Theo đồ án Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ Hà Nội đến năm 2030 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, thành phố sẽ chặt hạ, thay thế 6.700 cây với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ ngân sách thành phố và xã hội hóa. Việc thay thế cây trên 190 tuyến phố được Sở Xây dựng lý giải là do cây không đúng chủng loại và mất an toàn, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Những cây thay thế, khi phát triển sẽ cao 6 - 8 mét, đường kính thân tối thiểu 10 cm. Chi phí cho mỗi cây này khoảng 10 triệu đồng. Sở Xây dựng Hà Nội cũng xác nhận, tỷ lệ cây xanh đô thị ở thủ đô còn thấp, có chỗ không có hoặc dưới 50 cây mỗi km2.
Qua khảo sát cây xanh ở 10 quận nội thành Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất thay mới bằng 6.700 cây vàng tâm, đồng nghĩa với việc có khoảng 6.700 cây xanh bị chặt hạ, trong đó có những cây hàng chục năm tuổi.
Theo lí giải của Sở, việc chặt hạ cây xanh này để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và phục vụ xây dựng tuyến đường sắt trên cao. Số cây bị chặt hạ nằm dọc theo tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, ven hồ Thủ Lệ, đường Láng, Lê Duẩn...
Thế nhưng khi triển khai thực hiện đồ án này, nhiều người dân Thủ Đô cảm thấy tiếc nuối. Dẫu biết việc loại bỏ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố là kế hoạch của thành phố nhưng nhiều người vẫn cảm thấy xót ruột, tiếc nuối và lo lắng cho không gian xanh đô thị có thể bị phá vỡ. Nhất là Hà Nội đang chuẩn bị vào hè, với cái nắng gay gắt có những ngày lên tới 40 độ C và hiệu ứng bê tông hóa, người dân sẽ cảm thấy thế nào nếu đi dưới những con đường không hề có bóng cây xanh.
Anh Trịnh Trung Kiên chia sẻ: “Mình cảm thấy xót xa và hụt hẫng vì hàng cây xanh dọc đường Nguyễn Chí Thanh này đã gắn bó với mình từ khi còn bé”
Hay như bạn Nguyễn Hà My cho rằng: “Việc chặt hạ cây xanh với lí do đảm bảo an toàn cho người dân là đúng. Nhưng chặt như thế nào? Thay cây gì? Thì cần có lộ trình và lấy ý kiến nhân dân trước khi thực hiện”.
Tuy nhiên, trái ngược với các ý kiến trên, một số quan điểm lại cho rằng, quyết định trên là việc nên làm từ lâu, bởi tình trạng các cây cổ thụ ở các đường phố Hà Nội bị mục ruỗng, đổ gãy vào các mùa mưa bão, gây thiệt hại về người và của lâu nay cũng là một thực trạng khiến xã hội lo lắng.
Cây cũ được đốn ngã. |
Nhiều người hợp sức mới có thể đốn ngã cây. |
Hàng cây mới mọc lên. |
Hà Nội trở nên trống vắng với hàng cây mới. |