Theo nhiều người dân, để không xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy, bớt khổ cho người dân thì nên đưa NBH về các xã, phường để đổi. Nhiều người từ trên Hòa Phú (huyện Hòa Vang cách trung tâm đếm 40-50km) xuống thành phố mà không đổi được nón thì không thể không ấm ức.
Theo thông báo của các cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng thông báo đến người dân, từ 7h30 ngày 10/4, tiến hành kiểm thử tại chỗ các loại nón bảo hiểm (NBH) không đúng, không đạt tiêu chuẩn theo quy định và tiến hành thay thế NBH đạt chất lượng, đúng quy cách cho người dân với giá ưu đãi là 50.000 đồng. Thế nhưng, đến cuối giờ chiều 9/4, lãnh đạo TP Đà Nẵng bất ngờ chỉ đạo các đơn vị chức năng tạm hoãn thực hiện việc này.
|
Khu vực đổi mũ bảo hiểm gây hỗn loạn ở Đà Nẵng. |
Do việc tạm hoãn đưa ra quá gấp, các đơn vị liên quan không thể thông báo kịp đến người dân nên từ sáng sớm 10/4, tại khu vực trước Trung tâm Hội chợ triễn làm Đà Nẵng rất đông người kéo đến, mang theo NBH để đổi nón mới.
Hỗn loạn quanh điểm đổi nón vài m2
Ngày 10/4, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, do đợi quá lâu dưới nắng nóng oi bức nên nhiều người đã bức xúc, la hét, gây náo loạn cả khu vực. Đến khoảng 9h cùng ngày, lúc này, một xe chở NBH của Sở GTVT được đưa đến, nhiều người bất chấp nguy hiểm, xô đẩy, chen lấn, thập chí xô xát, tranh giành để được đổi nón khiến tình hình càng hỗn loạn.
Anh Hồ Ban (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bức xúc: “Việc đổi NBH cũ, kém chất lượng cho người dân là việc làm đáng hoan nghênh. Người dân chúng tôi ai cũng mong tới ngày này để có cơ hội thay thế hết NBH dỏm. Thế nhưng, chúng tôi đợi 2-3 tiếng đồng hồ dưới nắng, mà đơn vị chức năng chỉ một ki-ốt nhỏ hẹp như thế này thì làm sao mà việc đổi nón thuận lợi cho được. Bản thân tôi là thanh niên khỏe mạnh mà chen không nổi thì nói gì đến mấy bà phụ nữ, người già…”.
Nhiều người dân ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) kéo xuống chờ đổi NBH, sau một hồi chen lấn không được, dạt ra phía ngoài cho biết: “Đã có người bị ngất xỉu, bị móc túi rồi. Chúng tôi chịu không nổi nên tìm cách ra ngoài. Hàng nghìn người ùa vô một khu vực có vài m2 thì sao không xảy ra chuyện đó được. Nón thì không đổi được mà còn mang họa vào thân… ”.
Bức xúc lên đỉnh điểm khi đến khoảng 10h thì việc đổi NBH bất ngờ bị dừng lại. Người dân có những cử chỉ quậy phá, chửi bới, thậm chí dùng chính NBH cũ mang theo ném vào ki-ốt (nơi diễn ra việc đổi NBH cho người dân – PV). Trong khi đó hàng trăm người khác vẫn tiếp tục kéo đến đây.
Chừng 10h10, Công an TP. Đà Nẵng phải điều lực lượng Cảnh sát trật tự đến giải tán đám đông. Nhiều người ra về trong ấm ức, nhiều người tiếp tục ngồi đợi vì nghĩ rằng đến chiều các ngành chức năng sẽ mang nón mới đến đổi.
Thiếu sự chuẩn bị?
Để xảy ra tình trạng đáng tiếc này, nhiều người dân đặt câu hỏi: Do việc triển khai kiểm tra, đổi NBH của tổ liên ngành, gồm: CSGT, Ban ATGT, Sở KH&CN, Sở Công thương… chưa xong hay thiếu sự chuẩn bị?.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh VP Ban ATGT TP Đà Nẵng, ngày 9/4, mọi công tác chuẩn bị đổi NBH cho dân đã hoàn tất. Cùng ngày, máy kiểm tra chất lượng NBH cũng đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu với kết quả đạt 100% theo tiêu chuẩn. Nguồn NBH mới để đổi cho người dân được Công ty Nhựa Chí Thành V.N cung cấp, với 5.000 NBH. Nón được dán logo của Đà Nẵng ngay phía trước, được bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm với mức 50 triệu đồng.
|
Cảnh tượng chờ chực của người dân đổi NBH tại diểm đổi NBH trước Trung tâm Hội chợ triển lãm. |
Ông Nguyễn Hữu Cường không hiểu vì sao lãnh đạo thành phố chỉ đạo tạm hoãn việc đổi NBH cho người dân. Đến cuối giờ chiều 9/4, đơn vị cũng đã xây dựng xong 1 ki-ốt, bố trí lực lượng, nước uống cho người dân. Đến sáng 10/4, khi người dân tập trung tại điểm đổi NBH quá đông và tỏ thái độ bức xúc nên lãnh đạo thành phố chỉ đạo mang 2.000 chiếc NBH mới đến đổi và đến 10h, số NBH trên hết thì tiếp tục chỉ đạo dừng, không đổi nữa.
Theo nhiều người dân, để không xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy, bớt khổ cho người dân thì nên đưa NBH về các xã, phường để đổi. Nhiều người từ trên Hòa Phú (huyện Hòa Vang cách trung tâm đếm 40-50km) xuống thành phố mà không đổi được nón thì không thể không ấm ức.
Trước ý kiến trên, ông Nguyễn Hữu Cường cho biết sẽ tiếp tục tham mưu với lãnh đạo thành phố đưa NBH về các xã, phường; cử các cán bộ chuyên môn ở các sở, ban ngành đứng ra kiểm tra sau đó đổi những NBH kém chất lượng, sai quy cách mà mắt thường có thể nhận biết được.
Việc làm này nhằm giải quyết áp lực cũng như tình trạng quá tải, đồng thời ngăn chặn tình trạng nhiều người ở các địa phương khác mang một lúc cả chục chiếc đến đổi. Còn điểm trước Trung tâm Hội chợ triển làm tiếp tục thực hiện theo kế hoạch là CSTG ra hiệu dừng xe, Sở KHCN, Sở Công thương kiểm tra chất lượng NBH và tiến hành bán cho người dân với giá 50.000 đồng, nếu nón cũ của họ không đảm bảo chất lượng, không đúng quy cách.
Đây là lần thứ 2 TP Đà Nẵng tạm hoãn đổi NBH cho người dân. Trước đó, việc tạm hoãn xảy ra vào ngày 1/4 mà nguyên nhân là do máy kiểm tra chất lượng NBH chưa đảm bảo.
Vũ Vân Anh