Người đẹp và quái thú

(PLVN) -  Vài năm trở lại đây, bên cạnh việc nuôi chó, mèo thay người yêu, nhiều dân chơi còn “săn” các loài vật nuôi độc, lạ như: trăn, rắn thậm chí là nhện, rết khổng lồ, vẹt, hổ làm thú cưng…

Không phải là câu chuyện thần thoại về những công chúa với hoàng tử bị bùa phép thành quái thú để thử thách tình yêu và lòng kiên nhẫn của các cô gái! Ngày nay, các cô gái chăm cả hổ, báo, rắn rết… cho độc lạ.

Các loại rắn, trăn cảnh chủ yếu là dòng rắn được nhập khẩu từ nước ngoài, không có nọc độc và có hình dáng nhỏ nhắn, màu sắc rực rỡ. Trong đó, được ưa chuộng nhất hiện nay là các loại: rắn ngô (corn snake), rắn sữa (milk snaske), rắn chúa (king snake) và trăn bóng… Giá của loài rắn, trăn cảnh dao động từ 1 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng.

Rồng Nam Mỹ (Green Iguana) là loại vật nuôi đang thu hút sự tò mò của giới trẻ Việt. Thú cưng này có giá dao động từ vài triệu đến hơn trăm triệu đồng, tùy màu sắc và kích thước. Đây là loài bò sát có kích cỡ lớn, hầm hố.

Ở Việt Nam, thú chơi rồng Nam Mỹ có từ khoảng hơn 10 năm trước và chủ yếu phát triển ở các thành phố lớn. Trong đó, nhiều dân chơi sinh vật cảnh sở hữu bộ sưu tập rồng đất với số lượng lớn, giá trị lên tới cả trăm triệu.

Thú chơi nhện Tarantula du nhập vào Việt Nam khoảng đầu năm 2008 và phát triển nở rộ vào những năm 2010. Hiện nay, trên thị trường, một con nhện cảnh có giá từ 350 nghìn đồng - 600 nghìn đồng/con, tùy chủng loại.

Trước đây, rết - loài vật nhiều chân, đáng sợ thường là nỗi ám ảnh, khiếp sợ đối với nhiều người tuy nhiên, vài năm trở lại đây rết lại được nhiều dân chơi sinh vật cảnh “chuộng” mua làm vật cưng trong nhà. Theo đó, mỗi con rết dài từ 15-20cm có giá từ 200-300 nghìn đồng, chúng được lấy nọc độc trước khi đến tay người chơi.

Ngoài ra còn có các dòng chim săn mồi như đại bàng, chim ưng, chim cắt, đại bàng ưng hay cú mèo. Đây đều là những loài chim lớn, có bản tính hung dữ…

Còn rồng Komodo là một loài rất nguy hiểm, thường săn các loài động vật to lớn như hươu nai trong tự nhiên. Chúng cần rất nhiều thức ăn, sống lâu và rất hung dữ và đã từng có nhiều trường hợp tấn công người. Thêm nữa, săn bắn và mua bán, sở hữu loài này là bất hợp pháp.

Tại tỉnh Nghệ An, lực lượng chức năng đã từng phát hiện 3 gia đình nuôi 17 con hổ to lớn. Những con hổ này đã nuôi được nhiều năm nhưng chính quyền địa phương nói rằng không hề hay biết. Mới đây, cũng tại tỉnh này, lực lượng công an cũng phát hiện một người chở 7 con hổ con đi tiêu thụ. Còn nuôi nhốt gấu, chó sói, thậm chí là tê giác cũng diễn ra rất nhiều ở các địa phương.

Ai nuôi “thú cưng” này cũng tự lý giải, thú của tôi không đời nào làm hại tôi, nó yêu tôi. Họ thường nghĩ thế và nó chỉ đúng cho tới ngày không còn đúng nữa. Chưa nói tới vấn đề pháp lý không được phép, việc nuôi động vật hoang dã làm thú cưng ảnh hưởng tiêu cực tới số lượng cá thể của nhiều loài động vật.

Những bộ như vẹt, linh trưởng, rùa, rắn, mèo hoang và cá nhiệt đới đang bị đe dọa vì điều này. Đa số động vật đều chết trước khi đến được nơi đã định. Một số người chủ sau một thời gian nuôi đã thả thú hoang dã vào tự nhiên khiến chúng bị chết vì không có kĩ năng tự sinh tồn.

Khi chúng còn nhỏ, nhiều động vật hoang dã trông có vẻ đáng yêu và thích vuốt ve. Nhưng càng lớn, chúng càng trở nên hung dữ và khó kiểm soát. Chúng cũng không có môi trường và “kĩ năng xã hội” để giao tiếp với đồng loại của mình, khiến chúng phải sống một cuộc đời cô đơn.

Hơn nữa, việc người chủ thường bẻ răng, cắt móng để kiểm soát sự tấn công thường khiến chúng bị thương tật về cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu được gửi đến các trung tâm cứu hộ hoặc chăm sóc, chúng cũng không thể chung sống an toàn với đồng loại.

Chưa kể, động vật hoang dã có thể chứa nhiều mầm bệnh gây nguy hiểm cho con người, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già, và những người có hệ miễn dịch yếu. Chúng ta không thể tiêm vaccine cho động vật hoang dã để phòng các bệnh bởi vì những vaccine được phát triển cho động vật nuôi chưa chứng minh tính hiệu quả đối với động vật hoang dã.

Đơn cử, gấu mèo và những động vật ăn thịt khác có thể mang bệnh dại hoặc bệnh caro; một số loài khỉ mang virus Herpes có thể lây nhiễm cho con người; động vật bò sát có thể mang vi khuẩn salmonella.

Động vật hoang dã cũng chứa ký sinh trùng như Ascaris, sán dây, sán lá, và các sinh vật đơn bào có thể gây suy nhược cơ thể và chết người, trong khi những ngoại ký sinh trùng như ve và bọ chét có thể truyền sốt phát ban Rocky Mountain, bệnh dịch hạch và một số bệnh dịch nguy hiểm khác.

Một số bệnh khác có thể lây truyền cho con người bao gồm bại liệt, lao, sốt gan bạch cầu, hắc lào và viêm gan. Và thực tế, tước một con con thú hoang dã ra khỏi môi trường sống của chúng đã là hành vi vô cùng dã man…

Khi cuộc sống càng hiện đại, con người càng có khả năng sống độc lập một mình. “Người yêu không có, nhưng nhất định phải có một em thú cưng”. Ngoài những em vật nuôi trong nhà: chó mèo, gà lợn… rồi tới động vật hoang dã… Trong sự cô đơn đến tận cùng, bỗng một ngày các người chủ ngoài trở thành phụ huynh, trở thành “con sen” vô điều kiện, tình yêu của họ dồn hết cho tụi “thú cưng”. “Khi mình về tới nhà, trời ơi nó nhìn mình là cả thế giới, yêu không kể xiết!”...

Và đôi khi, cả thế giới của chúng ta, bỗng bé lại bằng một em thú cưng! Chúng ta có thể vô tình làm đau ai đó trong cuộc đời hiện hữu! Nhưng với em thú cưng, là những yêu thương vô điều kiện, như cách chúng ta yêu đứa con ruột thịt của mình! Khi chúng ta ôm chặt những vết thương của mình, và tự chữa lành, dù với việc nuôi một đàn vẹt đắt đỏ để dạy chúng gọi bằng mẹ, dạy chúng làm theo ý mình, hôn lên môi mình, âu yếm theo cách kỳ lạ… Là rất nhiều hình ảnh không hề xa xôi trong nhịp sống hối hả mỗi ngày…

Với những “phụ huynh thú cưng“ đó, có thể là tự chữa lành, có thể là họ đang tự làm đau mình! Với họ, thế giới rộng lớn, nhưng không đủ cho những yêu thương chan chứa. Khi tình người bé lại, khi họ không còn đủ niềm tin thì với họ, cả thế giới chỉ là một em…” thú cưng”…