"Người dân đã quan tâm nhiều hơn đến BHYT…"

Ngày 1-7-2009, Luật Bảo hiểm Y tế chính thức có hiệu lực. Được xác định là đạo luật thể hiện rõ chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, vì vậy việc triển khai Luật BHYT được sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhân 1 năm triển khai Luật BHYT, Báo Nam Định đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Hương, Giám đốc BHXH tỉnh về một số vấn đề liên quan đến triển khai Luật BHYT tại tỉnh ta.

Khám, điều trị các bệnh về mắt cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Mắt tỉnh.  Ảnh: Xuân Thu

Khám, điều trị các bệnh về mắt cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

                                              Ảnh: Xuân Thu

Ngày 1-7-2009, Luật Bảo hiểm Y tế chính thức có hiệu lực. Được xác định là đạo luật thể hiện rõ chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, vì vậy việc triển khai Luật BHYT được sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhân 1 năm triển khai Luật BHYT, Báo Nam Định đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Hương, Giám đốc BHXH tỉnh về một số vấn đề liên quan đến triển khai Luật BHYT tại tỉnh ta.

PV: Xin đồng chí đánh giá những kết quả nổi bật nhất đã đạt được sau 1 năm triển khai thực hiện Luật BHYT?

Đồng chí Nguyễn Thị Hương: Ngay sau khi Luật BHYT ra đời, BHXH tỉnh đã tích cực tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông, biên soạn và in 250000 tờ tuyên truyền về Luật BHYT cấp cho nhân dân trên địa bàn tỉnh... Các hoạt động tuyên truyền đa dạng làm cho người dân hiểu rõ quyền lợi khi tham gia BHYT. Luật BHYT đã đi vào cuộc sống, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân trong tỉnh. Thể hiện cụ thể là số người tham gia BHYT tăng nhanh: Trước khi Luật BHYT có hiệu lực thi hành mới có gần 45 nghìn người tham gia BHYT, đến nay đã có gần 685 nghìn người tham gia BHYT. Điều đó chứng tỏ người dân quan tâm nhiều hơn đến BHYT. Về phía cơ quan BHXH tỉnh, ngay sau khi Luật BHYT có hiệu lực thi hành, BHXH tỉnh tập trung cải cách hành chính, giảm các thủ tục phiền hà trong quy trình KCB tại các cơ sở KCB. Các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đều bổ sung, chỉnh sửa phần mềm công tác quản lý KCB theo mẫu thẻ BHYT, nên việc giải quyết cùng chi trả cũng nhanh chóng, hạn chế ùn tắc tại nơi tiếp đón… Không chỉ tạo thuận lợi cho người bệnh trong quy trình KCB, công tác cấp đổi mã quyền lợi, chuyển đổi đối tượng về tuyến y tế cơ sở nhằm giảm ùn tắc cho các bệnh viện tuyến trên được BHXH tỉnh quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện đổi gần 685 nghìn thẻ BHYT theo mã quyền lợi mới, trong đó có hơn 160000 thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi nên đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thống kê chi phí KCB.

PV: Xin đồng chí cho biết những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện Luật BHYT?

Đồng chí Nguyễn Thị Hương: Đúng là do mới đi vào thực tiễn, Luật BHYT còn xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện luật. Công tác lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi chưa đầy đủ nên còn nhiều cháu chưa có thẻ BHYT khi đi KCB gây khó khăn trong việc phân bổ quỹ KCB và thống kê chi phí KCB. Trong việc thực hiện KCB trái tuyến rất khó kiểm soát trường hợp đối tượng đã được hưởng các dịch vụ kỹ thuật, thuốc theo chế độ KCB đúng tuyến nhưng ngay sau đó KCB tại cơ sở y tế khác và tiếp tục theo chế độ KCB trái tuyến, gây nên cùng thời gian có chi phí KCB trùng nhau. Về công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT: Mặc dù được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% đối với hộ cận nghèo nhưng do phải bỏ ra số tiền còn lại nên nhiều người cũng không có tiền đóng và đối tượng học sinh sinh viên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng nhưng mức đóng còn lại hiện nay cao hơn trước nên gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc mở rộng đối tượng. Việc thực hiện cùng chi trả trong KCB BHYT cũng gây khó khăn cho một số nhóm đối tượng như: người nghèo, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội… mà bị mắc những bệnh hiểm nghèo chi phí lớn như: ung thư, chạy thận, mổ tim, tiểu đường…

PV: Để Luật BHYT phát huy được hiệu quả cao nhất, đem lại lợi ích tốt nhất cho người tham gia BHYT, xin đồng chí cho biết trong thời gian tới cần triển khai thực hiện những vấn đề công tác gì?

Đồng chí Nguyễn Thị Hương: Đầu tiên là phải tháo gỡ ngay những điểm vướng mắc về thực hiện Luật BHYT như đã nêu trên để bảo đảm luật thông suốt và thực hiện được việc chăm lo tốt nhất cho quyền lợi của người có thẻ BHYT. Việc này cần các ngành có liên quan tiếp tục phối hợp để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện Luật BHYT. Về vấn đề tiếp tục phát huy hiệu lực luật, đưa Luật BHYT áp dụng hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống thì cần có một số công tác trọng tâm như: Công tác tuyên truyền phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong việc đẩy mạnh mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật BHYT đến với người dân. Đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHYT… tập trung thực hiện quy chế chuyên môn, chống lạm dụng quỹ KCB. Thực hiện cải cách hành chính, đảm bảo thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho người tham gia BHYT. Đảm bảo cho mọi đối tượng tham gia đều có thẻ BHYT và đảm bảo mọi quyền lợi khi đi KCB.

Một công tác trọng tâm khác liên quan đến thực hiện hiệu quả Luật BHYT trong thời gian tới tại tỉnh ta là UBND tỉnh cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sỹ đối với hệ thống các cơ sở y tế của tỉnh, đặc biệt là y tế tuyến đầu (tuyến xã) hiện nay đang rất yếu.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Hoàng Long (thực hiện)

Đọc thêm