Tại Quyết định 1207 ngày 29/5/2012 của Bộ GTVT về việc sử dụng giấy phép lái xe bằng vật liệu PET có quy định: “Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET được đưa vào sử dụng kể từ ngày 1/7/2012 và áp dụng cho các trường hợp cấp mới, cấp đổi cho người có GPLX hết thời hạn sử dụng; cấp lại cho người có GPLX bị mất, hỏng”.
Cũng tại văn bản này đã quyết định “số phận” GPLX theo mẫu cũ rất hợp lý: “GPLX đã cấp được tiếp tục sử dụng theo quy định”.
Như vậy, cả mẫu cũ và mới được đồng thời sử dụng, có giá trị như nhau. Điều này không gây xáo trộn, lãng phí, phù hợp với nguyện vọng của người dân và cũng đúng theo thông lệ chung của rất nhiều mẫu giấy tờ, chứng thư pháp lý khác khi thay đổi đều thừa nhận và cho tồn tại mẫu cũ.
Thế nhưng thật lạ, sau đó không lâu, ngày 24/10/2013 Bộ này lại ban hành Thông tư 38/2013/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012 về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, trong đó đưa ra một quy định ngược với quy định trước đó: “GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình sau….”.
Việc dùng cụm từ “phải được chuyển đổi” có nghĩa là tất cả GPLX mẫu cũ không được thừa nhận. Điều đáng nói là cả hai văn bản nêu trên đến nay hiện vẫn còn hiệu lực!
Đem sự trái ngược này trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông thừa nhận “có sự lệch nhau giữa nội dung hai văn bản” như PLVN đã phát hiện và đề cập ở trên.
Tuy nhiên, ông Quyền giải thích: “Văn bản hướng dẫn về lộ trình đổi GPLX hơi bó hẹp so với văn bản trước đó. Nhưng quan điểm của chúng tôi là GPLX cũ vẫn tiếp tục sử dụng vì không có chủ trương nào, quy định nào xử phạt người chưa đổi GPLX.
Còn việc đưa ra lộ trình đổi là mang tính khuyến khích người dân và để cơ quan Nhà nước chuẩn bị mọi điều kiện đáp ứng nhu cầu đổi của người dân. Ai đó thấy khó khăn, chưa thể đổi thì chưa bắt buộc người đó phải theo lộ trình này”.
Giải thích trên là hợp lý nhưng dù sao đó cũng chỉ là cách hiểu của cá nhân ông Quyền, chứ việc này chưa hề có một văn bản nào của Bộ GTVT thể hiện chủ trương “khuyến khích đổi, không bắt buộc” để công khai cho người dân biết.
Trước ý kiến phản ứng của người dân về việc đổi GPLX mất tiền, gây lãng phí, ông Quyền nói: “Cơ quan Nhà nước đang đứng trước sự lựa chọn không hề dễ dàng giữa một bên là yêu cầu quản lý và một bên là chi phí hợp lý của người dân. Cần thiết phải xử lý có lý, có tình để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý cần thiết và vừa không để chi phí của dân quá cao.
Có lẽ chúng tôi cần phải nghiên cứu để có hướng dẫn thêm, hoặc sửa đổi câu chữ trong văn bản để cho rõ việc này. Nếu người dân không đồng thuận thì phải sửa để phù hợp hơn”.