Người dân thay hủ tục đốt vàng mã bằng nhiều hành động ý nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa Vu lan năm nay, có thể thấy rõ sự ế ẩm của thị trường vàng mã cùng với sự sụt giảm hẳn của thói quen đốt vàng mã trong đời sống người dân thành phố. Thay vào đó, nhiều người dân có những hành động thiết thực, ý nghĩa hơn để gửi lòng biết ơn đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Nhiều người dân, hộ kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như trao quà cho người nghèo vào tháng Vu lan. (Ảnh: L.C.A)
Nhiều người dân, hộ kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như trao quà cho người nghèo vào tháng Vu lan. (Ảnh: L.C.A)

Vàng mã ế ẩm, người dân thay đổi hành vi

Những ngày này, tại chợ Thiếc (quận 11), ngôi chợ nổi tiếng vì tập trung nhiều sạp bán vàng mã ở TP Hồ Chí Minh, sức mua vàng mã của người dân đã không còn như trước. Theo chị Thu Thảo (48 tuổi), chủ một tiệm bán vàng mã gần chợ Thiếc, khoảng gần chục năm về trước là thời kỳ “thịnh vượng” nhất của nghề bán vàng mã. Đặc biệt là dịp rằm hàng tháng. Còn tháng 7 âm lịch, tháng Vu lan báo hiếu cũng là tháng “cô hồn” trong quan niệm của người dân, thì người mua tấp nập suốt tháng. Các mặt hàng từ giấy tiền cho đến các loại xa xỉ như biệt thự, siêu xe hàng mã... có giá từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng đều được chuộng. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, mà nhất là năm nay, tình hình buôn bán vàng mã ở chợ đã ế ẩm đi rất nhiều. Tháng 7 âm lịch này, thay vì đông suốt tháng thì chỉ được vài ngày gần rằm là đông khách, còn lại tình hình buôn bán chỉ lai rai. Theo chị Thảo, tình trạng này một phần là do thu nhập của người dân kém đi so với trước, phần còn lại là do sự thay đổi nhận thức bởi những năm nay Nhà nước và các hội đoàn thể tuyên truyền bỏ tục đốt vàng mã.

Anh Lâm Văn Cương, sinh sống tại quận 10, TP Hồ Chí Minh cho biết, đã hai năm nay nhà anh không còn đốt vàng mã khi “cúng cô hồn” mỗi tháng, kể cả tháng 7 cũng không đốt. “Trước kia, gia đình tôi cũng chi khá tiền cho vàng mã vì có quan niệm “âm sao dương vậy”, nên cũng muốn đốt nhiều tiền cũng vật phẩm xa xỉ cho các cụ ở dưới đó sống sung sướng. Tuy nhiên, những năm nay, Nhà nước có nói đốt vàng mã là hủ tục, gây hại ở nhiều khía cạnh, đồng thời vợ tôi đi chùa thường xuyên, các sư ở chùa cũng có giảng giải cho rõ về chuyện báo hiếu ông bà, tổ tiên đã khuất bằng cách thờ cúng nghiêm trang, giáo dục con cái kính ngưỡng, nhớ ơn chứ đốt vàng mã không phải đạo hiếu. Thế nên gia đình tôi cũng đã kiên quyết từ bỏ thói quen này”, anh Cương chia sẻ.

Vàng mã, bao gồm các hình nộm, tiền giấy và vật dụng giả khác từ lâu đã là một phần trong các nghi lễ cúng bái. Theo quan niệm dân gian, đốt vàng mã là cách để gửi gắm những tài sản cần thiết cho người đã khuất ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, ngày càng nhiều người nhận ra những mặt trái của hủ tục này. Việc đốt vàng mã không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn tác động tiêu cực đến môi trường. Mỗi năm, hàng ngàn tấn vàng mã được đốt, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí, tăng nguy cơ cháy nổ và tiêu tốn nguồn tài nguyên đáng kể. Điều này đã khiến nhiều người, đặc biệt là các thế hệ trẻ, bắt đầu suy nghĩ lại về giá trị và ý nghĩa thực sự của việc đốt vàng mã.

Sự thay đổi không ngẫu nhiên

Thực tế, sự thay đổi trong thói quen đốt vàng mã không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Trong những năm gần đây, các chiến dịch truyền thông của Chính phủ, sự tác động của các tổ chức tôn giáo và xã hội đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc đốt vàng mã. Nhiều chùa chiền và cơ sở tôn giáo ở TP Hồ Chí Minh đã khuyến khích phật tử và người dân tập trung vào những việc làm thiết thực hơn trong mùa Vu lan, như quyên góp cho các hoạt động từ thiện, chăm sóc người già neo đơn và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Thời điểm tháng 7 âm lịch năm nay, có thể thấy rõ tình trạng đốt vàng mã tại các gia đình, trong đó có nhiều hộ buôn bán đã chấm dứt. Thay vào đó, nhiều người dân thành phố coi những việc làm nhân ái, đạo nghĩa mới là việc làm thiết thực, tạo phước đức. Có thể dễ dàng bắt gặp các hoạt động tự phát của người dân như phát quà cho người nghèo, người khó khăn trên khắp các đường phố, các hộ kinh doanh tổ chức trao quà cho người dân với quy mô lớn. Nhiều người dân chọn cách quyên tiền, ủng hộ áo quan cho người chết nghèo, vô gia cư. Đặc biệt, các hoạt động hướng về lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, săn sóc cha mẹ được lan tỏa sâu rộng trong người dân.

Chị Nguyễn Thanh Thảo Nhiên (43 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Nhiều năm nay gia đình tôi không chọn cúng rằm, cúng “cô hồn” hoành tráng, đốt vàng mã tốn kém mà thường cùng với nhiều bạn bè trong khu phố tổ chức phát gạo cho người khó khăn trong khu vực. Cạnh đó, chúng tôi cũng dành thời gian đưa cha mẹ, đưa các con nhỏ đi chùa, tụng kinh Vu lan, tham gia các hoạt động báo hiếu ở chùa. Bạn bè tôi giờ đây đa phần cũng không quan trọng vào cúng tế, vàng mã lại càng không mà chọn các hoạt động thực tế như vậy để mùa Vu lan thêm ý nghĩa”.

Những hiện thực nói trên cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của người dân về một hủ tục đã tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian Việt Nam. Khi xã hội ngày càng phát triển, những hủ tục lạc hậu dần được thay thế bởi những giá trị mới, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại và nhân ái hơn.