Người giữ báu vật của làng

Trong cái nắng ấm áp giữa tiết trời cuối năm, trong căn nhà nhỏ, ông Ngô Văn Xuân, Trưởng ban Khánh tiết làng Mỹ Khê cho chúng tôi xem báu vật của làng, được ông gìn giữ suốt 20 năm nay.

Trong cái nắng ấm áp giữa tiết trời cuối năm, trong căn nhà nhỏ, ông Ngô Văn Xuân, Trưởng ban Khánh tiết làng Mỹ Khê cho chúng tôi xem báu vật của làng, được ông gìn giữ suốt 20 năm nay.

Ông Ngô Văn Xuân bên bản sắc phong được ông thay mặt làng gìn giữ suốt 20 năm nay.

Ông Ngô Văn Xuân bên bản sắc phong được ông thay mặt làng gìn giữ suốt 20 năm nay.

Báu vật ấy là 16 sắc phong có niên đại từ thời vua Minh Mạng đến Duy Tân mà ông thay mặt làng gìn giữ. Về mặt lịch sử, nó là chứng tích cho sự phát triển của làng. Về mặt văn hóa, nó mang nặng đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Những giá trị mà đối với những người cao tuổi trong làng như ông, không có gì có thể so sánh được.

Mỗi sắc phong có chiều dài 135cm và chiều rộng khoảng 50cm, chất liệu là một loại giấy dó tốt, có màu vàng nghệ. Hai mặt của sắc phong được vẽ trang trí hình rồng và mây lượn. Mặt chính được trang trí hoa văn công phu tượng trưng cho sự trù phú của làng. Bên trái sắc ghi tên làng và tên các vị thần được thờ. Bên phải ghi niên hiệu của vua, ngày-tháng-năm ban sắc và đóng dấu triện vuông, màu đỏ. Chữ viết trên sắc phong là chữ Hán-Nôm, được viết theo kiểu chữ “Chân” và do các nhà Nho uyên bác viết nên chữ rất đều và đẹp.

Theo nguồn tài liệu mà chúng tôi có được, đình làng Mỹ Khê ngày xưa thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, có diện tích 444 công mẫu Bắc Bộ, phía Đông làng giáp với biển Đông, phía Tây giáp với làng An Hải, phía Bắc giáp với làng Phước Trường và phía Nam giáp với làng Phước Mỹ. Cũng như phần lớn các xã ven biển miền Trung, Mỹ Khê là vùng đất cát, ngày xưa còn gọi là Bạch sa (cát trắng). Người dân Mỹ Khê lúc ấy đã tận dụng hai con khe (nội, ngoại tiểu khê) để sản xuất và sinh hoạt làm cho cồn cát Bạch sa lùi dần, nhường chỗ cho xóm làng và cây cối phát triển.

Sau khi thành lập làng, điều kiện kinh tế phát triển, dân số của làng ngày càng đông, nhân dân trong làng lúc bấy giờ cần có nơi hội họp, thờ cúng, chăm lo việc nghĩa nên đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức xây dựng đình làng Mỹ Khê. Đình làng Mỹ Khê ban đầu xây dựng gần bờ biển, bằng tranh tre. Đến năm Duy Tân thứ 6 (1913), đình Mỹ Khê được dịch chuyển về xây dựng tại trung tâm của làng (địa điểm hiện nay) bằng vật liệu chắc chắn hơn như xi măng, gạch, ngói và kiến trúc gồm có hậu tẩm, tiền đường. Đến năm 1948, 1954 và gần đây là 1995, đình Mỹ Khê có trùng tu, sửa chữa lại, nhưng vẫn không làm mất đi kiến trúc của đình.

Trong kháng chiến chống Pháp, đình Mỹ Khê còn là nơi tập trung nhân dân các làng (xã) chung quanh nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền, tiến hành nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình chống sự đàn áp của thực dân Pháp và bè lũ tay sai… Trải qua rất nhiều cuộc bể dâu, người dân làng Mỹ Khê vẫn gìn giữ được nguyên vẹn 16 sắc phong của vua ban dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân…

Những bản sắc phong ngoài giá trị về lịch sử, nó còn mang nặng đời sống tâm linh. Trong 16 bản sắc phong vua ban cho đình Mỹ Khê mà ông Xuân đang giữ, có sắc tặng vị thần Thiên Y A Na diễn phi chúa ngọc ngày 11 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7; Sắc phong vị thần Cao Các Quảng Độ tôn thần ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7; Sắc phong vị thần Thành Hoàng xã Mỹ Khê ngày 11 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7...

Ở tuổi ngoài 70, ông Xuân giữ gìn những bản sắc phong thật cẩn trọng. Vào những ngày mưa bão, cái gì trong nhà ướt ông cũng không sợ, chỉ sợ những báu vật của làng bị ướt. Ông bảo, ngoài giá trị lịch sử, báu vật này còn mang đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của làng xã. Mình tôn trọng, gìn giữ nó, cũng chính là tôn trọng, gìn giữ linh hồn của làng. Mai này, khi không còn sức, ông sẽ trao nó lại cho một người khác mà làng tin cậy. Đó cũng là cách để giữ “ngọn lửa truyền thống” cho con cháu mai sau.

Huỳnh Lê

Đọc thêm