Hơn 2 năm trước, mùa mưa bão năm 2012, một lái xi của Cty Mai Linh cũng thiệt mạng do một cây cổ thụ đổ trên phố Lò Đúc. Thời điểm đó đã dấy lên một loạt ý kiến về trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, cuối cùng thì gia đình chỉ nhận được sự hỗ trợ của Cty TNHH MTV Công viên Cây xanh dưới dạng quyên góp của cán bộ công nhân viên của công ty. Sau đó, lãnh đạo công ty cũng chia sẻ khó khăn với gia đình nạn nhân bằng cách nhận vợ của người lái xe xấu số này vào làm việc tại Cty.
Không có cơ chế dự phòng đền bù nạn nhân từ… tiền quyên góp
Trong khi hiện tượng cây gẫy, đổ gây tai nạn bất ngờ trên các đường phố của Hà Nội có thể xảy ra bất cứ lúc nào thì việc giải quyết hậu quả, hỗ trợ, bồi thường cho nạn nhân lại chưa có cơ chế cụ thể.
Theo Phó TGĐ Cty Công viên Cây xanh Nguyễn Xuân Hưng, khoảng 5 năm nay, Công ty đã đề xuất lên Thành phố về việc cho phép Cty mua bảo hiểm hoặc được tính quỹ dự phòng 2% trên tổng kinh phí cắt sửa, chặt hạ cây để giải quyết đền bù những trường hợp mà nguyên nhân do khách quan, bất khả kháng làm cây đổ, cành gẫy gây thiệt hại cho người và tài sản. Tuy nhiên cho đến nay, sau nhiều vụ cây đổ gây chết người trong những mùa mưa bão, đề xuất này của Công ty vẫn chưa được giải quyết.
Ông Hưng cho biết, với trường hợp người lái xe taxi thiệt mạng do cây đổ hôm 4/6, phương án cũ được lặp lại khi cán bộ công nhân viên của Cty Công viên Cây xanh lại tiếp tục quyên góp để hỗ trợ gia đình nạn nhân.
Khoan phát hiện cây bị sâu đục: khó khả thi
Trong vụ tai nạn tối 4/6, khi xem xét hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện đoạn sát gốc cây bị sâu ăn ruỗng bên trong. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là bên ngoài cây nhìn hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu gì cho thấy cây đã bị sâu đục ruỗng.
“Việc thăm dò để phát hiện cây bị sâu trong những trường hợp này là cực kỳ khó khăn nếu không nói là không thể làm được” - ông Hưng khẳng định. Ông cho hay, tại TP.HCM, Cty Công viên Cây xanh đã đầu tư mua một máy khoan thăm dò cây với giá cả tỷ đồng, tuy nhiên, vẫn không có tác dụng gì vì không thể khoan mọi vị trí của cây, bởi có thể khi khoan không phát hiện có sâu ở đoạn này, nhưng cách vị trí đó khoảng vài chục centimét lại bị sâu ăn ruỗng. Do vậy, muốn kiểm tra kỹ thì phải khoan rất nhiều và điều này là không khả thi với cả ngàn cây trong thành phố.
Vì thế, đến nay việc kiểm tra, phát hiện các mối nguy hiểm thường chỉ được thực hiện chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm, nếu thấy có nghi ngờ thì sẽ tiến hành kiểm tra sâu. Song điều đó cũng có nghĩa là xác xuất còn những cây bị sâu bệnh có thể đổ gẫy trong mưa bão là hoàn toàn có thể xảy ra.
Cũng theo ông Hưng, ở một số nước như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan…, các loại cây thân gỗ to không được trồng hai bên đường phố mà trồng tập trung ở khu vực công viên. Trong thành phố, họ trồng các loại cây bóng mát không quá lớn để đảm bảo an toàn. Còn với Hà Nội, hiện nay chỉ có những cây cổ thụ gẫy, đổ mới được thay thế bằng các loại cây có tính chất an toàn, phù hợp với đô thị hơn. Vì thế, trong nhiều năm nữa vẫn tồn tại những cây cổ thụ với mối nguy hiểm luôn rình rập người dân.
“Đặc biệt, chúng tôi đề nghị các đơn vị thi công hạ cáp ngầm, cải tạo hè trên các tuyến phố không chặt rễ cây, phải có phương án bảo vệ, gìn giữ cây xanh” - ông Hưng nêu ý kiến.