Thời gian đọng lại, câu chuyện đọng lại cho đến khi nhà văn Bùi Ngọc Tấn chỉ ra chậu xương rồng ngoài ban công, nói: “Năm nay, tôi sẽ đón xuân bằng xương rồng. Xương rồng cũng như con người, vẫn vươn lên rạng ngời và nở hoa từ gian khổ nhọc nhằn, thiếu thốn.” Nhà văn kể, cây xương rồng vốn là của một người bạn thân với ông. Chăm sóc quá nên cây vươn cao, thẳng và bề thế. Nhưng chỉ xanh lá mà không ra hoa. Bạn ông bắt đầu nản thì Bùi Ngọc Tấn xin về. Ông để hoa ở ngoài ban công, không tưới, không chăm. Kệ cho nắng, gió dội xuống chậu cây đầy gai tua tủa. Thời tiết khắc nghiệt và sự bỏ mặc khiến cây rụng gần hết lá. Nhưng thật kỳ lạ, khi những chiếc lá rụng xuống cũng là lúc những bông hoa xinh đẹp bừng nở. Và càng nắng gay gắt, hoa càng đỏ sẫm màu. Nghe chuyện về hoa mới ngẫm lại câu nói của nhà văn, thấy có lý. Sự khắc nghiệt của cuộc đời và xã hội giúp nhà văn có nhiều tác phẩm hay. Cũng như xương rồng, phải khắc nghiệt nắng gió mới nở hoa, khoe sắc.
Nhìn dăm ba bông hoa trong chậu bát tiên ông chỉ, có bông màu vàng cam, có bông phớt hồng, lại có bông hòa thêm chút sắc đỏ, nhà thơ Vũ Thị Huyền ngâm nga: “Hoa chưa được đỏ anh nhỉ. Hay hoa thiếu ánh mặt trời?” Nhà văn cười: “Hoa sẽ đỏ vào dịp xuân nay. Hoa xương rồng càng già càng đỏ. Và tôi sẽ mang chậu xương rồng vào đây, ngay cạnh bàn uống nước này để chơi như hoa đào ngày Tết. Tết này, các bạn nhớ đến chơi để cảm nhận sắc hoa xương rồng trong phòng khách của Bùi Ngọc Tấn.”
Lời mời vào ngày cuối năm. Không vồn vã. Không hồ hởi. Cũng không nặng khách khí. Nếu có tình thì đến, thì lưu lại để cảm nhận. Cũng không níu giữ người quá bận rộn hoặc không có thời gian thảnh thơi. Cả tôi và Vũ Thị Huyền cùng cười và câu chuyện trở nên vui hơn, cởi mở hơn.
Cuộc gặp cuối năm bên bàn uống nước trong căn phòng của nhà văn diễn ra khi ông vừa từ Nga về ít ngày. Một bạn đọc người Việt định cư tại Nga mời ông sang chơi vì yêu mến văn ông. Đến Nga, Bùi Ngọc Tấn được cảm nhận sức sống mãnh liệt của văn hóa Nga trong từng mạch máu, hơi thở của người dân Nga. Trong câu chuyện ông kể về chuyến đi Nga của mình ánh lên sự ngưỡng mộ và tình yêu với nền văn học Nga vĩ đại. Những nhà văn, nhà thơ được dựng tượng đài sừng sững, nhưng quan trọng và ý nghĩa hơn, họ và tác phẩm của họ nằm trong trái tim mỗi người dân Nga. Để khi nói về họ, bất cứ người Nga nào cũng có thể tự hào. Bùi Ngọc Tấn trầm tư khi nói về những lá thư của bạn đọc Nga vẫn được gửi tới mộ Sê-khốp, chiếc bật lửa vẫn để ngay ngắn trên bệ mộ nhà thơ Mai-a-kốp-xki những bông hoa vẫn được đặt trên mộ Lê-vi-tan…. Tình yêu của người dân Nga với văn nghệ sĩ đốt lửa cho nền văn học Nga cháy mãi. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt xa xăm của Bùi Ngọc Tấn niềm khao khát tình yêu ấy ở Việt Nam .
Miên man những câu chuyện về nước Nga, nhà văn lại quay sang những chuyến đi của ông tới Đức, tới Mỹ… Câu chuyện cứ dài mãi, dài mãi tưởng như không thể dứt. Trà cứ rót thêm, thêm nữa, thêm nữa nhưng chẳng ai còn cầm tách lên để nhâm nhi. Bởi sự lôi cuốn trong câu chuyện tâm tình về những chuyến đi của nhà văn, về lòng yêu mến của bạn đọc dành cho ông ở những nơi ông đặt chân đến.
Ông giở file ảnh lưu giữ những tấm hình chụp những nơi ông từng đến trên máy tính cho chúng tôi xem. Nụ cười phảng phất đứng dưới những tán lá vàng của mùa thu Nga, đôi mắt xa xăm bên quảng trường Đỏ hay dốc Lombart (Xan Phran-xi-xcô) đẹp nhất nước Mỹ… Những tấm ảnh mơ hồ đọng nỗi man mác nào đó trong tâm tư nhà văn. Vướng vào nghiệp văn chương là mắc nợ với đời. Một món nợ không bao giờ trả hết. Các nhà văn thường cô đơn với cái tôi của chính mình. Thoát sao được nỗi cô đơn, dù có với được cái tôi ấy bằng tác phẩm thì bi kịch vẫn cứ quẩn quanh trong tâm trí “Tôi mắc nợ những khoảng trời Bat-dat/ Nợ rặng đèn khu phố Brốt-uây...” Mai-a-cốp-xki đã viết như vậy.
“Trà nguội hết rồi, để tôi thay chén mới…” – nhà văn nhận ra những tách trà không còn bốc khói tự bao giờ khi câu chuyện tạm ngưng một chốc. Tranh thủ, chúng tôi dạo qua một vòng căn phòng khách có cửa sổ nhìn ra những nếp nhà lô xô, có ban công nhìn xuống ngõ quanh co lối lên thẳng tới căn buồng của nhà văn. Dưới ấy, một chị hàng bánh đa buổi tối đang lúi húi chuẩn bị nước dùng, nhân thịt, nhân tôm… Không có mấy tiếng ồn ở trong góc nhỏ này. Hèn gì, nhà văn vẫn có được không gian yên tĩnh dù sống ở một khu phố sầm uất và đông đúc vào bậc nhất của thành phố Cảng. Những ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp này, cứ đóng cửa sổ, cửa chính lại thì chẳng còn âm thanh nào lọt vào nữa. Mà ngay chính cái lối đi quanh co cũng đã cản bớt âm thanh ồn ào náo nhiệt trên đường Điện Biên Phủ vào nhà ông. Bình yên, thanh lặng và tĩnh tâm đến lạ giữa ban ngày. Ở cái góc nhỏ yên tĩnh và lặng im này, Bùi Ngọc Tấn nghiền ngẫm và thu lượm thêm nhiều chi tiết của cuộc sống để biến thành những trang viết, những truyện ngắn, hồi ký, tiểu thuyết đến với bạn đọc. Những trang viết thật như chính cuộc sống. Như những bếp than tổ ong ngày đêm im lặng phả khói chung quanh nhà ông, như mùi từng xiên thịt ướp húng lìu nướng và chảo chả lá lốt... của những người làm hàng tầng trệt đang bốc hơi ngào ngạt. Như những điều chưa bằng lòng và mong ước của chúng ta về một ngày mai tốt đẹp hơn. Và cũng từ cái thật ấy mà bạn đọc yêu mến ông, yêu cái giản dị bình thường của sự từng trải ẩn sâu trong con người Bùi Ngọc Tấn.
Có khá nhiều tranh vẽ chân dung ông được treo trên bức tường của phòng khách, trên lò sưởi. Bức của Đỗ Phấn khổ nhỏ, khung vuông, bức của Đặng Xuân Hòa to hơn, treo ngang cửa ra vào với phòng ngủ đồng thời là phòng làm việc, rồi bức của Nguyễn Thanh Bình… Nhưng đập vào mắt tôi và Vũ Thị Huyền là một bức chân dung lạ, không phải của ông mà là của nhà thơ, dịch giả Dương Tường. “Đây là một món quà đặc biệt, Dương Tường tặng tôi. Tấm chân dung Dương Tường của họa sĩ Lưu Công Nhân. Bức này giờ mang đấu giá chắc được giá lắm….” Nghe câu đùa, cả tôi và Huyền cùng bật cười. Bởi chúng tôi hiểu đây là một kỷ niệm vô giá của ông.
Ông mở tủ sách, lấy ra một cuốn sách dày đưa cho tôi xem rồi bảo: “Tôi mới lôi cuốn này ra đọc lại – “Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Hemingway. “Hemingway là một trong những nhà văn tôi thích nhất. Tôi đọc ông từ những năm 1960. Giờ đọc lại để gặp lại những năm tháng xa xưa si mê ông. Đọc để thấy lại tuổi trẻ của mình. Và đọc để xem sự cảm nhận và thẩm thấu của mình với Hemingway có khác đi không, qua đó biết được tuổi tác và sự nhạy cảm của mình, mình đã già đi bao nhiêu....”
Ông đang làm thử test tuổi già trong ông. Tuổi già đã đến với ông. Và ông chống lại nó. Bằng sự làm việc. Bằng niềm vui trong việc viết những gì đã trải để “góp phần lưu giữ ký ức của dân tộc”, như ông tâm niệm....
Xuân này, cùng với chậu xương rồng, Bùi Ngọc Tấn còn đón xuân bằng một niềm vui văn chương: Tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” của ông vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản 1000 cuốn. Nhuận bút gửi về không bao nhiêu, vì ông đã mua quá nhiều sách tặng bạn bè. Bìa tiểu thuyết do người bạn có duyên với ông, người đầu tiên vẽ chân dung ông, người minh họa truyện ngắn đầu tiên khi ông viết trở lại sau 22 năm im lặng – họa sĩ Đặng Xuân Hòa- thiết kế, khác hẳn với bìa cuốn sách xuất bản lần đầu. Nâng niu tập sách trên tay, nhà văn Bùi Ngọc Tấn cười thật tươi và nhìn ra chậu cây xương rồng đang nở hoa ngoài ban công.
Mùa xuân như đã về trong căn phòng nhỏ của ông.
Phạm Thùy Linh
Ảnh: Vũ Dũng