Người làm công tác Thi hành án dân sự xứ Thanh trải lòng

Ngoài việc vận dụng kiến thức pháp luật, chấp hành theo bản án, người làm công tác THADS còn phải có lòng kiên nhẫn, linh hoạt trong đối nhân xử thế để xử  lý tình huống cho phù hợp, thấu tình đạt lý, đem lại hiệu quả trong công việc góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Ngoài việc vận dụng kiến thức pháp luật, chấp hành theo bản án, người làm công tác THADS còn phải có lòng kiên nhẫn, linh hoạt trong đối nhân xử thế để xử  lý tình huống cho phù hợp, thấu tình đạt lý, đem lại hiệu quả trong công việc góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Một buổi thi hành án
Một buổi thi hành án

Nỗi niềm “Làm tốt cũng bị kiện, không làm càng bị kiện”

Thi hành án dân sự (THADS) là một công việc vất vả, khó khăn phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thi hành án được thực hiện khi bản án, quyết định của  tòa... có hiệu lực pháp luật, có nhiều vụ việc động chạm tới quyền lợi, tài sản của tổ chức, công dân… Bởi vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc vận dụng kiến thức pháp luật, chấp hành theo bản án, người làm công tác THADS còn phải có lòng kiên nhẫn, linh hoạt trong đối nhân xử thế để xử  lý tình huống cho phù hợp, thấu tình đạt lý, đem lại hiệu quả trong công việc góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Mới đây, Chi cục THADS huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) chuẩn bị cưỡng chế thực hiện một bản án đã có hiệu lực pháp luật thì nhận được công văn dừng cưỡng chế của VKSNDTC vì bản án có những tình tiết cần phải xét xử lại. Sự việc trên là hoàn toàn bình thường và đúng luật dưới góc độ luật pháp, thế nhưng những cán bộ THA lại là người phải “giơ đầu chịu báng” khi người được THA không hiểu vấn đề nên đến tận cơ quan THA to tiếng, đòi hỏi. Dù đã giải thích hết sức tường tận và đầy đủ bằng văn bản giấy tờ nhưng các cán bộ THA không hề được thông cảm, trái lại còn bị gán ghép ám chỉ rằng cán bộ THA “đã được gì rồi” nên mới không thi hành.

Để chuẩn bị được một lần THA bằng biện pháp cưỡng chế thật gian nan vô cùng. Họp bàn lên xuống không biết bao nhiêu lần với các cơ quan ban ngành phối hợp, chuẩn bị mọi thủ tục, lực lượng tham gia đến từng chi tiết, đề phòng mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thế nhưng, khi đến nơi thi hành, lực lượng triển khai đâu vào đó, chuẩn bị đọc quyết định THA thì bất ngờ đương sự đưa ra Quyết định hoãn thi hành án của VKSNDTC. Thế là cả tổ công tác lại phải thu hồi, dọn dẹp công cụ lục tục kéo về. Sự việc trên đã xảy ra trong một lần thi hành cưỡng chế trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa.

Trao đổi với PLVN, ông Đào Anh Tuấn - Cục trưởng Cục THADS Thanh Hóa - cho biết: “Mình không tích cực thi hành thì người được thi hành cũng khiếu kiện, thắc mắc. Nhưng khi anh em tiến hành công việc thì có thể đối tượng phải thi hành cũng kiện cáo khắp nơi, thậm chí đặt điều vu khống, vì vậy cơ quan THA nhiều lúc ở trong tình trạng bên o, bên ép”.

Tìm hiểu sâu công tác và chức năng, nhiệm vụ của THADS mới thấy hết được những gian nan và áp lực từ công việc đưa đến: Bị dọa, bị chửi, bị giằng xé, hành hung... là những tình huống không hiếm gặp đối với cán bộ THA mỗi khi làm nhiệm vụ. Ngày 1/08/2013, Chi cục THADS Thành phố Thanh Hóa về xã Đông Cương để phối hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết vụ việc.

Trong lúc chấp hành viên đang vận động, giải thích, thuyết phục tại gia đình Lê Văn Tùng thì người này chửi bới tổ công tác, đồng thời manh động cầm dao rượt chém cán bộ Phạm Văn Tú và Lê Khang Minh đều là chấp hành viên Chi cục THADS Thành phố Thanh Hóa. Rất may lúc đó có lực lượng hỗ trợ an ninh tham gia cùng nên đã nhanh chóng khống chế được đối tượng, đảm bảo an toàn cho tổ công tác.

Một trong những rủi ro khó lường của công tác THADS đó là, có những bản án tòa đã xử và được cơ quan THA thi hành xong xuôi. Nhưng sau đó, bản án được đương sự kiến nghị và được tòa xét xử lại, kết quả lại không giống so với bản án đã tuyên. Lúc này, những tài sản đã được thi hành sẽ phải trao trả hoặc bồi thường trở lại cho đương sự. Dù là đơn vị chỉ có nhiệm vụ thi hành bản án đã tuyên của tòa án nhưng cơ quan THADS vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới trong những tình huống trên.

Ông Đào Anh Tuấn - Cục trưởng Cục THADS Thanh Hóa
Ông Đào Anh Tuấn - Cục trưởng Cục THADS Thanh Hóa.

Phải thi hành bản án bằng cả tấm lòng

Nếu cứ nhất nhất dùng biện pháp mạnh và áp dụng phải cưỡng chế thì chắc chắn những năm qua THADS Thanh Hóa không thể đạt được những kết quả đáng khích lệ như lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại buổi làm việc với Cục THADS trong chuyến công tác vừa qua.

Trải lòng với PLVN, ông Lê Đình Chinh - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa - cho biết: “Anh em đi làm luôn phải mềm mỏng, cầu thị với nhân dân. Yếu tố hòa giải và vận động luôn được áp dụng trong suốt quá trình thi thành bản án, có những trường hợp anh em thấy người bị THA khó khăn quá nên cũng chia sẻ chút ít vật chất của mình. Vẫn biết là luôn phải tuân thủ và chấp hành pháp luật, nhưng khi gần dân, trực tiếp công việc với dân mới thấy hết được những tình cảnh éo le của cuộc sống”.

“Thực tế cho thấy, đơn vị cơ sở nào giành được nhiều thiện cảm của người dân bám sát cơ sở, phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể, được sự quan tâm kịp thời của cấp ủy chính quyền địa phương, làm tốt công tác vận động, giáo dục thuyết phục thì tỷ lệ THA đạt cao và ít khi phải áp dụng biện pháp cưỡng chế” - Cục trưởng Đào Anh Tuấn khẳng định với PLVN về hiệu quả trong công tác THA.

Điển hình như một số Chi cục THADS huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Hà Trung, Nga Sơn... trong suốt 3 năm qua, trong tổng số bản án phải thi hành thì số lượng án phải tiến hành bằng biện pháp cưỡng chế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những bản án còn lại đều được cán bộ THA vận động, tuyên truyền thấu tình đạt lý để người phải thi hành án tự nguyện thi hành. Để có được kết quả đó là sự đồng lòng nhất trí cao, làm việc hết mình bằng cả trách nhiệm và tấm lòng của toàn thể cán bộ trong chi cục, gần người dân và hiểu người dân.

Đức Thọ 

Đọc thêm