Sau bài phát biểu của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ngày 10-2, hơn 200.000 người có mặt tại ở Quảng trường Tahrir, trung tâm thủ đô Cairo, tối cùng ngày đã tỏ ra tức giận khi ông Mubarak không từ chức ngay lập tức.
Người biểu tình kêu gọi ông Mubarak từ chức ở thủ đô Cairo tối 10-2 |
Họ kêu gọi tiến hành một cuộc biểu tình rầm rộ nhất tại Cairo trong ngày hôm nay (11-2) nhằm yêu cầu cả Tổng thống Mubarak và cả Phó Tổng thống Suleiman từ chức, đồng thời đề nghị quân đội "lựa chọn giữa việc đứng về phía nhân dân hay ủng hộ chính quyền của ông Mubarak."
Trước phản ứng trên của người biểu tình, Hội đồng Tối cao các Lực lượng vũ trang Ai Cập đang nghiên cứu tình hình hiện nay và sẽ sớm ra quyết định.
Trong khi đó, đảng Tagammu (đối lập) đã tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán với chính phủ, cho rằng cuộc đối thoại do Phó Tổng thống Suleiman khởi xướng không đáp ứng được những đòi hỏi tối thiểu của người dân và đảng này từ chối cách thức đối thoại của chính phủ.
Đảng Tagammu cũng chỉ trích việc Thủ tướng Ahmed Shafig không thành lập ủy ban điều tra vụ trấn áp an ninh xảy ra trong "Ngày phẫn nộ" 28-1.
Trả lời phỏng vấn truyền hình CNN, ông Mohamed ElBaradei, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), cảnh báo Ai Cập đang đứng trước nguy cơ "sụp đổ," đồng thời kêu gọi quân đội đứng về phía nhân dân và bảo vệ đất nước.
Phó Tổng thống Suleiman trong bài diễn văn đầu tiên của mình đã một lần nữa kêu gọi người biểu tình trở về nhà.
Trong một diễn biến khác, cơ quan công tố Ai Cập đã chính thức truy tố ba cựu bộ trưởng với tội danh lạm dụng chức quyền để tư lợi và biển thủ công quỹ. Đó là cựu Bộ trưởng Du lịch Zuhair Garana, cựu Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Mohamed Rachid, cựu Bộ trưởng Nhà ở Ahmed el-Maghrabi. Ngoài ra, tỷ phú Ahmed Ezz cũng bị đưa ra truy tố.
TTXVN