Được biết, hòn đảo Hy Lạp này cùng sánh vai với Sardinia ở Ý, Nicoya ở Costa Rica, Okinawa ở Nhật và Loma Linda ở California, trở thành một trong năm khu vực dân cứ có tuổi thọ cao nhất trong Vùng Xanh (Blue Zone) của thế giới.
Sống và làm việc bằng niềm đam mê
Mái tóc bạc trắng mềm mượt như tơ, cặp kính gắn chặt trên sống mũi, ánh mắt tập trung cao độ và đôi bàn tay nhăn nheo, rám nắng lướt nhanh những sợi len màu xanh da trời trên khung dệt bằng gỗ một cách nhịp nhàng. Cụ bà Ioanna Proiou hiện đã 105 tuổi và làm nghề thuê dệt trong suốt 90 năm qua.
Với kỹ thuật dệt điêu luyện của mình, bà Proiou đã tạo ra những chiếc túi xách, quần áo… cho cửa hàng nhỏ ở Christos Raches, một ngôi làng với 300 cư dân trên đảo Ikaria của Hy Lạp, cách Athens 9 giờ đi phà qua biển Aegean. Mỗi khi cánh tay cụ chuyện động là chiếc khung dệt lại rung lên một chút, còn cụ Proiou nói rằng bà yêu thích công việc của mình hơn bất cứ thứ gì trên đời. “Hãy làm những công việc mình yêu thích bằng đam mê của mình. Khi chồng tôi mất cách đây hơn 20 năm, tôi chẳng tìm thấy ý nghĩa gì trong cuộc sống ngoài niềm đam mê với dệt. Có rất nhiều người muốn cầu hôn tôi nhưng tôi đều từ chối, tôi chỉ muốn kết hôn với khung dệt này suốt phần đời còn lại mà thôi”, bà Proiou chia sẻ.
Do vậy, theo những người lớn tuổi trong làng như cụ Proiou cho rằng, bí quyết sống lâu của người Ikaria là niềm đam mê với công việc và quan điểm sống tích cực, “Đừng bao giờ muốn nhiều hơn cần. Ghen tị với người khác chỉ đem lại căng thẳng và muộn phiền mà thôi”, cụ Proiou nói.
Những hình ảnh tươi đẹp của hòn đảo Ikaria |
Câu chuyện kỳ lạ
Ở Ikaria còn nổi tiếng với câu chuyện thần kỳ của cụ ông Moraitis trên 100 tuổi. Ông là người Hy Lạp nhập cư vào Mỹ và năm 1976 ông được bác sĩ chuẩn đoán mắc căn bệnh ung thư phổi. Hoảng loạn, cụ ông Moraitis lúc đó mới hơn 60 tuổi này đi khám lại tại 8 bác sĩ khác nhau và tất cả đều có chung nhận định như vị bác sĩ ban đầu. Cả 9 vị thầy thuốc đều cho rằng ông chỉ còn sống được nhiều nhất là 9 tháng nữa.
Tuyệt vọng cùng với việc chi phí tang lễ quá cao ở Mỹ nên ông đã quyết định từ chối hóa trị liệu và thuốc của bác sĩ và quay trở lại đảo Ikaria để sống nốt phần đời còn lại của mình.
Ông Moraitis dồn hết tâm trí của mình vào việc chăm chút cho khu vườn mà cha mẹ ông để lại. Và thật kinh ngạc khi 6 tháng sau ông vẫn chưa chết, thậm chí còn cảm thấy cơ thể khỏe mạnh hơn. Phấn khởi, ông Moraitis bắt tay vào việc dọn dẹp vườn nho và bắt đầu thói quen ngủ một giấc thật dài rồi thức dậy, ra vườn làm việc cho tới trưa. Sau bữa trưa, ông lại đánh một giấc ngủ dài cho đến chiều tối mới tỉnh dậy, dạo bước tới một quán đầu làng chơi domino và nhảy múa, ca hát, trò chuyện với hàng xóm và dân làng cho tới nửa đêm.
Cứ thế, từ lúc được bác sĩ dự đoán căn bệnh quái ác cho đến tận 40 năm sau vào năm 2013 ông mới qua đời, nhưng ra đi theo quy luật của tạo hóa chứ không phải vì ung thư phổi.
Câu chuyện của ông Moraitis sau đó được nhà báo Dan Buettner của tờ The New York Times kể lại đã gây chấn động cả giới y học. Nhưng vị nhà báo này cho biết, ông Moraitis chỉ là một trường hợp bình thường trên đảo Ikaria. Sau đó một cuộc điều tra đối với những cư dân trên đảo sinh trong khoảng thời gian từ năm 1900 tới năm 1920 được tiến hành. Cuối cùng, người ta đưa ra kết luận rằng, tỷ lệ cư dân Ikaria sống tới 90 tuổi cao gấp 2,5 lần người Mỹ và số năm sống thêm sau tuổi 90 của họ cũng cao hơn, từ 8 tới 10 năm.
Cụ bà Ionna Proiou, 105 tuổi bên khung dệt vải của mình |
Ở khu vực quảng trường chính của làng Christos Raches lúc nào cũng yên bình và là địa điểm mà người dân trong làng thường xuyên cùng nhau nhấm nháp cà phê dưới bóng bát của tán cây và nói chuyện rôm rả bên ngoài những ngôi nhà bằng đất nung.
Ở đây, các cửa hàng, tạp hóa đóng mở cửa không theo một lịch trình nào cả. Thậm chí nhiều nơi hoạt động theo kiểu danh dự và sự tự giác: khách hàng tự lấy đồ và để tiền trên quầy trước khi rời đi. Đây có thể nói là điều hiếm có, nhưng lại là điều phổ biến ở hòn đảo Ikaria này.
Các chuyên gia thường nói rằng chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống tích cực chính là chìa khóa để có một cuộc sống lâu dài. Ngoài ra, các chuyên gia y tế và các nhà nhân chủng học của dự án Vùng Xanh cũng đã ghi nhận tầm quan trọng về sự gắn kết yêu thương trong gia đình và sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau trong một cộng đồng. Do vậy, mỗi người Ikaria luôn cố gắng giữ gìn mối quan hệ gần gũi của mình với gia đình và hàng xóm.
Tinh thần cộng đồng ở đây rất cao, các hàng quán ở Ikaria về đêm luôn nhộn nhịp tiếng nhạc và điệu nhảy. Họ dọn dẹp bàn ghế và phòng ăn biến nó thành sàn nhảy, người ta tay nắm tay giao hòa trong điệu nhạc truyền thống của làng. Những người dân ở đây cho biết, họ biết thế nào là đủ nên tinh thần luôn cảm thấy thoải mái. Họ có thể không có tiền để mua sắm các vật dụng đắt tiền, xa xỉ nhưng đủ để mua thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày. Quan trọng hơn, họ có nguồn vui tinh thần là một gia đình ấm cúng và bạn bè thân ái.
Cụ ông Moraitis được chuẩn đoán ung thư nhưng vẫn sống đến hơn 100 tuổi |
Chế độ ăn uống lành mạnh
Một bác sĩ đã nghỉ hưu Christodoulos Xenakis cũng đưa ra một giả thuyết khác về cách mà người Ikaria tránh xa những âu lo vô nghĩa trong cuộc sống, đó là bước đi của họ, chậm chạp, khoan thai, không vội vàng nhưng vẫn đủ thời gian để quan sát và tận hưởng mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống. Ngoài ra, “Ở đây không ai lên lịch hẹn để gặp nhau. Thời gian là một phần quan trọng trong cuộc sống trên hòn đảo này, nhưng chúng tôi không quá coi trọng. Sáng, trưa, chiều hay tối đều như nhau cả”. Điều này có nghĩa là mọi người thường không mấy quan tâm quá nhiều đến chuyện của người khác và chuyện thời gian trôi qua như thế nào, họ chỉ tập trung làm công việc yêu thích của mình mỗi ngày.
Chế độ ăn của người dân Ikaria khá đặc trưng. Cụ thể, rất nhiều người già cao niên trên đảo chia sẻ rằng, khi còn nhỏ cuộc sống của họ nghèo đói, thiếu thốn và cô lập, do vậy họ ăn rất ít. Đơn giản là bởi lúc đó trên đảo không có nhiều thức ăn, thịt rất hiếm đôi khi chỉ xuất hiện 2 - 3 lần trong 1 năm vào những ngày lễ lớn.
Đối với những người khá giả nuôi được nhiều động vật (chủ yếu là gà) thì họ có thể ăn thịt được nhiều lần hơn trong 1 tháng. Nếu đánh bắt được, họ ăn thêm cá. Những người đến nay được 100 tuổi đều nói rằng, họ chủ yếu ăn những thứ tìm được trong tự nhiên, từ ốc, nấm đến rau dại cũng như những thực phẩm trồng được trong vườn nhà như cải bắp, khoai tây, đậu. Đặc biệt, người dân nơi đây cho rằng thói quen ăn uống giúp họ sống lâu hơn chính là việc thường xuyên ăn các chất dầu oliu và rau, ít chất sữa (trừ sữa dê) và thịt, một chút rượu nho.
Ngoài ra, những người già ở đây còn đi hái các loại cây như mùi tây, bạc hà và hoa cúc để phơi khô làm trà uống hàng ngày. Mật ong cũng được coi như là thuốc chữa bách bệnh. Họ sử dụng nó để chữa lành vết thương hoặc uống khi bị cảm cúm. Những người già ở đây sẽ bắt đầu ngày mới với một muỗng mật ong. Họ coi nó như một thứ thuốc bổ không thể thiếu mỗi ngày.
Họ có những giấc ngủ trưa ngắn, đủ để giúp cơ thể được nghỉ ngơi và có thêm năng lượng hoạt động. Người dân Ikaria ít hút thuốc, uống rượu nhưng nếu uống thì nhất định phải uống với gia đình và bạn bè để tinh thần sảng khoái. Ngoài ra, thời tiết mát mẻ, không khí trong lành, nhiều cây xanh được cho là những yếu tố góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân Ikaria. Tuy nhiên không vì thế mà họ lơ là với chế độ ăn hay luyện tập, cứ 10 người trên 90 tuổi lại có 6 người vẫn lao động nhẹ hoặc thường xuyên tập luyện thể thao.
Có thể nói, nếu cần miêu tả về một nơi đáng sống giúp con người hạnh phúc và có tuổi thọ cao thì Ikaria là một ví dụ điển hình và tiêu biểu nhất.