Trong khi ở Việt Nam vẫn còn nhiều luồng ý kiến trái ngược trước việc người già “đi bước nữa", thì ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề này cũng bình thường như chuyện giới trẻ kết hôn. Thậm chí, ở một số quốc gia, nhiều trung tâm môi giới hôn nhân cho người già đã ra đời và làm ăn khấm khá bởi số lượng người già đến đăng ký khá đông.
Cuộc sống đôi lứa thú vị hơn nhiều
Theo thông tin đăng trên một diễn đàn, bà Shunichi Ikeda, Giám đốc Trung tâm môi giới Ai Senior (Yêu người già), Nhật Bản, kể rằng: "Cách đây ba năm, khi lên mạng tôi thấy rất nhiều người già đăng thông tin tìm kiếm bạn đời, họ đã 60 tuổi rồi. Tôi không nghĩ họ có thể kết hôn được nữa. Nhưng ngay sau đó tôi nhận ra sự cần thiết phải có một nơi để các cụ có thể gặp gỡ, tìm kiếm nhau". Hiện tại trung tâm này có 300 khách hàng từ 50 tuổi trở lên.
Về vấn đề con cháu nhìn nhận việc cha mẹ già tái hôn, Shunichi Ikeda cho biết, ở xứ sở hoa anh đào này, con cháu rất ủng hộ và khuyến khích cha mẹ, thậm chí họ còn đi đăng ký và ghi những thông tin cá nhân thích hợp cho cha mẹ mình. "Nhiều người ban đầu còn cảm thấy xấu hổ, hỏi tôi liệu họ có quá già để kết hôn. Tôi nghĩ họ đã nhận ra cuộc sống đôi lứa thú vị hơn nhiều so với cuộc sống một mình trước đây của họ"- Shunichi Ikeda nói. Tương tự, Giám đốc Trung tâm môi giới kết hôn Taiyo no Kai (Sự tuần hoàn của Mặt trời - Nhật Bản) cũng cho biết: Càng ngày những người già càng phải sống độc lập với con cái và họ cũng sống lâu hơn, nên nếu có thể sống chung với một ai đó thì cuộc sống của họ sẽ đầm ấm hơn rất nhiều.
Bác sĩ Mai Hải Nam (BV Bạch Mai), đang theo học thạc sỹ ở Nhật Bản cho biết: Quan niệm về tình yêu, hôn nhân của người già ở Nhật Bản hiện "thoáng" hơn ở Việt Nam. Những người ở độ tuổi 50, 60, 70 tìm bạn đời đang có xu hướng gia tăng. Vì vậy, hàng loạt công ty môi giới hôn nhân dành cho người già ở nước này đã ra đời để phục vụ nhu cầu tìm bạn đời của người già. "Có thể đây cũng là một trong những lý do khiến người già ở Nhật Bản có tuổi thọ cao hơn nhiều các nước trong khu vực"- BS Nam nhận định.
|
Ngay tại nước láng giềng Trung Quốc, người già bắt đầu có quan niệm mới về hôn nhân, trong đó chú trọng chất lượng, sức sống của hôn nhân. Báo chí nước này đã từng đưa tin một cụ bà 65 tuổi từ Cát An, Giang Tây vượt qua quãng đường ngàn dặm tới Thiên Tân, kết duyên cùng một kiến trúc sư họ Trần. Bà Vương, cụ bà ở trên cho biết: "Tôi goá chồng trong nhiều năm, muốn tìm một người thích hợp, đặc biệt là khi con cái đã có gia đình riêng".
Giáo sư Hác Mạch Thu, Viện nghiên cứu Khoa học Xã hội Thiên Tân (Trung Quốc) - chuyên nghiên cứu về hôn nhân của người lớn tuổi cho biết, khi vật chất đầy đủ, kinh tế độc lập, người già của Trung Quốc hiện nay trong quan niệm về hôn nhân đã có những thay đổi to lớn, chuyển từ quan niệm truyền thống xuất giá tòng phu, thủ tiết đến hết đời, sang quan niệm tự nguyện tái giá.
Cần được ủng hộ
Theo TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, văn hóa Việt Nam ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa nho giáo, thường quan niệm người già là khuôn mẫu, mực thước. Hôn nhân là chuyện bất biến, không được thay đổi kể cả khi vợ (chồng) qua đời. Vì thế, người Việt luôn cho rằng chuyện người già đi "bước nữa" là chuyện khó chấp nhận. Đặc biệt ở nông thôn, dù không gian sống thoáng đãng nhưng cách sống vẫn bó buộc về quan niệm dòng họ, tề gia. Họ đòi hỏi các thành viên phải sống hy sinh theo quan niệm "chung, tiết, hiếu" cho nên không khuyến khích ly hôn và không tán thưởng chuyện ly hôn. Còn ở thành thị, "độ mở" lớn hơn, quyền tự do cá nhân được khẳng định cùng với xu hướng hội nhập nên chuyện người già "đi bước nữa" đã được thừa nhận.
Cũng theo TS Hòa Bình, từ trước đến nay, nhóm người già chủ yếu được quan tâm đến đời sống vật chất, an sinh, còn mặt đời sống tinh thần của họ dường như vẫn thiếu hụt. Nhu cầu "đi bước nữa" của các bậc cha (mẹ) khi đã về già là nhu cầu tất yếu và hiện nay nó đang tăng lên.
Qua nghiên cứu và kinh nghiệm cuộc sống, TS Hòa Bình cho rằng, hầu hết việc con cháu ngăn cản cha mẹ thường xuất phát từ lợi ích cá nhân và cách nhìn thực dụng. Đây là rào cản lớn nhất các cụ khó vượt qua khi về già muốn “đi bước nữa". Vì vậy, con cháu nên nhìn nhận mặt tích cực bởi chuyện vợ chồng không chỉ là tình dục mà nó còn thoả mãn đời sống tinh thần cá nhân, giao cảm, trao đổi, chia sẻ. Những điều này con cháu không làm được. Bởi vậy, chuyện người già “đi bước nữa" cần được ủng hộ. Cần phải xoá bỏ quan niệm cổ hủ cho rằng người già “đi bước nữa" là chuyện lố lăng, khác thường. Bởi lứa tuổi nào cũng có nhu cầu tình cảm, hạnh phúc.
Tuy nhiên, cũng theo TS Trịnh Hoà Bình, muốn quan điểm này thay đổi, trước tiên cần thay đổi cách nhìn nhận của cá nhân, giải quyết trong gia đình. Sau đó mới thay đổi suy nghĩ của họ hàng, làng xóm.
Theo GĐ&XH