Người có chức vụ nào sẽ phải kê khai tài sản?

(PLVN) - Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng đã liệt kê hàng chục vị trí công tác phải kê khai tài sản nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Người có chức vụ nào sẽ phải kê khai tài sản?

Những tài sản phải kê khai

Dự thảo quy định, một trong những loại tài sản, thu nhập phải kê khai là quyền sử dụng đất, bao gồm: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường được gọi là sổ đỏ), có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, không có hai loại giấy tờ trên nhưng có sử dụng trên thực tế từ 12 tháng trở lên.

Đối với quyền sở hữu, sử dụng đối với nhà ở, công trình xây dựng, bên cạnh nhà ở, công trình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và nhà ở, công trình thuộc quyền sở hữu trên thực tế nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác thì người kê khai phải kê khai cả nhà ở, công trình xây dựng thuê của Nhà nước.

Các loại tài sản khác phải kê khai là: Tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng (cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng; Vật kiến trúc gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng); Vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) có tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên; Cổ phiếu, trái phiếu, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị của các loại giấy tờ đó từ 50 triệu đồng trở lên.

Các tài sản khác mà giá trị mỗi tài sản từ 50 triệu đồng trở lên cũng sẽ phải kê khai gồm: Tài sản phải đăng ký theo quy định của pháp luật (tàu bay, tàu thủy, thuyền, máy ủi, máy xúc, ô tô…); Tài sản khác (đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh, tranh, ảnh, tiền điện tử, các loại tài sản khác…); Các quyền tài sản khác (quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ…).

Người kê khai phải kê khai tài sản ở nước ngoài, tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, tài khoản khác ở nước ngoài có thể thực hiện giao dịch bằng tiền, tài sản. Tổng thu nhập giữa hai lần kê khai cũng là đối tượng phải kê khai.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc. Thời gian niêm yết là 30 ngày.

Kê khai, giải trình không trung thực sẽ bị xử lý ra sao?

Cũng theo Dự thảo, có 13 ngạch công chức phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Đó là: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm tra viên thuế; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên của Đảng; Thanh tra viên; Thẩm phán.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đề xuất hàng chục vị trí công tác phải kê khai tài sản đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên có phụ cấp chức vụ từ 0,4 trở lên. Đó là những người làm công tác thẩm định liên quan tới tổ chức bộ máy, biên chế, phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo, thẩm định cho vay tín dụng, xử lý công nợ, giám định, cấp phép, kiểm dịch, quản lý quy hoạch, một số lĩnh vực công tác tư pháp, cấp phép, thẩm định hồ sơ…

Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và người thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên có phụ cấp chức vụ từ 0,5 trở lên làm ở các vị trí phải kê khai tài sản nói trên cũng phải kê khai tài sản.

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử lý cảnh cáo, miễn nhiệm. Nếu người đó có hành vi chống đối cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập, tẩu tán tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sỹ quan, tước doanh hiệu quân nhân, công an nhân dân…

Đọc thêm