Người dân cũng có lỗi trong tai nạn đường sắt

Vụ tàu hoả SE2 hành trình từ TP.HCM ra Hà Nội đâm vào 6 ô tô, làm 2 người chết và 26 người bị thương trên cầu Ghềnh (Đồng Nai) tối 6/2, không chỉ lái tàu, người gác chắn mà cả những người tham gia giao thông đường bộ cũng có một phần trách nhiệm.

Vụ tàu hoả SE2 hành trình từ TP.HCM ra Hà Nội đâm vào 6 ô tô, làm 2 người chết và 26 người bị thương trên cầu Ghềnh (Đồng Nai) tối 6/2, không chỉ lái tàu, người gác chắn mà cả những người tham gia giao thông đường bộ cũng có một phần trách nhiệm. Trước khi xảy ra tai nạn, cảnh kẹt xe đã diễn ra. Giao thông bị ùn ứ, không xe nào chịu nhường xe nào để thoát ra khỏi khu vực có đường sắt chạy qua. Tình trạng trên đúng như câu chuyện ngụ ngôn hai con dê cùng muốn qua cầu. Đây cũng không phải là chuyện lạ ở Việt Nam, cảnh tượng đó thường xuyên diễn ra trên đường phố. Đó chính là ý thức của người tham gia giao thông, ai cũng biết nhưng sửa thì dường như khó quá."Ý thức giao thông của người dân quá kém!" Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban ATGT Đường sắt cho biết: Tổng công ty ĐSVN đã nhiều lần gửi văn bản lên Bộ GTVT đề nghị xóa bỏ việc đi chung cầu giữa đường sắt và đường bộ, vì hiện nhiều nơi đã có đường mới, cầu mới thay thế. Các phương tiện chỉ cần đi xa hơn một vài km là có thể bỏ việc đi chung này. Cầu Ghềnh hoàn toàn có thể chấm dứt việc đi chung, nếu Sở GTVT Đồng Nai đồng ý với phương án này.
Chiếc xe tải nát bét sau vụ tai nạn tàu hỏa trên cầu Ghềnh hôm 6/2. (Ảnh: Bee)
Chiếc xe tải nát bét sau vụ tai nạn tàu hỏa trên cầu Ghềnh hôm 6/2. (Ảnh: Bee)
Sau vụ tai nạn này, dứt khoát các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải rà soát lại việc đi chung cầu giữa đường sắt và đường bộ. Nếu vì lý do nào đó buộc phải đi chung sẽ có một qui trình điều khiển giao thông ở đây nghiêm ngặt hơn, tính pháp lý cao hơn. Thừa nhận sự thiếu trách nhiệm của nhân viên đường sắt trong vụ tai nạn tại cầu Ghềnh, ông Bình cũng nhấn mạnh yếu tố  ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân còn quá kém. Cơ sở hạ tầng đường sắt chưa được đầu tư thỏa đáng, ý thức của người tham gia giao thông kém, cộng với sự thiếu trách nhiệm của nhân viên đường sắt chính là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn tại cầu Ghềnh.Huy động lực lượng liên ngành điều tiết giao thông trên cầu chung
Hiện có 10 cầu chung giữa  đường sắt và đường bộ là cầu Phố Lu, Ngòi Đường (Lào Cai), Thị Cầu (Bắc Ninh), Sông Thương (Bắc Giang), Tam Bạc (Hải Phòng), Đọ Xá (Hà Nam) La Khê (Hà Tĩnh) Tháp Chàm (Ninh Thuận), Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh), Đồng Nai nhỏ (Đồng Nai).
Quay trở lại vụ tai nạn trên cầu Ghềnh, đơn vị quản lý, điều hành giao thông trên cầu Đồng Nai là Công ty TNHHMTV Quản lý đường sắt Sài Gòn. Tại đây luôn có 4 nhân viên làm nhiệm vụ điều hành, hướng dẫn giao thông qua cầu cho cả 2 phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, giao thông đường bộ trên cầu đang được điều hành chạy theo hướng Bắc. Khi có làn 5 xe ô tô đang ở trên cầu chạy theo hướng này thì có xe taxi BKS: 56K-8595 chạy theo hướng ngược lại, đi vào cầu nên đã xảy ra ách tắc. Lái xe ô tô (trên cả 2 chiều) xuống xe tranh cãi càng gây ra ách tắc kéo dài. Chỉ sau khi nhân viên gác cầu đến can thiệp thì lái xe taxi 56K-8595 mới chịu lùi. Khi xe taxi đang lùi  gần ra khỏi cầu thì tàu hỏa đi tới và tai nạn đã xảy ra. Cầu chung Đồng Nai Lớn là cầu chung đường sắt và đường bộ nhưng lại là cửa ngõ phía Bắc đi vào TP Biên Hòa nên mật độ giao thông ở đây rất cao. Cầu lại được xây dựng cách đây đã trên 100 năm nên lòng cầu nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một làn phương tiện qua cầu. Trong khi đó, nhân viên điều hành trên cầu chỉ là công nhân đường sắt, không có thẩm quyền xử phạt các trường hợp vi phạm nên việc điều hành giao thông trên cầu gặp rất nhiều khó khăn. Nên chăng trong khi chưa thể xóa bỏ các cầu chung, cần sớm xem xét phương án tổ chức tuần gác và điều hành giao thông qua cầu chung (đường bộ, đường sắt) phải bao gồm các lực lượng liên ngành như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và nhân viên ngành đường sắt.
Theo Hồ Thu Thủy
Khoa học Đời sống online

Đọc thêm