Người giáo viên "giỏi việc trường, đảm việc nhà"

Năm 2001, cô giáo Trần Thị Thanh Xuân được phân công về giảng dạy tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định). Sau hai năm công tác tại trường, cô đã đăng ký dự thi và thi đỗ cao học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày nhận giấy nhập học cũng là ngày chồng cô cũng nhận được giấy báo đi học cao học, khi đó con gái của cô mới 10 tháng tuổi.

Năm 2001, cô giáo Trần Thị Thanh Xuân được phân công về giảng dạy tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định). Sau hai năm công tác tại trường, cô đã đăng ký dự thi và thi đỗ cao học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày nhận giấy nhập học cũng là ngày chồng cô cũng nhận được giấy báo đi học cao học, khi đó con gái của cô mới 10 tháng tuổi. Sau nhiều trăn trở, cuối cùng anh chị quyết định "cả nhà" lên Hà Nội học. Sau hơn hai năm, bằng sự nỗ lực, cô đã hoàn thành xuất sắc khóa học thạc sỹ.

Trở lại công tác sau thời gian học tập, cô lại gặp những khó khăn mới bởi nhà trường đang tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó có việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Cô đã tìm mua sách tự học và học hỏi những đồng nghiệp trong trường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy môn Sinh học đã thực sự là một phương tiện rất hữu hiệu. Các cơ chế sinh học được khái quát hóa trong mô hình động đã làm cho mỗi tiết học trở nên sinh động hơn, giúp cho học sinh dễ tiếp thu bài hơn, vì thế hiệu quả trong mỗi tiết dạy cũng được nâng lên. Cô đã tham gia các đợt hội giảng do nhà trường tổ chức và trong kỳ hội giảng toàn tỉnh năm 2008, cô được ban giám hiệu nhà trường cử đi tham dự và đã đạt loại giỏi. Theo cô, con đường ngắn nhất để một học sinh đạt được kết quả học tập tốt nhất là tự học, tự nghiên cứu nhưng động lực để các em tự học tự nghiên cứu là người thầy phải thắp lên được trong các em sự say mê, hứng thú đối với môn học. Vì vậy, ngoài những kiến thức truyền dạy, cô còn tìm cách hướng dẫn, định hướng trong quá trình tự học của học sinh; trước hết là việc sưu tầm tài liệu cho học sinh tự đọc, sau đó giao những vấn đề cụ thể để học sinh tự giải quyết. Sau mỗi bài làm của học sinh, cô đều có nhận xét và đánh giá để các em hiểu và biết được mức độ cũng như khả năng học tập của chính bản thân. Từ những hiệu quả và kinh nghiệm rút ra trong quá trình giảng dạy, chất lượng môn học do cô phụ trách ngày càng được nâng lên. Năm học 2007-2008, cô được ban giám hiệu nhà trường giao phụ trách đội tuyển học sinh giỏi tỉnh môn Sinh học lớp 12. Lần đầu tiên "ra quân'', đội tuyển đã mang về 2 giải nhất, 1 giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Năm học 2008-2009, đội tuyển do cô phụ trách lại tiếp tục mang về 8/8 giải chính thức trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 3 giải nhì, 5 giải ba, trong đó có 2 học sinh được Bộ GD-ĐT gọi vào đội tuyển để chọn học sinh đi thi quốc tế. Cả 8 em trong đội tuyển học sinh giỏi của cô đã mang về 1 giải nhất, 5 giải nhì và 2 giải ba.

Là người phụ nữ vừa phải đảm nhiệm công việc của trường, vừa phải đảm nhiệm việc nhà, nuôi con nhỏ trong khi chồng công tác xa nhà, nhưng vượt lên tất cả, được sự quan tâm, động viên của tỉnh, của Sở GD-ĐT và ban giám hiệu nhà trường, sự chia sẻ của gia đình và bạn bè, là tổ phó tổ bộ môn Hóa - Sinh - Công nghệ, lãnh đội đội tuyển quốc gia môn Sinh học, cô giáo Trần Thị Thanh Xuân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp và học sinh tin yêu, kính trọng./.

Minh Hồng

Đọc thêm