Lý do áp dụng giá '0 đồng' với điện mặt trời mái nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) mái nhà lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp có một quy định gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Đó là đề xuất mua ĐMT tự sản, tự tiêu với giá “0 đồng” nếu phát lên lưới điện quốc gia.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không được khuyến khích đấu nối vào lưới điện quốc gia. (Ảnh: EVN.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không được khuyến khích đấu nối vào lưới điện quốc gia. (Ảnh: EVN.

Bảo đảm cho hệ thống điện quốc gia

Theo Bộ Công Thương, nếu khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu và cho phép nối lưới không giới hạn công suất, thì công tác vận hành lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ mất an toàn hệ thống điện (HTĐ) quốc gia ở mức rất cao. Bởi thực tế việc điều hành nguồn ĐMT sao cho bảo đảm an toàn hệ thống là thách thức rất lớn, do tính không ổn định của dạng năng lượng này.

“ĐMT phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định. Khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Trong khi đó, tỷ trọng dự phòng nguồn điện hiện tại vẫn khá thấp và chưa có giải pháp về tích trữ điện đồng bộ ở quy mô quốc gia. Do đó, cần có các biện pháp giới hạn tỷ trọng ĐMT hòa lưới để bảo đảm vận hành ổn định của HTĐ” - đại diện Bộ Công Thương lý giải.

Do đó, trong điều kiện hiện tại của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, giải pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia là cần thiết và phù hợp, vừa khuyến khích loại hình ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu, vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.

Tại Hội nghị tham vấn kỹ thuật về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu (do Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua), PGS Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, đứng về mặt kỹ thuật, ông ủng hộ việc không thương mại trong phát triển ĐMT mái nhà.

“Nước Nhật mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) và đến nay, tổng công suất NLTT của Nhật trong lưới điện quốc gia mới chỉ chiếm khoảng 30 - 40%. Nhưng chỉ trong vòng 6 năm, tổng công suất các nguồn NLTT của Việt Nam đã đạt 28,5%. Một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và EVN không thể nào điều độ được…” - PGS Nguyễn Việt Dũng nói.

Dẫn số liệu Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ cung cấp, trong 7 tháng của năm 2022, số lần lên xuống đóng cắt máy của nhà máy này bằng tổng 20 năm trước đó cộng lại, PGS Nguyễn Việt Dũng khẳng định, toàn bộ hệ thống nhiệt điện hiện luôn luôn phải “chạy ép” để nhường lưới điện cho NLTT mà năng lượng mặt trời là năng lượng phi tuyến, chỉ cần một đám mây đi qua là lập tức phụ tải tụt xuống ngay. Do đó, không thể đấu nối ở các dự án ngoài quy hoạch, bởi sẽ làm cho hệ thống lưới điện không ổn và cực kỳ nguy hiểm cho an toàn lưới điện quốc gia.

Chưa kể, vì lượng điện không ổn định (chỉ có vào buổi trưa mà giờ cao điểm hiện nay lại không phải là thời điểm trưa), ĐMT mái nhà sẽ gây nhiễu cho phụ tải; gây mất cân bằng cung - cầu bởi vì ĐMT. Do vậy, muốn phát triển ĐMT thì phải phát triển nhiều nguồn điện khác cùng lúc.

Nên áp dụng giá “0 đồng” trong thời gian nhất định

TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cũng ủng hộ “ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng” khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích - chi phí và các hệ lụy của việc các hộ ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới. Đồng thời đề xuất, giá trị ghi nhận này, trước mắt, có thể được Chính phủ cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, “không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện. Do đó, cần có những giải thích rõ ràng để tránh suy diễn” - TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Anh Tuấn, “giá 0 đồng” mang tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng, vì vậy trong Nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này, ví dụ, sẽ được thực hiện trong giai đoạn 3 năm 2024 - 2027. Sau đó, Bộ Công Thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý.

Đáng chú ý, ông Tuấn kiến nghị, với các hộ ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu có bộ lưu trữ, cho phép bán vào HTĐ vào giờ cao điểm (4 - 7 giờ chiều) và có thể giá cao hơn giá mua để khuyến khích lắp lưu trữ và hỗ trợ hệ thống.

Đọc thêm