám hộ (hoặc người đại diện) của mình là cha hoặc mẹ của các cháu.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự quy định như sau: Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật của quy định khác.
Trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng đủ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, chị em cháu vẫn có quyền có tài sản riêng, có quyền được mở sổ tiết kiệm với sự giám hộ của cha hoặc mẹ của mình. Nếu mẹ các cháu từ chối mà các cháu vẫn muốn nhận số tiền trên để gửi tiết kiệm lo cho tương lai thì các cháu có thể làm thủ tục mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng, tổ chức tín dụng với sự giám hộ của người cha.
Vấn đề cháu hỏi ai là người có quyền quản lý, định đoạt đối với sổ tiết kiệm của các cháu – là tài sản của con chưa thành niên, theo điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì “tài sản riêng của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.”
Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cụ thể về việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự như sau: Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Như vậy, hiện tại cha mẹ các cháu là người có quyền định đoạt đối với số tiền trong sổ tiết kiệm của chị em cháu nhưng sự định đoạt đó phải vì lợi ích và trên cơ sở nguyện vọng của các cháu.