Người kinh doanh hồi hộp một mùa Tết an lành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã trải qua hơn 2 năm dịch bệnh hoành hành, Tết năm nay, nhiều người kinh doanh dù vẫn chưa thể quay trở lại như xưa, nhưng vẫn có sự đầu tư kinh doanh Tết, kì vọng vào một mùa Tết khởi sắc, ấm no hơn.
Nhiều quán ăn, quán cafe quyết định bán xuyên Tết để tăng doanh thu, bù đắp thời gian thất thu vì dịch bệnh.
Nhiều quán ăn, quán cafe quyết định bán xuyên Tết để tăng doanh thu, bù đắp thời gian thất thu vì dịch bệnh.

Người bán hàng online xôn xao bán Tết

Năm nay, chị Nguyễn Lê Hồng Vân, ngụ phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM cân nhắc mãi, cuối cùng vẫn nhập về 500kg bánh mứt để bán Tết, tương đương số lượng của năm ngoái. Chị Vân cho biết, chị bắt đầu công việc buôn bán hàng thực phẩm, bánh mứt online được 4 năm nay, từ khi nghỉ việc do sinh con, phải ở nhà chăm sóc con. Hai năm đầu, tức Tết năm 2019, 2020 khá khởi sắc, lợi nhuận tốt. Có năm chị bán được hàng tấn mứt Tết cho khách hàng online.

Tuy nhiên, năm ngoái, con số này giảm đi 1/2. Năm nay, ban đầu chị định nhập về số lượng thấp để bán “cầm chừng” vì thấy tình hình không được khả quan. Nhưng suy đi nghĩ lại, chị vẫn nhập về con số như năm ngoái và cho biết sẽ cố gắng thông qua nhiều kênh để bán cho hết được số hàng nhập về.

“Cả năm buôn bán ế ẩm, nếu dịp Tết mà không tận dụng được nữa thì thật uổng phí, tôi quyết định “liều” một phen xem sao. Hy vọng năm nay là bước đệm để có một năm mới “bứt phá”.

Thời điểm này, nhà chị Xuân, tức cơ sở bánh mứt Lê Xuân tại Tân Bình, TP HCM đang khá bận rộn cho quá trình đóng gói hàng hóa. Nhà chị chuyên nhập bánh, mứt, đặc sản từ các địa phương, vùng miền, về đóng gói và phân phối cho một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố. Chị Xuân cho biết, những năm gần đây, số khách hàng nhập hàng về bán trực tiếp giảm đi và số người lấy hàng về kinh doanh online tăng lên đáng kể. Có năm, lượng hàng bán cho người kinh doanh online lên đến trên 50%.

Chị Xuân cũng cho biết, hiện nhiều người bán hàng online rất nhanh nhạy, sáng tạo trong đóng gói, mẫu mã, linh hoạt trong cách thức tiếp cận khách hàng. Cạnh đó, lực lượng kinh doanh online cũng là những người cập nhật các trào lưu ẩm thực rất nhanh, thậm chí “đặt hàng” mẫu mã, loại hình thực phẩm mới lạ cho nhà phân phối và nhà sản xuất, để cho ra đời những sản phẩm mới lạ, ngon miệng.

Không chỉ trong ngành bánh mứt, kẹo, quà tặng thực phẩm, những người kinh doanh online trong ngành hàng tiêu dùng nói chung cũng đang tất bật cho ngày Tết. Chị Ngô Thị Thùy Nhi, đại diện thương hiệu trang sức Lumor tại TP HCM chia sẻ, từ thời điểm đầu tháng 12, tức tháng lễ hội cho đến nay, tình hình kinh doanh trang sức online đã khởi sắc, với số lượng đặt hàng tăng đến 70-100% so với các thời điểm trong năm qua.

Chị Nhi chia sẻ, trước kia, chị và người sáng lập thương hiệu xem kinh doanh online như một “bản nháp” để tiến đến việc mở cửa hàng trang sức với mặt bằng tại khu trung tâm thành phố. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện thì dịch bệnh ập đến. Họ tiếp tục triển khai mạnh mảng online và cho biết đó là một quyết định rất đúng đắn ở thời điểm này.

“Hiện tôi đã làm việc với nhà sản xuất để đặt hàng những mẫu mã mới cho dịp Tết này để cung ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng. Ban đầu, tôi nghĩ rằng thời điểm dịch bệnh, các nhu cầu về xa xỉ phẩm sẽ không được quan tâm đến nhưng hóa ra, nhu cầu về mặt hàng trang sức cũng vẫn khá cao. Có khách hàng tâm sự, vì thời gian giãn cách kéo dài, ở nhà quá lâu nên muốn tận dụng thời điểm Tết để “diện”, nhằm tự vực dậy tinh thần, làm vui bản thân”, chị Nhi chia sẻ.

Cạnh đó, một số ngành hàng như trang trí nhà cửa, kinh doanh quần áo, thời trang, phụ kiện làm bánh... cũng đang khởi sắc. Trên mạng, nhiều người bán đã chạy các chương trình bán Tết đến người tiêu dùng. Trong đó có các chương trình khuyến mãi, giảm giá, combo quà tặng...

Các sàn thương mại điện tử cũng ráo riết chuẩn bị để “không đứng ngoài cuộc” với những chương trình săn sale Tết hấp dẫn được quảng bá rầm rộ.

“Đổi” ăn Tết lấy doanh thu

Đây là năm đầu tiên, anh Nguyễn Đình Huân, chủ một quán cafe nhỏ xinh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM không về quê ở Bình Định ăn Tết. Năm ngoái, quán cafe cũng thất thu do dịch bệnh, đến Tết không được hoạt động nên anh phải nghỉ bán. Nhưng năm nay, cảm thấy tình hình buôn bán đang khởi sắc trở lại, anh Huân quyết định bán xuyên Tết.

Mặt bằng thuê 3 năm nay với giá 20 triệu đồng/tháng. Nhưng trong 2 năm qua, có đến tổng cộng hơn 6 tháng quán cafe phải đóng cửa hoàn toàn hoặc bán online. Dự tính “thu hồi vốn đầu tư trong 1 năm” của anh vẫn chưa thực hiện được. Thế nên anh Huân cho biết, anh sẽ không ăn Tết, mở bán tất cả các ngày để phục vụ nhu cầu đến quán cafe của người dân, đồng thời hy vọng sẽ tích lũy thêm một khoản nho nhỏ để bù đắp những thất thu trong khoảng thời gian dịch bệnh đã qua.

Tương tự, chị Lê Bình An, chủ quán bún bò ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh cho biết, Tết năm nay chị sẽ không nghỉ ngày nào như mọi năm mà bán xuyên suốt các ngày Tết. “Thông thường, người dân TP sẽ có nhu cầu ăn ngoài hàng quán nhiều vào dịp Tết chứ không chỉ tổ chức ăn uống trong gia đình như người dân các vùng quê, các tỉnh. Chính vì thế, người nào mở hàng bán xuyên suốt Tết là chắc chắn khả năng đông khách rất cao.

Biết là vậy, những năm qua tôi cũng đến mùng 2, mùng 3 mới mở cửa bán lại vì mình cũng có nhu cầu sum họp gia đình, đi chùa chiền, thăm thú. Nhưng năm nay thời gian nghỉ giãn cách dài quá, buôn bán không được nên kinh tế gia đình eo hẹp. Giờ mình quyết định mở xuyên Tết, trông chờ cái Tết đông khách để cả nhà dư dả một chút, dù phải “hy sinh” chuyện ăn Tết cũng được”.

Có không ít tiểu thương, chủ nhà hàng, cửa hàng, quán cafe... cũng đưa ra quyết định “bán xuyêt Tết”, những muốn tận dụng dịp Tết để việc kinh doanh buôn bán khởi sắc hơn, bù đắp nhiều thiệt thòi sau thời gian dịch bệnh kéo dài.

Năm nay, nhiều người kinh doanh chia sẻ, việc tìm kiếm nhân lực hỗ trợ cho dịp Tết vẫn là một “vấn đề” không nhỏ. Nhiều người lao động, sinh viên quyết định ở lại thành phố để làm thêm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, thời gian qua, thành phố cũng đã chứng kiến một lượng không nhỏ người lao động bỏ về quê sinh sống, gây ra một số thiếu hụt về nhân lực.

Anh Lê Nam, chủ một quán cafe sân vườn đường Phan Đăng Lưu cho biết, anh đang đăng thông tin tuyển dụng lên các hội, nhóm tìm người trên mạng xã hội với mức lương cao hơn thị trường một chút, cùng với một số ưu đãi, hy vọng sẽ tìm được một số bạn trẻ năng động có thể gắn bó làm việc với anh trong dịp Tết này. Quán cafe của anh Nam có sức chứa 70 khách, tình hình dịch bệnh khiến công suất tiếp khách chỉ được 1/2, nhưng anh Nam cho biết, nếu thời điểm Tết ngày nào cũng gần đầy số khách được đón thì cũng đủ cho anh trang trải rất nhiều thứ.

Cạnh đó, không ít người kinh doanh cũng đang khá “hồi hộp”, cầu mong tình hình dịch bệnh ổn định, được kiểm soát trong thời gian tới. Bởi nhiều người cũng đã “bung” đồng vốn để nhập hàng buôn bán, đầu tư trang trí cửa hàng, tuyển dụng và huấn luyện nhân lực cho cái Tết này. Nếu tình hình yên ổn, việc kinh doanh khởi sắc, họ có thêm được vốn liếng và động lực để tiếp tục con đường kinh doanh của mình. Còn nếu rủi ro... có lẽ, thời gian tới, thành phố sẽ phải chứng kiến tiếp cuộc “sang tên đổi chủ” của nhiều thương hiệu kinh doanh lớn nhỏ.

Dầu gì đi nữa, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, mỗi người vẫn phải đặt niềm tin và hy vọng vào tương lai. Những ngày này, cả người kinh doanh online, các chủ cửa hàng, người lao động, nhà cung ứng... đang trong trạng thái bận rộn, phấn khởi chuẩn bị cho mùa Tết. Chỉ mong rằng, mọi sự chuẩn bị của họ sẽ được đền đáp. Mong rằng, đây là một mùa Tết khởi sắc, no ấm cho tất cả mọi người, phần nào bù đắp được những mất mát, tổn thất đã phải chịu đựng trong cả quá trình dịch bệnh vừa qua.

Đọc thêm