Hệ thống điện 'căng mình' mùa nắng nóng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới bắt đầu vào những ngày cao điểm nắng nóng nhưng phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia đã lập kỷ lục mới. Điều này gây lo ngại khi những ngày “lập đỉnh” của 2 năm gần đây rơi vào tháng 6 và tháng 7.
Phụ tải đỉnh vừa lập đồng nghĩa với lượng tiêu thụ điện tăng tương đương công suất đặt của 2 NMTĐ Lai Châu, Hòa Bình.
Phụ tải đỉnh vừa lập đồng nghĩa với lượng tiêu thụ điện tăng tương đương công suất đặt của 2 NMTĐ Lai Châu, Hòa Bình.

Phụ tải điện lập đỉnh ngay trong tháng 4

Công bố trên trang thông tin điện tử của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, ngày 26/4/2024, hệ thống điện quốc gia (HTĐQG) đã lập đỉnh mới khi phụ tải đỉnh cả nước vượt 48.600MW. Ngày 27/4, dù tiêu thụ điện có thấp hơn nhưng phụ tải đỉnh vẫn vượt 48.000MW. Trong khi đó, “đỉnh cao” này vào năm 2023 mới đạt 45.474MW vào tháng 7; năm 2022 đạt 45.528MW rơi vào tháng 6. So với đỉnh của năm 2023, phụ tải đỉnh của năm 2024 tăng tương đương công suất đặt của 2 nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình và Lai Châu.

Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL - Bộ Công Thương) khẳng định, tình hình nắng nóng tiếp tục diễn ra tại các miền trên cả nước, nhu cầu phụ tải tiếp tục duy trì ở mức cao, dự kiến tuần từ 22 - 28/4 sẽ tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện ở khu vực miền Bắc, đặc biệt các hồ có mực nước thấp. Đồng thời thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để huy động các NMTĐ phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, số liệu của A0 cho thấy, các ngày trong tuần vừa qua, sản lượng thủy điện đã huy động tăng lên hàng ngày và tăng mạnh so với tuần trước đó. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, lượng nước tích trong các hồ vẫn đang thấp hơn so với kế hoạch do sản lượng trung bình theo nước về (cả thủy điện nhỏ) thấp hơn so với dự kiến.

Dự báo nhu cầu sử dụng điện mùa nắng nóng năm nay tăng cao, Bộ Công Thương đã phải điều chỉnh kế hoạch cung ứng, vận hành hệ thống điện. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cho 4 tháng cao điểm nắng nóng nhất trong năm sẽ tăng 2 tỷ kWh so với kế hoạch đưa ra cuối 2023.

Bộ Công Thương cũng đã và đang chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho giai đoạn cao điểm mùa khô. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được yêu cầu công bố cập nhật Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.

Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm mùa khô, EVN phải thực hiện rà soát, cập nhật số liệu, thực hiện tính toán cập nhật Kế hoạch cung cấp điện và vận hành HTĐQG bảo đảm an toàn. Trong trường hợp có biến động lớn về phụ tải hay nguồn điện báo cáo Bộ Công Thương để có điều chỉnh phù hợp.

Tính đến kế hoạch giảm tải cho lưới điện quốc gia

Trước đó, tại các buổi tọa đàm về cung ứng điện trong cao điểm nắng nóng, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho rằng, trong bối cảnh tình hình thủy văn không thuận lợi, tình trạng nắng nóng dự báo kéo dài, việc vận hành hệ thống điện sẽ có nhiều khó khăn trong các tháng cao điểm nắng nóng (4, 5, 6, 7).

Một trong những giải pháp ngành Điện đưa ra để giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm (giúp giảm phụ tải đỉnh) trong những ngày nắng nóng cực đoan là điều chỉnh phụ tải điện. Việc điều chỉnh này sẽ khiến cho HTĐQG không quá căng thẳng vào một số giờ cao điểm trong ngày, qua đó bảo đảm an toàn cho hệ thống điện.

Đáng chú ý, trong cao điểm nắng nóng 2024, EVN đã có kế hoạch đặc biệt để bảo đảm HTĐQG không quá tải, đồng thời có thể giảm thiểu được việc cắt điện cục bộ. Theo đó, ngoài kế hoạch tăng tích nước tại các hồ thủy điện, đặc biệt ở miền Bắc, EVN đã tính tới phương án huy động các nguồn điện diesel mượn từ các khách hàng lớn để bổ sung trong tình huống khẩn cấp. Cập nhật từ EVN cho biết, hiện EVN đã làm việc với khách hàng, dự kiến có thể huy động hơn 2.700 máy phát điện diesel tại miền Bắc với tổng công suất hơn 3.000MVA.

Ngoài ra, EVN đàm phán để nhập khẩu 1,8 tỷ kWh từ Trung Quốc, tăng gần 700 triệu kWh so với kế hoạch. Việc tăng nhập điện từ Lào qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị cũng được EVN đàm phán với các đối tác.

Cùng với đó, Tổng Công ty Điện Hà Nội và miền Bắc đã tiến hành rà soát hàng nghìn trạm biến áp, thay thế các thiết bị có nguy cơ hỏng hóc, dùng các công nghệ tiên tiến để kiểm soát các hệ thống lưới điện để đánh giá khả năng vận hành trong các tình huống cực đoan xảy ra, bảo đảm an toàn cao nhất cho HTĐQG trong mùa nắng nóng này.

Đọc thêm