Người đón tàu - thế giới qua những lăng kính không màu

Một cuốn sách khiến người ta bật khóc và mỉm cười bởi vẻ đẹp của cuộc sống…

Một cuốn sách khiến người ta bật khóc và mỉm cười bởi vẻ đẹp của cuộc sống…

Trong thế giới văn chương, những trải nghiệm cuộc sống chính là thứ tài sản vô giá của các nhà văn. Đó chính là điều đã tạo nên vẻ đẹp của từng trang viết, nơi họ được sống và cảm nhận tất cả qua thế giới quan của từng nhân vật, từng số phận con người. Với mỗi ngòi bút hay mỗi tác phẩm, độc giả lại được chìm đắm vào một không gian hoàn toàn riêng biệt của cuộc sống. Đó có thể là những tình ca đẹp và bay bổng hay bản anh hùng ca trong thế giới siêu thực. Nhưng có lẽ, sẽ không có câu chuyện nào, cảm giác nào đủ sức lay động chúng ta mãnh liệt bằng những khúc bi ca về kiếp người, bởi ở đó, mỗi độc giả như soi thấy một thế giới hoàn toàn khác những gì ta đang sống hay cảm nhận mỗi ngày. Và 7 khúc ru trong tập truyện ngắn Người đón tàu của nhà văn Nhật Bản Jiro Asada sẽ mang cho chúng ta những góc nhìn như thế.


Bìa sách Người đón tàu
 

Jiro Asada được xem như truyền nhân xuất sắc nhất của dòng văn học truyền thống Nhật Bản với lối viết điềm tĩnh, tinh tế, giọng văn mô tả cảnh vật chân thực nhưng đầy sống động, với khả năng khắc họa uyển chuyển tâm lí nhân vật và cả sự thay đổi từ tận tâm cam mỗi con người. Các tác phẩm của ông chạm vào những góc khuất trong xã hội đương đại bằng một con mắt đầy thông cảm và độ lượng chứ không quyết liệt, méo mó hay có phần cực đoan như nhiều cây bút khác cùng lứa. Khác hẳn với Ryu Murakami hay Haruki Murakami - những nhà văn Nhật cũng rất nổi tiếng, Jiro Asada chọn cho mình một lối đi riêng để nói về những nỗi đau, những trở trăn của con người trong thế giới hiện đại. Như trong Người đón tàu chẳng hạn, nước Nhật ở đó hiện lên với nhiều khổ đau, tiêu cực nhưng lại bừng sáng từ hy vọng của những con người nhỏ bé và đau khổ nhất.


 

Chỉ có vỏn vẹn 7 câu chuyện ngắn với đan xen những cảm xúc lẫn lộn, những kết thúc có hậu và u ám, nhưng tập truyện Người đón tàu (tựa gốc: Poppoya) lại được xem như một trong những tác phẩm xuất sắc và hoàn mĩ nhất trong gia tài văn chương của Jiro Asada. Từng con người trong những câu chuyện của ông hiện lên sắc sảo và sống động như minh họa cho mọi nỗi đau “bằng xương bằng thịt” của con người trong xã hội đương đại, đưa đến cho người đọc bảy lăng kính để nhìn cuộc đời. Ở đó, người ta sẽ thấy đằng sau thành phố phù hoa là những góc tối tăm, đằng sau nụ cười là cuộc sống khắc nghiệt của những con người “rẻ mạt” nhất trong xã hội: từ các tay anh chị, gái điếm đến kẻ tù tội, người nhập cư trái phép, từ những trí thức bị dày vò bởi dục vọng đến không ít những con người thất bại trong hành trình tìm kiếm danh vọng và thành công…


Bìa gốc cuốn sách


Những mảnh ghép trong thế giới ấy dường như thật đến mức người ta chỉ thấy có hai màu trắng và đen qua những lăng kính trong Người đón tàu. Hay thậm chí, có những trường đoạn, sự thật hiện lên với đúng bản chất của nó: trần trụi, phũ phàng và không hề được điểm tô bất cứ màu sắc nào. Nhưng càng đi về cuối mỗi câu chuyện cũng như cuốn sách, lửa hy vọng lại được thắp lên dù là qua những suy nghĩ hay câu thoại buồn man mác. Người đọc sẽ cảm nhận được nỗi đau sâu thẳm và từ từ len lỏi vào tâm khản mình khi phải đối mặt với những rắc rối của những nhân vật như gái điếm, hay kẻ nhập cư trái phép, nhưng đồng thời ở giữa những mảng tối đó, màu trắng của hy vọng lại rực rỡ nhất. Bởi dù cuộc đời có làm tổn thương những con người ấy tới đâu chăng nữa, họ vẫn khao khát được sống tốt hơn, tử hơn và mạnh mẽ hơn.

                                                                                                                                                                    (Theo 2sao)

Đọc thêm