Người dân lơ là, thiếu thông tin về dịch bệnh tai xanh ở lợn

Hiện nay, dịch bệnh tai xanh ở lợn đang diễn biến phức tạp nhưng thực tế không ít người dân còn thờ ơ trong công tác phòng, chống dịch. Chính việc thiếu ý thức của người dân đang khiến dịch bệnh bùng phát nhanh, khó kiểm soát.

Hiện nay, dịch bệnh tai xanh ở lợn đang diễn biến phức tạp nhưng thực tế không ít người dân còn thờ ơ trong công tác phòng, chống dịch. Chính việc thiếu ý thức của người dân đang khiến dịch bệnh bùng phát nhanh, khó kiểm soát.

Bán lợn ốm trong vùng dịch
Hai ngày sau khi thành phố công bố dịch bệnh tai xanh ở lợn tại 2 phường Minh Đức, Hợp Đức (Đồ Sơn), không ít người dân thờ ơ và thiếu thông tin về dịch bệnh. Thời điểm đó tại nhà ông Nguyễn Quang Độ, khu dân cư Trung Nghĩa 2, phường Hợp Đức, đang có 1 con lợn nái và 10 con lợn con bỏ ăn, sốt cao, có triệu chứng của bệnh tai xanh. Tuy nhiên, khi cán bộ thú y hỏi, ông Độ cho biết: Cách đây nửa tháng, 3 con lợn nái và 10 con lợn thịt của gia đình ông có biểu hiện chán ăn, sốt cao. Điều trị thuốc kháng sinh không khỏi, ông đã bán lợn cho một người ở xã Tân Phong (Kiến Thụy) với giá 200 nghìn đồng/ con. Con lợn nái và 10 con lợn con còn lại cũng đã nhờ ông Uý cán bộ thú y điều trị kháng sinh 10 ngày, ban đầu có đỡ nhưng sau lại bị ốm nặng hơn. Nghĩ lợn bị bệnh thông thường nên ông cũng bán cho người mua buôn”. Gia đình ông Nguyễn Quang Đạt, em ông Độ, nhà ngay sát bên cạnh, nuôi 10 con lợn thịt nặng trung bình 40 kg/ con, 14 con lợn con và 3 con lợn nái. Đàn lợn có biểu hiện ốm, sốt cao, bỏ ăn, con nái đẻ con ra thì bị chết. Điều trị 10 ngày kháng sinh không khỏi, gia đình ông đã bán lợn cho một tư thương ở xã Minh Tân (Kiến Thụy) với giá 50 nghìn đồng/ con. “Họ nói mua lợn bệnh cho cá sấu ăn nên chúng tôi bán”- ông Đạt cho biết. Theo ông Đạt và ông Độ, từ đầu tháng 4 đến nay, tại thôn có khá nhiều lợn bị bệnh được người dân bán với giá rẻ.

Người dân lơ là, thiếu thông tin về dịch bệnh tai xanh ở lợn ảnh 1

Cán bộ Chi cục Thú y phun thuốc khử trùng chuồng trại tại vùng có dịch bệnh.                                                                                                Ảnh: Tuyết Nga

Tại hộ anh Nguyễn Văn Quyền, ở khu Đề Thám, phường Minh Đức (quận Đồ Sơn) thời điểm sau khi thành phố công bố dịch bệnh tai xanh ở lợn 2 ngày cũng có 2 con lợn chết nhưng gia đình vẫn không biết là lợn chết vì bệnh gì? Trong chuồng vẫn còn một con lợn nái đã chết rắc vôi bột chưa tiêu huỷ. Ngay sát cạnh đó là đàn lợn đang có biểu hiện ốm nuôi chung với lợn khoẻ. Vợ anh Quyền tất tả đi mua thuốc về tự điều trị cho lợn. Anh Quyền cho biết: “Tại khu Đề Thám có tới hơn 80% số hộ chăn nuôi lợn xuất hiện lợn ốm, sốt, bỏ ăn  khoảng gần 1 tháng nay. Do không biết là có dịch nên phần lớn đã bán lợn với giá rẻ. Thậm chí có nhiều hộ, không đem lợn chết đi chôn huỷ mà cho vào bao thả xuống mương”. Trưa 22-4, phát hiện tại khu vực mương chung của phường Minh Đức, có một số bao tải chứa lợn con. Theo nhiều người dân ở đây, hằng ngày có khá nhiều hộ chăn nuôi vất bao tải đựng xác lợn chết ra mương.

Chủ tịch UBND phường Hợp Đức Nguyễn Thanh Ngọc cho biết: “Trước khi có quyết định công bố dịch bệnh tai xanh ở lợn tại phường Hợp Đức, nhiều hộ dân ở đây thiếu ý thức, thả lợn ra ngoài đồng không nuôi. Thậm chí có hộ dân vất cả xác lợn chết ngay cửa trụ sở UBND phường. Hiện nay, nhờ chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt ngăn chặn, xử lý dịch nên không còn tình trạng này. Nhưng cũng vì trước đó, các hộ chăn nuôi không chú ý bảo đảm vệ sinh thú y, khi có hiện tượng lợn ốm, chết không xử lý theo đúng quy định dẫn đến tình trạng mầm bệnh lây lan nhanh”.


Mua con giống trôi nổi
Tại các ổ dịch tai xanh ở lợn đã phát hiện trên địa bàn thành phố đều có tình trạng mua lợn giống không rõ nguồn gốc về nuôi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Theo Chủ tịch UBND phường Hợp Đức, qua điều tra ban đầu, hộ ông Bùi Đức Màu là hộ đầu tiên phát dịch tại khu dân cư Quý Kim hay hộ ông Hoàng Đình Sáu là hộ đầu tiên có dịch tại khu dân cư Đức Hậu và các hộ này đều mua con giống không rõ nguồn gốc về chăn nuôi”.

Một số hộ dân ở phường Minh Đức (Đồ Sơn), Tân Thành (Dương Kinh) cho biết, tại địa phương, có một số người sang Thái Bình thu mua lợn con với giá rẻ về bán cho các hộ nuôi. Trong đó, phần lớn là lấy lợn giống giá rẻ từ vùng dịch Thái Bình sang. Tại ổ dịch xã Giang Biên (Vĩnh Bảo), hộ ông PhạmVăn Nguyên cũng mua 44 con lợn giống không rõ nguồn gốc của người bán rong về nuôi. Chính vì thế, mầm bệnh từ vùng dịch về địa phương. Tại nhiều địa phương khác, ngoài ổ dịch, tình trạng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua lợn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc về nuôi khá phổ biến. Đây sẽ là nguyên nhân khiến dịch tai xanh ở lợn bùng phát nhanh trên địa bàn.

Điều đáng lo ngại hiện nay là do thiếu thông tin, chưa nắm rõ cách nhận biết bệnh tai xanh ở lợn, nhiều nông dân ở Kiến Thụy, An Dương, Thuỷ Nguyên, Tiên Lãng lúng túng trong ứng phó khi xuất hiện lợn ốm. Chẳng hạn như ở Thụy Hương (Kiến Thụy) dù xuất hiện tình trạng lợn ốm chết do các bệnh thông thường như tụ huyết trùng, phó thương hàn, nhưng người dân vẫn cho rằng lợn mắc bệnh tai xanh, không tiếp tục nuôi mà thả rông lợn kiếm ăn tự do. Ở một số vùng khác trên địa bàn huyện có tình trạng thả xác lợn ra khu vực công cộng, mương nước, ra sông mà không chôn huỷ theo quy định.
Theo Chi cục thú y Hải Phòng, dịch bệnh tai xanh ở lợn sẽ còn diễn biến phức tạp với mức độ lây lan nhanh, ngày càng nghiêm trọng và kéo dài. Trong khi đó, ý thức phòng, chống dịch của người dân chưa cao, lơ là, chủ quan. Điều này rất đáng lo ngại!

                                                                                                                                                  Hoàng Yên

Đọc thêm