Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Hoàng Su Phì (Hà Giang), tuổi thơ nghệ sĩ Vương Văn Vình được tắm đẫm chất văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số. Sau này được học bài bản, đi biểu diễn khắp nơi, tích lũy vốn sống ông đã viết lên nhiều bản tình ca đẹp, mê mải ngân nga như suối rừng reo vui…
|
NSƯT Văn Vình. |
Học hết lớp bảy, với chút năng khiếu, Văn Vình (sinh năm 1957) được tuyển vào làm nhạc công trong Đoàn nghệ thuật dân tộc Hà Tuyên. Vài năm sau, Văn Vình được tuyển vào học tại Nhạc viện Hà Nội. Bốn năm học tại đây chàng nghệ sĩ trẻ đã được bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức và kỹ năng sử dụng nhiều loại nhạc cụ.
Trở về Hà Tuyên tiếp tục làm nhạc công, học thêm múa và tập sáng tác âm nhạc. Từ tháng 8 -1991, tỉnh Hà Tuyên được tách thành Hà Giang và Tuyên Quang, Văn Vình về công tác tại Đoàn nghệ thuật dân tộc Tuyên Quang.
Cho đến năm 1995 thì ca khúc đầu tay của ông có tên “Lời ru bên dòng Lô” hoàn thành và đạt Huy chương bạc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc.
Thành công bước đầu giúp Văn Vình tích cực phát huy khả năng chưng cất đời sống văn hóa của các dân tộc Mông, Dao, Tày… thành âm nhạc.
Tính đến nay trong “gia tài” âm nhạc của Văn Vình đã có vài chục ca khúc, đa số là ở thể loại âm nhạc dân gian với những âm điệu xao xuyến, xúc động, ca ngợi tình yêu đôi lứa, sức sống của người vùng cao Hà Giang, Tuyên Quang.
Âm nhạc của Văn Vình không chỉ có chất dân gian mà ở đó chất chứa tình cảm của một người con yêu dân tộc mình. Ông cho biết: “Tôi là một nghệ sĩ người Tày chính hiệu và hơn nữa, tôi yêu những điệu dân ca Tày, những câu hát Lượn, điệu hát Then và cả những đôi mắt đẹp sơn nữ trên nương rẫy… Khi sáng tác, tôi tìm thấy cả tuổi trẻ sôi nổi và tình yêu của một thời”.
Ai từng được nghe tác phẩm “Mùa trăng”, do Văn Vình phát triển từ dân ca Dao Thanh Y, sẽ thấy được chất trẻ trung của tình yêu đôi lứa bên những dòng suối long lanh ánh trăng:
“Cho chim rừng về càng ca hát, mong đôi lứa bên nhau thủy chung/ Ta cùng nhau say đắm bên ngàn hoa ngát rừng. Dòng suối reo bao lời yêu thương, trăng trên cao sáng ngời bao niềm tin”.
Năm 1999, Vương Văn Vình được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam và thật vinh dự, đầu năm 2012 ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) với nhiều cống hiến cho nền âm nhạc dân tộc.
Ông cũng là NSƯT đầu tiên của Tuyên Quang. Với danh hiệu này, không chỉ là niềm khích lệ mà còn “đặt” vào vai ông thêm trọng trách, là tích cực cống hiến, sáng tác nhiều hơn, phát triển nền âm nhạc dân tộc thiểu số.
Hiện nay, hai con trai của Văn Vình đều công tác cùng cơ quan với bố. Ông cũng muốn sau này hai con tích cực học tập để có thể tiếp nối cho dòng chảy âm nhạc trong tâm hồn cha, sác tác ra những bản nhạc làm đẹp thêm quê hương, núi rừng.
Văn Học