Người “đàn bà ngoan” 20 năm chống chọi “búa rìu dư luận”

Câu chuyện đời của người phụ nữ khuyết tật này nhiều ngậm ngùi, vương vấn. Khát khao làm mẹ tột bậc đã giúp người đàn bà “què” có nghị lực phi thường, để đến hôm nay, chị muốn chia sẻ chuyện đời như lời động viên cho những người cùng cảnh ngộ.

Câu chuyện đời của người phụ nữ khuyết tật này nhiều ngậm ngùi, vương vấn. Khát khao làm mẹ tột bậc đã giúp người đàn bà “què” có nghị lực phi thường, để đến hôm nay, chị muốn chia sẻ chuyện đời như lời động viên cho những người cùng cảnh ngộ.

Vượt “sóng gió dư luận”

Chị là Đinh Thị Đào (SN 1962, ngụ thôn Chanh Trên, xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Hội trưởng Hội người khuyết tật huyện Vĩnh Bảo. Cha mất khi Đào sáu tuổi, mẹ đi bước nữa, 3 chị em về sống cùng bà ngoại. Chân phải của Đào bị teo nhỏ do khuyết tật bẩm sinh, cô bé không được đi học, chỉ tập tễnh đi lại giúp bà ngoại trông hai em. Từ ngày thiếu nữ, chị đã nổi tiếng là tấm gương vượt lên hoàn cảnh, vừa xông xáo vừa tháo vát, một tay làm đủ mọi việc.

Nhiều người đến tìm hiểu, ngỏ ý muốn được gắn bó cả đời, nhưng chị đều từ chối, phần vì sợ mình thành gánh nặng của họ, phần vì lo các em, phần vì không đủ tự tin vượt qua sự phản đối gay gắt của nhiều gia đình vì các bậc cha mẹ đều không muốn con trai họ đi lấy một cô gái “què”.

Người phụ nữ tật nguyền dám vượt qua “tiếng xấu”

Bà ngoại mất, các em lần lượt xây dựng hạnh phúc riêng, gian nhà nhỏ chỉ còn một mình Đào lủi thủi ra vào. Khát khao có một mái ấm để chăm sóc mỗi ngày một cồn cào cháy bỏng, sau một thời gian suy nghĩ chị quyết định: “Chẳng cần lấy chồng nữa, mình sẽ sinh con một mình”.

Chị chọn cha cho con mình, một người đàn ông tốt bụng mà chị thấy tin tưởng, thuyết phục để “xin” một đứa con. Kế hoạch làm mẹ đơn thân được triển khai, Đào xin nghỉ hoạt động văn hóa với lý do sức khỏe, bụng bảo dạ sẽ giữ bí mật về người đàn ông tốt bụng không để ảnh hưởng đến anh ta.

Lúc ấy chị chỉ nghĩ trở ngại trước mắt là đang làm cán bộ văn hóa, chắc chắn việc không chồng mà chửa sẽ gây sốc cho bà con làng xóm. Nhưng người phụ nữ đã không thể ngờ hạnh phúc làm mẹ phải đánh đổi bằng quá nhiều thứ.

Dân làng quả nhiên đã xôn xao khi thấy cô Đào vác cái bụng chửa to vượt mặt ra đường. Từ đầu làng đến cuối ngõ ai cũng xì xào thắc mắc: “Nó lấy chồng bao giờ mà có chửa”?. Ngay cả mẹ của chị biết chuyện, không chịu được “miệng đời” cũng quay ra trách móc, chất vấn con gái. Bà muốn tìm cho ra nhẽ “Bố đứa trẻ là ai?”.

Cho đến tận lúc chị sinh nở, người thân vẫn dò hỏi về người đàn ông ấy. Chị Đào nhớ lại: “Lâm bồn một mình vừa đau đớn vừa tủi thân, nhưng tôi vẫn nói cứng: “Con có chết ra đây cũng không nói nên mọi người đừng hỏi nữa””.

Người đàn bà tật nguyền vượt cạn an toàn, một bé trai kháu khỉnh chào đời trong nước mắt hạnh phúc của người mẹ tội nghiệp và cả sự tò mò của dân làng. Người dân từ già đến trẻ, có cả những người không quen biết cũng kéo đến để xem mặt đứa trẻ. Mỗi người một kiểu, người thì ý nhị hỏi han, người thì “hăng hái” vén mũ, lật khăn để “dòm” cho thật kĩ xem đứa bé giống ai. “Lúc ấy người ta cứ đồn đoán, suy diễn đủ chuyện. Nhưng tôi chấp nhận tất cả, thằng bé là hạnh phúc quá lớn với tôi”, chị Đào thở dài.

Bùi ngùi “không chồng mà chửa”

Chị mang bầu khi đã ngoài 30 tuổi, sức khỏe yếu, nhà nghèo chẳng có gì nuôi con, cậu con trai bị bị bệnh tim, khớp bẩm sinh nhưng không có tiền chạy chữa. Có những khi khó khăn, một mẹ một con thơ đau ốm nhưng không nhờ được ai giúp đỡ. Trong ký ức của chị vẫn còn những đêm một mình thập thễnh bế con, con khóc mẹ khóc, chỉ dám loanh quanh trong nhà, không dám ra ngoài đường vì sợ phải đối mặt với những ánh mắt dò xét dè bỉu của người làng.  

Từ chỗ vốn được hàng xóm yêu mến, giờ gần như không mấy ai muốn qua lại với chị. Cô cán bộ văn hóa đẻ con “ngoài giá thú” trở thành chuyện động trời đáng xấu hổ, mọi người đều xa lánh, có người nào thông cảm cũng không dám ra mặt quan tâm. Hai mẹ con cứ thế lủi thủi nương tựa vào nhau, có những bữa nấu cơm thiếu nắm gạo hay chút nước mắm, nhiều người đã đóng cửa khi thấy chị “vác bát” đi xin. Người đàn bà ngậm ngùi mang tiếng không chồng mà chửa, cứ cặm cụi chắt chiu nuôi con.

Thoắt cái con trai chị bây giờ đã 17 tuổi. Chị Đào thương con vì tuổi thơ của đứa trẻ cũng trải qua những năm tháng không tròn vẹn, sức khỏe yếu ớt lại bị bạn bè cùng lứa cô lập vì tiếng “con hoang”. Đã bao lần chị lúng túng trước câu hỏi của đứa trẻ: “Tại sao con lại không có bố?”, và gần như bất lực khi con trai trở nên lầm lì xa lánh cả mẹ.

Chị Đào lại nằm trong số ít những người khuyết tật biết vươn lên và giúp đỡ những người tàn tật khác tại huyện. Chị đã từng làm nhân vật cho rất nhiều chương trình truyền hình, nhưng thằng bé không cả muốn nhìn thấy mẹ trên vô tuyến. Hỏi tại sao, mãi cậu mới lí nhí: “Tại các bạn trêu”.

“May sao càng lớn cháu càng hiểu chuyện và thương mẹ, chẳng bao giờ gặng hỏi về bố. Thằng bé không bỏ học nữa nhưng ít nói lắm, chẳng mấy khi thấy nó cười. Có lần thằng bé bị trêu nhiều quá, còi cọc đau ốm như thế mà lao vào đánh nhau với đám bạn để bảo vệ cho mẹ. Tôi chỉ cầu mong con lớn khôn, trưởng thành, có cuộc sống yên bình hạnh phúc là mãn nguyện”, người mẹ rơm rớm khóc.

Động viên người bằng chuyện đời mình

Bên cạnh cậu con trai mà chị đã vượt bao khó khăn mới có được, chị Đào còn có niềm vui làm công tác xã hội. Sau nhiều sóng gió, nhiều điều tiếng, người phụ nữ này đã dần lấy lại được sự tin tưởng của người làng. Mọi người ủng hộ chị quay lại với các hoạt động phong trào dành cho người khuyết tật và thôn xã.

Một số người đến giờ vẫn nhớ trong một cuộc họp kiểm điểm ngày trước, chị đã dũng cảm nói lên khát khao được làm mẹ:  “Tôi là một người phụ nữ. Dù tôi tàn phế nhưng tôi có quyền được làm mẹ. Đấy là thiên chức là hạnh phúc của mỗi người đàn bà. Những người hiếm muộn có thể nhận con nuôi. Vậy tại sao tôi không thể tự sinh cho mình một đứa con? Nếu đặt mọi người ở hoàn cảnh của tôi, liệu mọi người có muốn có một cô vợ què cụt, nghèo đói”?

Nhiều người từ chỗ dèm pha đã thông cảm và thán phục ý chí của người đàn bà bất hạnh, ủng hộ chị quay lại với công tác xã hội. Hội những người khuyết tật của huyện Vĩnh Bảo được thành lập, suốt bốn năm liên tục làm cán bộ hội, chị đã vượt qua những vất vả bệnh tật trong cuộc sống riêng để nhiệt tình giúp đỡ các thành viên.

Chị nói: “Cơ thể con người ta thiếu hụt cái gì cũng là bất hạnh. Tôi từ lúc sinh ra bị teo một bên chân, cuộc sống đã nhọc nhằn như vậy, thử hỏi những người bị nặng hơn, họ còn vất vả như nào? Tôi không cổ súy người khác một mình sinh con như tôi, nhưng hy vọng những người bất hạnh hơn khi nghe câu chuyện đời tôi, nhìn thấy tôi đấu tranh với khó khăn, họ sẽ tự tin hơn về bản thân mình và dũng cảm đón nhận hạnh phúc”.

Mỗi buổi chiều chủ nhật hàng tuần, mọi người lại thấy chị tập tễnh chống nạng, lê cái chân teo tóp đi vào nhà văn hóa thôn để chuẩn bị cho buổi phát thanh và buổi sinh hoạt chung của hội. Giờ đây người làng đã nói về chị một cách trìu mến: “Nhìn nhỏ bé thế, nhưng có khi mạnh mẽ còn hơn cả đàn ông đấy”.

Chưa phải đã hết những “lời ra tiếng vào” từ những người “ác miệng”, vẫn có người dò xét “Bố thằng bé ở đâu”, nhưng bây giờ chị đã có thể cười to nói trêu lại: “Bác cứ ra bến xe nhé, xem có ông nào đẹp trai nhất thì đấy là bố thằng cu nhà cháu”. Đang cười nói, chị bỗng trầm giọng: “Nói cứng thế thôi, nuôi con một mình trăm đường vất vả. Cuộc sống của mẹ con tôi còn nhiều việc để lo lắng, xung quanh tôi còn nhiều người bất hạnh cần được quan tâm. Tôi phải phấn đấu để mỗi ngày sống là một ngày có ý nghĩa, ai có nói gì tôi cũng không trách giận”.

Theo Xa lộ Pháp luật

* Mọi tâm tư, câu chuyện đời mình của bạn đọc cần sẻ chia tâm sự, vui lòng liên hệ chuyên mục Chuyện đời tự kể: 098.609.8508

Đọc thêm