Sáng 7/9, tại Cần Thơ diễn ra buổi Tọa đàm Nhà báo và Mạng xã hội do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, bên cạnh mặt tích cực thì mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, đặc biệt những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị, định hướng người đọc.
Thực tế, thời gian qua, trên mạng xã hội đã tồn tại vô vàn những thông tin không được kiểm soát, được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng trong đó có các Nhà báo. Tại điều 5, trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam có nêu rõ: “Người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện thông tin khác”.
Theo ông Bé, sau hơn một năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế; có những vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp cho hội viên - Nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của Hội viên - Nhà báo khi tham gia mạng xã hội, đồng thời giúp Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn.
Ở góc độ địa phương, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng: Cần Thơ tập trung nhiều văn phòng, cơ quan đại diện của các cơ quan báo chí; Vì vậy, qua tọa đàm mong muốn tìm ra tiêu chí, giải pháp về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trên tinh thần phục vụ chung, có tác động hiệu quả.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ, góp ý cụ thể hóa những tiêu chí chuẩn mực và trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Điều này giúp những người làm báo có nhận thức đúng đắn, góp phần định hướng dư luận xã hội, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam.