"Người đương thời" thức cả đêm viết thư thỉnh cầu Bộ trưởng Nông nghiệp

Thức cả đêm để viết bức thư dài chưa tới 500 chữ. Hôm qua, từ Tam Đường, Lai Châu, “người đương thời 2007” Trần Yên lái chiếc xe bán tải xuống bưu điện và tự tay dán tem bỏ vào thùng thư gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

[links()]Thức cả đêm để viết bức thư dài chưa tới 500 chữ. Hôm qua, từ Tam Đường, Lai Châu, “người đương thời 2007” Trần Yên lái chiếc xe bán tải xuống bưu điện và tự tay dán tem bỏ vào thùng thư gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

Tỷ phú nông dân Trần Yên bên trại cá trên đỉnh Hoàng Liên Sơn.

“Kính thưa ông! Tôi là Trần Yên - người nuôi cá hồi và trồng rừng ở Lai Châu - ông đã có dịp ghé qua trang trại của tôi”. Ông Yên giới thiệu như vậy đầu thư. Trong ngành nông nghiệp phía Bắc, không mấy người không biết ông Yên. VTV mời ông lên sóng chương trình “Người đương thời” từ năm 2007. Đến nay, ngoài trồng những cánh rừng mênh mông phủ xanh hàng trăm ngọn đồi vùng Tây Bắc, ông Yên còn là người đi đầu mở ra nghề nuôi cá hồi, cá tầm tại các tỉnh miền núi.

“Tôi xin thỉnh cầu ông một việc sau”, thư ông Yên viết.

Theo đó, đầu tháng 5/2013, Công ty cổ phần Thủy điện Chu Va đóng tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã mở một cơ sở nuôi cá hồi và cá tầm rồi tổ chức nhập lậu giống cá tầm từ Trung Quốc về để nuôi. Đặc biệt, công ty này đã đưa cả người Trung Quốc sang trực tiếp nuôi cá theo lối đáng ngờ của họ.

“Khi biết được sự việc tôi đã báo cho chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu. Sau đó tôi có báo cho anh Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng anh Nguyễn Huy Điền, Tổng cục phó Tổng cục Thủy Sản. Tổng cục Thủy sản đã cho Thanh tra của lên kiểm tra và xác định vụ việc là có thật. Nhưng từ đó đến nay mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ, từ địa phương đến Tổng cục đều không có ý kiến gì. Đến ngày 28/5, Công ty Chu Va đã tẩu tán số cá nhập lậu này đi nơi khác”, thư cho biết.

“Với lương tâm và nghề nghiệp của người nuôi trồng thủy sản, tôi thấy vụ việc này rất nghiêm trọng”.

Theo ông Yên, thứ nhất là, chúng ta đã và đang tập trung chống các loại hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc, đặc biệt là giống gia cầm và giống thủy sản. Riêng giống cá tầm lại nằm trong Công ước quốc tế CITES, vì vậy việc  nhập giống cá tầm vào nuôi ở Việt Nam bằng con đường bất hợp pháp là không thể chấp nhận được và cần phải kiên quyết xử lý.

Thứ hai là, công ty này nhập lậu cá nhưng lại đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua Dự án khảo nghiệm nuôi cá tầm của Bộ KH&CN, qua sự thu xếp từ chính vụ chức năng của Bộ NN&PTNT. Như thế chẳng khác nào cõng rắn cắn gà nhà, hết sức nguy hiểm.

Về vấn đề này, PLVN số ra ngày 27/5 đã có bài “Cảnh báo “Trung Quốc hóa” trại cá tầm Việt Nam”, đề cập việc thương nhân bên kia biên giới câu kết với một số người Việt mở các trại cá tại Việt Nam. Trước mắt, các trại cá này sẽ đóng vai trò là “trạm trung chuyển” nhằm “rửa” nguồn gốc cá tầm nhập lậu, về lâu dài, họ sẽ xuất khẩu luôn công nghệ làm cá tầm giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam.

Như vậy, ngay sau khi báo đăng, trại cá mà chúng tôi đề cập đã nhanh chóng tẩu tán “tang vật” nhằm tránh nguy cơ có thể bị tiêu hủy hàng lậu.

Điều hết sức bất ngờ, theo điều tra ban đầu của phóng viên và cũng như trong thư ông Trần Yên phản ánh, trại cá lậu này không rõ bằng cách thức nào đó còn “chạy” được nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách thông qua một dự án.

“Với các lý do trên, tôi xin ông với cương vị người đứng đầu nghành nông nghiệp nước nhà, ông hãy có ý kiến cụ thể và nghiêm khắc xử lý những người biết mà không làm hoặc cố tình bao che cho sự việc. Có được như vậy mới mong ổn định lòng dân”, ông Yên kết thúc bức thư.

Đức Huy

Đọc thêm