Theo Luật BHYT, từ ngày 1-1-2010, người tham gia BHYT cùng chi trả 5-20% viện phí. Mặc dù đây được xem là giải pháp giảm bội chi quỹ BHYT nhưng lại là một khó khăn lớn đối với người bệnh nghèo, nhất là người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, suy thận, ung thư…Vướng mắc này được các cơ quan quản lý tháo gỡ bằng chủ trương huy động nguồn kinh phí từ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo (Quỹ 139) để hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách này đang bị “ tắc” và người nghèo vẫn phải tiếp tục chờ...
Chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Ngô Quyền Ảnh: Hải Ngọc
|
Nỗi khổ của người bệnh nghèo
“Cuộc sống của chồng tôi gắn với máy chạy thận gần 10 năm nay. Anh ấy sức khỏe yếu chẳng làm được việc gì, mình tôi gánh vác cả gia đình với 6 miệng ăn, vất vả từ sáng đến tối cũng chẳng đủ ăn. Gia đình tôi thuộc diện nghèo trước đây được BHYT thanh toán 100% nhưng từ năm nay, phải cùng chi trả 5%. Mỗi tháng phải chi trả 400.000 đồng, mỗi năm tốn khoảng gần chục triệu đồng. Với gia đình nghèo như chúng tôi đó là một khoản tiền lớn…Nhưng không thể dừng điều trị bởi dừng là chết…Mong sao Nhà nước có chính sách giúp người nghèo chúng tôi chứ thực hiện cùng chi trả thế này, người nghèo khổ quá”- Chị Bùi Thị Miền, 45 tuổi, ở xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy) tâm sự. Mỗi tuần chồng chị Miền phải chạy thận 3 lần ở Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp. Chi phí tốn kém, thời gian điều trị kéo dài khiến kinh tế gia đình chị khánh kiệt.
Anh Hoàng Văn Cầu, ở xã An Hưng (huyện An Dương) bị bệnh ung thư hạch hơn một năm nay. Anh buồn rầu: “Mỗi lần hóa trị ở Hà Nội mất 3 triệu đồng, tôi phải đóng thêm 20% (600 nghìn đồng). Trước đây chỉ mất tiền đi lại, ăn ở, còn viện phí do BHYT thanh toán, nay mỗi lần đi hóa trị, lại lo thêm 600 nghìn đồng nữa. Gia đình thuần nông, thu nhập thấp, đông miệng ăn. Cứ đà này, chắc tôi bỏ điều trị …”.
Hải Phòng có gần 100 nghìn người thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi và người nghèo được cấp thẻ BHYT. Chưa kể người cận nghèo được hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm. Nhưng với quy định của Luật BHYT mới, không chỉ người nghèo mà cả nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (người già cô đơn, trẻ từ 6 tuổi trở lên mồ côi cha mẹ, bị bỏ rơi) cũng phải cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh. Các nhóm đối tượng còn lại phải cùng chi trả 20%. Trên thực tế, với nhóm người thuộc diện bảo trợ xã hội, người nghèo không có khả năng bỏ tiền mua thẻ BHYT nói gì đến khả năng thanh toán viện phí, nhất là khoản phí điều trị những bệnh mãn tính như suy thận, tiểu đường và các bệnh về máu… Số người thuộc diện cận nghèo phải thực hiện cùng chi trả 20% lại càng khó khăn hơn bởi ranh giới giữa nghèo và cận nghèo rất mong manh…
Chờ đến bao giờ?
Trước thực tế này, các cơ quan quản lý đã tính đến giải pháp sửa đổi Quyết định 139/2002 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng đây sẽ là nguồn tài chính hỗ trợ người nghèo không có khả năng cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh. Theo chủ trương chung, trong thời gian chờ đợi các quy định cụ thể để hỗ trợ nhóm đối tượng khó khăn trong việc cùng chi trả, các địa phương còn Quỹ 139 có trách nhiệm dùng quỹ chi trả cho người nghèo. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, quỹ 139 không còn hoạt động! Đến nay, sau gần nửa năm thực hiện việc cùng chi trả 5-20% khiến người nghèo lao đao, các cơ sở khám chữa bệnh lúng túng chưa có giải pháp khả thi để tháo gỡ vướng mắc này.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hải Phòng, với nhóm bảo trợ xã hội, nên tách bạch 95% phí khám chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả, phần còn lại do ngân sách nhà nước chuyển về để các cơ sở khám chữa bệnh cho họ. Nhưng còn hàng chục nghìn người nghèo, cận nghèo trong đó có hàng nghìn người mắc bệnh mãn tính, chi phí điều trị lớn, trong khi thu nhập rất thấp thì xoay sở ra sao với 5-20% viện phí? Trong khi việc dùng nguồn Quỹ 139 hỗ trợ người nghèo thiếu khả thi thì việc điều chỉnh Luật BHYT bằng cách nhanh chóng sửa lại điều khoản yêu cầu người nghèo và người thuộc diện bảo trợ xã hội không phải cùng chi trả 5-20% viện phí là giải pháp tốt nhất hiện nay.
Thanh Giang