Theo tìm hiểu của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, từ đầu vụ đến nay, giá bí xanh trên thị trường xuống thấp. Nhiều tỉnh thành trên cả nước, người nông dân lao đao vì không tìm được đầu ra cho mặt hàng nông sản vốn được coi là dễ tiêu thụ này. Tại xã vùng cao Độc Lập (TP Hòa Bình), những ngày này dọc các tuyến đường vào xã, bí xanh chất thành từng đống, người dân hy vọng tư thương đến thu mua, nhưng chỉ có vài tiểu thương nhỏ đến mua với số lượng ít. Nhiều người dân cho biết, chưa năm nào bí xanh bị rớt giá thê thảm như hiện nay.
Những năm gần đây, người dân xã Độc Lập tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí xanh, mướp đắng, lặc lày cho hiệu quả kinh tế cao. Những cây trồng này đã giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Theo thống kê, vụ bí xanh năm 2020, toàn xã trồng hơn 30 ha. Cả 6/6 xóm đều trồng bí xanh. Theo Chủ tịch UBND xã Độc Lập, ông Nguyễn Ngọc Quế, mọi năm, bí xanh đầu vụ có giá khoảng 12.000 đồng/kg, sau đó giảm dần xuống 8.000 đồng, 6.000 đồng, cuối vụ, bí xấu thấp nhất cũng bán được khoảng 4.000 đồng/kg. Nhưng năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tư thương không đến thu mua được, dẫn đến bí xanh tồn đọng.
Giá bí xanh xuống thấp chưa đến 5.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ bán được giá 1.000-2.000 đồng/kg. Không những thế, lượng bí xanh cung cấp cho các bếp ăn của công ty, nhà máy, trường học cũng bị tạm dừng do đợt giãn cách xã hội vừa qua. Hiện tổng sản lượng toàn xã khoảng 900 tấn bí xanh, nhưng mới bán được khoảng 50%, còn tồn gần 500 tấn.
Không chỉ tại tỉnh Hòa Bình, nhiều các tỉnh thành khác như Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa… người dân trồng bí xanh cũng chịu cảnh được mùa mất giá. Theo tính toán, để trồng 1 ha bí xanh chi phí hết khoảng 60 triệu đồng, với giá bí xanh thấp như hiện nay thì người dân chắc chắn lỗ nặng. Việc bí xanh mất giá như hiện nay, người dân rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành, cùng các doanh nghiệp tìm đầu ra để tiêu thụ được lượng bí xanh đang tồn đọng quá lớn.