Người đàn ông lụy tình và cái kết đau thương sau cuộc hôn nhân tủi nhục

(PLO) - Phiên tòa chỏng trơ chỉ có 1 bị cáo, còn đại diện người bị hại là con riêng của vợ bị cáo. Một vụ án thực sự đau lòng vì người vợ bị người chồng sát hại ngay trước giờ nhận quyết định thuận tình ly hôn chỉ vài tiếng đồng hồ...
Bị cáo Cương trong phiên xét xử

Bị vợ giới thiệu là “lái xe”...

Chị Dương Mai Thu, con gái người bị hại không mang ảnh thờ mẹ đến tòa án như mọi phiên tòa xét xử kẻ giết người khác. Chị bảo, chị muốn mẹ được yên nghỉ, không bị xới tung lên sau khi sự việc đau lòng xảy ra cách đây đã gần 1 năm. Gia đình chị cũng không đòi hỏi bất cứ một sự bồi thường dân sự nào, dù bà ngoại chị tuổi đã cao.

Điều này khiến toàn bộ HĐXX bất ngờ. Chính vị chủ tọa phiên tòa phải thốt lên: “Đây là một thiện chí rất hiếm gặp trong tất cả những vụ án mà tòa án Hà Nội đã xét xử”. Chị Thu cho biết, sau khi vụ án xảy ra “chú ấy” cũng đã tỏ ra rất ân hận, đã gửi thư xin lỗi cả gia đình. Do đó, cả nhà chị quyết định không đòi bồi thường một khoản nào, bởi họ không muốn bị cáo đã ở tù, con cái của bị cáo có thể sẽ phải lo gánh nặng này cho bố.

Có thể động thái này cũng bắt nguồn từ việc Đoàn Thạch Cương (SN 1966, bị cáo trong vụ án) đã thực sự coi cuộc hôn nhân thứ hai với Phạm Thu Hương (SN 1969) là bến đỗ của cuộc đời mình, đã gộp tất cả tài sản mình có được để đưa người vợ hai kinh doanh sau khi chính thức đăng ký kết hôn (năm 2010).

Thời gian đầu sinh sống, hai người rất hạnh phúc. Chỉ có điều lạ là mỗi lần đưa tiền cho Cương thì chị Hương đều ghi sổ rất rõ ràng.

Trước tòa, bị cáo khai rành rọt: "Sau khi kết hôn, bị cáo bán căn nhà ở phố Nguyễn An Ninh rồi đưa cả 1 tỷ đồng cho vợ để làm công việc cho vay lãi ở khu vực Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Mọi công việc giao dịch, nhận tiền lãi đều do vợ bị cáo trực tiếp làm, tiền lãi cũng đều do cô ấy cất giữ, chỉ cho bị cáo tiền tiêu hàng ngày. Nhận tiền tiêu của vợ được khoảng 4 năm thì bị cáo được vợ báo tin “số tiền 1 tỷ đã tiêu hết”. Kể từ đấy, mối quan hệ vợ chồng cũng trục trặc theo".

Bị cáo cảm nhận sau khi được báo “hết tiền” thì bản thân mình cũng chẳng còn là gì với vợ. Bởi vài lần đích thân lái xe đưa vợ đi giao dịch, gặp khách hàng thì Hương giới thiệu Cương là... lái xe. “Bị cáo nhục nhã lắm chứ, nhưng vì cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào cô ấy nên phải cắn răng chịu đựng, vẫn vui vẻ đưa vợ đi làm. Chỉ sau này, khi thấy cô ấy có những biểu hiện khả nghi, có mối quan hệ ngoài luồng, bị cáo mới thấy tức giận, ấm ức”, bị cáo khai.

Quỳ gối níu tình bất thành

Bị HĐXX lục vấn “căn cứ vào đâu bị cáo nghĩ vợ mình có bồ”, bị cáo bình tĩnh trả lời: "Rất nhiều chuyện đã xảy ra khiến bị cáo nghi ngờ như vậy. Có lần cô ấy đưa bị cáo đi công tác cùng, thuê nhà nghỉ cho bị cáo ở nhưng cô ấy lại đi đâu đó cả đêm. Rồi có những lần có bạn khác giới đến giao dịch, cô ấy thường đuổi khéo bị cáo xuống bếp cơm nước.

Cứ như vậy, bị cáo thấy uất hận, thấy mình như con trâu, cô ấy thích xỏ mũi dắt mình đi đâu thì dắt. Rồi có cả lần bị cáo nhìn thấy hóa đơn trả tiền khách sạn ở Quảng Ninh mang tên người bạn cùng công ty, đúng vào thời gian cô ấy đi công tác ở đó. Càng nghĩ bị cáo càng giận mình, hận cô ấy nhưng bị cáo không định giết cô ấy...”.

Bằng chứng để bị cáo đưa ra không có ý định giết vợ chính là việc đã thuận tình ly hôn. Hương đã hứa sẽ đưa bị cáo 200 triệu đồng sau khi ly hôn và sẽ đưa trước 50 triệu đồng trước khi có quyết định thuận tình ly hôn.

Kể lại buổi sáng định mệnh ấy, bị cáo co rúm lại, dường như những ký ức ấy mới xảy ra ngày hôm qua: "Sáng hôm ấy vợ bị cáo đặt chuông dậy sớm để chuẩn bị đến tòa án nhận quyết định. Bị cáo có hỏi cô ấy về số tiền 50 triệu đồng mà cô ấy đã hứa đưa nhưng cô ấy bảo “không có” một cách gọn lỏn".

Vì lo lắng mình sẽ trắng tay, không có nơi để nương thân nếu không có tiền nên bị cáo đã quỳ xuống van xin vợ đừng ly hôn nhưng đáp lại là một câu trả lời dứt khoát: “Ông không đồng ý thì tôi ly hôn đơn phương. Đồ đạc trong nhà đã mua sắm hết 100 triệu, tôi gọi người bán 20 triệu được ngay. Ngay chiều nay tôi sẽ trả nhà...”.

Cuộc hôn nhân lúc này chính thức không thể cứu vãn được nữa, nghe những lời tuyệt tình của vợ, Cương như nổi điên, cầm ngay 2 bức tượng bằng sứ để trên bàn thẳng tay đập vào đầu vợ. Thấy Hương la hét, sợ hàng xóm biết chuyện, Cương kéo vợ ra khuất sau chiếc tủ trong phòng và tìm con dao nhọn để đâm liên tiếp. Khi thấy vợ đã tắt thở, bị cáo mở tủ ra, uống liền vốc thuốc ngủ và dắt xe ra khỏi nhà rồi đi một cách vô định như kẻ mất hồn, đến khi ngấm thuốc, bị cáo ngã xuống mương nước ở bên Đông Anh. Đến 15h cùng ngày, cuối cùng Cương đã ra đầu thú tại Công an quận Long Biên.

Số phận được báo trước?

Ở bên ngoài trụ sở TAND Hà Nội, một người đàn ông tóc bạc, gương mặt nhăn nheo dúm dó nhòm vào, trông ngóng từng dáng tù nhân được đưa ra. Ông tên Kiên, anh trai của bị cáo Đoàn Thạch Cương. Ông đi khắp hàng rào quanh tòa án để tìm xem chỗ nào thuận tiện nhất có thể nhìn thấy đứa em út tội nghiệp của mình khi được dẫn giải ra xe.

Ông bảo, nhà ông nghèo túng, lại không có giấy triệu tập của tòa án nên không thể vào gặp và động viên em được. Nhà ông vốn là một gia đình có truyền thống cách mạng, không thể ngờ có ngày có người thân rơi vào vòng lao lý. Ông bảo, bình thường Cương sống rất tình cảm.

Mỗi khi có chuyện buồn phiền Cương vẫn thường tâm sự với anh trai và về bên mộ bố mẹ ở huyện Thường Tín (Hà Nội) để trấn tĩnh và lấy lại tinh thần. “Đã lâu không thấy Cương về mộ bố mẹ, tôi tưởng nó đã yên ổn, nào ngờ... Nếu nó chịu khó nghe lời tôi khuyên nhủ, mọi chuyện đã không xảy ra”, người đàn ông đưa ánh mắt ra xa, lộ rõ sự bất lực, đau đớn.

Như nhớ ra chuyện gì, ông hẫng lại giây lát rồi bảo: “Đúng là không thể tránh được số phận cô ạ. Tôi còn nhớ, ngày mấy anh em còn trẻ, nó có kể cho tôi nghe về một câu chuyện kỳ lạ. Khi ấy chúng tôi mới ở độ tuổi 15-18, thằng Cương chơi thân với 2 thằng bạn cũng là con út như nó. Một hôm, bọn chúng nó gặp ông thợ mộc, ông này chỉ thẳng vào 2 thằng bạn thân của Cương, phán rằng, 2 thằng này trước sau rồi cũng khuynh gia bại sản, phải ngửa tay đi ăn xin. Còn Cương, ông thợ mộc cau mày bảo:

"Số thằng này "vợ nọ con kia", cái tuổi Bính Ngọ vất vả lắm đấy. Người ta nói "Bính biến vi vương", nhưng mày thì "Bính biến vô tù" cơ". Nó về kể với tôi nhưng vì là chuyện bói toán, mê tín nên tôi không để ý, cũng mặc kệ nó, không nhắc nhở gì về những lời ông thợ mộc đã nói. Không ngờ bây giờ mọi sự lại thành thật...".

Đang chuyện trò, chợt thấy dáng em trai đi ra, ông Kiên lật đật chạy lại cổng tòa án, chờ xe tù dẫn giải đi ra thì đến đập vào thùng xe dặn dò em vài lời. Giọng ông như lạc đi bên cạnh chiếc ôtô vẫn đang nổ máy từ từ rời khỏi cổng tòa...

Nhìn dáng ông lẫm lũi, cúi đầu xa dần chiếc xe tù mà chúng tôi thấy nặng lòng. Tự nhiên chúng tôi thấy thương người đàn ông đến tuổi “già cậy con” lại phải lo lắng cho đứa em trai vướng vào lao lý... Giá mà bị cáo có được người để tâm sự những lúc cảm xúc bị dồn nén, giá mà khi thấy ấm ức vì bị vợ giới thiệu là lái xe, bị cáo sớm giải tỏa được tâm lý thì mọi sự sẽ không bị đẩy đến bước đường cùng như thế này, để rồi chính bản thân mình phải mang bản án chung thân...

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Đọc thêm