Người lưu giữ những khoảnh khắc sinh tử ở phòng phẫu thuật Bệnh viện Bạch Mai

Hơn 7 năm làm việc Bệnh viện Bạch Mai, chị Hồng không chỉ phụ trách công tác kế hoạch tổng hợp, mà còn là người ghi lại các ca phẫu thuật đáng nhớ của các y bác sĩ.

7h30, chị Nguyễn Thị Phương Hồng (37 tuổi), chuyên viên Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai có mặt tại nơi làm việc, tay xách máy ảnh cùng nhiều phụ kiện cho ca chụp phẫu thuật.

Theo lịch, trưa nay chị Hồng có buổi chụp ca mổ tại Viện tim mạch. Từ tối qua tất cả đồ dùng được chị chuẩn bị, sạc đầy pin.

"Trước mỗi lần chụp, Tôi đều chuẩn bị đồ thật cần thận, không để xảy ra sai sót, thiếu máy móc hay hết pin giữa chừng. Vì mỗi ca mổ họ chỉ thực hiện một lần, không ai đợi mình đi nạp pin, hay đưa bệnh nhân ra mổ lại lần nữa để chụp cả", chị Hồng nói.

Người lưu giữ những khoảnh khắc sinh tử ở phòng phẫu thuật Bệnh viện Bạch Mai ảnh 1

Chị Hồng tác nghiệp trong phòng phẫu thuật. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Đồng hồ điểm 12h chị có mặt trước cửa phòng phẫu thuật, khử trùng toàn bộ đồ dùng để đảm bảo vô khuẩn. Không bỡ ngỡ như lần đầu, chị Hồng khẩn trương làm việc, không làm phiền các đồng nghiệp.

5 năm chụp ảnh phòng mổ, người phụ nữ hiểu từng vị trí, góc chụp để có những bước ảnh đẹp mà vẫn đảm bảo không quá nhạy cảm, làm lộ thông tin của bệnh nhân, hay vướng tay bác sĩ cầm dao.

Bác sĩ đặt dao mổ, phần ngực của bệnh nhân được mở ra, ca phẫu thuật tim bắt đầu. Không một động tác thừa chị Hồng chụp lại từng khoảng khắc quan trọng, tiếng dao mổ, tiếng kéo lạch cạch, cùng tiếng tách liên tục của máy ảnh. 4h đồng hồ trôi qua, ca mổ hoàn thành cũng là lúc nữ nhiếp ảnh dừng lại công việc.

Chị Hồng tốt nghiệp thạc sĩ Luật, vào làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2017 - phụ trách công việc tại phòng kế hoạch tổng hợp. Tuy nhiên, người phụ nữ 37 tuổi có niềm yêu thích đặc biệt với nhiếp ảnh.

Chị bắt đầu việc chụp ảnh từ năm 2011, lúc đầu chỉ là những bước ảnh đời thường, để thoả mãn đam mê được chụp hình. Lâu dần tay nghề được nâng cao, nhiều người công nhận, chị cũng có những thành quả đáng kể với đam mê chụp ảnh khi liên tục nhận các giải thưởng nhiếp ảnh trong, ngoài nước.

Chị Hồng bắt đầu chụp ảnh phẫu thuật từ năm 2012. (Ảnh: NVCC)

Chị Hồng bắt đầu chụp ảnh phẫu thuật từ năm 2012. (Ảnh: NVCC)

Là nhân viên trong Bệnh viện Bạch Mai, hàng ngày công việc của chị gắn liền với các y bác sĩ. Bạn của chị hơn phân nửa là bác sĩ phẫu thuật tại các bệnh viện. Thi thoảng chị vẫn chụp ảnh cho đồng nghiệp, nhưng chỉ là những bước ảnh đời thường.

Có lần vì tò mò, chị xin phép đồng nghiệp cho vào phòng mổ để xem mọi người làm việc. Người phụ nữ ấn tượng với hình ảnh các bác sĩ căng mình, trán đầy mồ hôi, tập trung cao độ để cứu các bệnh nhân. Trong đầu chị suy nghĩ đến việc lưu lại những hình ảnh này, nên đề nghị được ghi lại cảnh phẫu thuật, để mỗi người bệnh biết được bác sĩ Ngoại khoa vất vả thế nào khi giành giật sự sống cho họ.

Được sự đồng ý, nữ nhiếp ảnh 37 tuổi bắt đầu hành trình lưu giữ lại những ca mổ trong viện. Từ khoa chấn thương cột sống, phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật tiết niệu, phẫu thuật thần kinh… mỗi ca mổ các bác sĩ dần quen với sự hiện diện của chị.

Người phụ nữ nhớ lần đầu tiên chị chụp ảnh Ngoại khoa là ca phẫu thuật tim mạch của bác sĩ Dương Đức Hùng - hiện là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.

Ca mổ diễn ra trong 5h, các bác sĩ đứng liên tục, mồ hôi túa ra như tắm, căng sức, cân não giành giật sự sống cho bệnh nhân đang trên lằn ranh mỏng manh sống - chết. Lần đầu tiên trong đời chị chứng kiến tận mắt một quả tim đập rộn ràng trong lồng ngực.

Người lưu giữ những khoảnh khắc sinh tử ở phòng phẫu thuật Bệnh viện Bạch Mai ảnh 3

Ca phẫu thuật tim của bác sĩ Dương Đức Hùng thực hiện được chị Hồng ghi lại. (Ảnh: NVCC)

“Tất cả đều thật mới mẻ với tôi, trái với những lúc vui đùa, khi làm việc họ thật sự tập trung 100% sức lực”, chị Hồng nói.

Chị Hồng tâm sự, trong các thể loại ảnh y tế, ảnh chụp phẫu thuật thuộc vào loại khó bởi môi trường môi trường tác nghiệp được thực hiện tại phòng mổ - là nơi các yêu cầu về vô khuẩn rất khắt khe, khó tiếp cận do những quy định về chuyên môn, bản thân các bác sĩ cũng không muốn có người ảnh hưởng quá trình họ làm việc.

Người chụp ảnh không được đứng gần, chỉ đứng xa để quan sát, đôi khi lấy focus điểm ảnh, căn góc đẹp thì phẫu thuật viên lại vô tình che mất điểm chụp.

Ảnh y tế đòi hỏi sự chân thực, nắm bắt các khoảnh khắc nhanh, chính xác, đặc biệt là người chụp ảnh nên có kiến thức nhất định về y học. Để mỗi tấm hình ra đời không những đáp ứng được yêu cầu nghệ thuật mà còn phản ánh đúng về chuyên môn.

Với chị Hồng, mỗi bức ảnh trong phòng mổ là một câu chuyện, có vui như sự vỡ òa của bà mẹ sinh ba thành công, ánh mắt sáng ngời của chàng thanh niên vượt qua ca phẫu thuật tim "thập tử nhất sinh" hay nụ cười tự tin của cậu bé trút bỏ được khối u khổng lồ trên thành ngực. Nhưng cũng có những câu chuyện buồn khi cả ê kip đã chiến đấu hết mình nhưng không cứu sống được người bệnh.

“Trong nhiếp ảnh không có mấy nữ chụp ảnh phẫu thuật, tôi thực sự thấy bản thân may mắn khi được đồng hành với các y bác sĩ trong công việc ý nghĩa này”, chị Hồng bộc bạch.

Người lưu giữ những khoảnh khắc sinh tử ở phòng phẫu thuật Bệnh viện Bạch Mai ảnh 4

Chị Hồng dự định tổ chức triển lãm ảnh Ngoại khoa do chính tay mình chụp. (Ảnh: NVCC)

Trước mỗi ca mổ để có thể cho ra những tấm hình đẹp, chị Hồng chủ động xin lịch, xem ca đó phẫu thuật gì để chuẩn bị máy sạch sẽ, pin đầy, thẻ nhớ và phụ kiện nếu cần phải mang thêm, như chân máy, ống góc rộng, goc hẹp.

Sắp tới đây chị Hồng thực hiện một không gian triển lãm về ảnh Ngoại khoa, với mong muốn mọi người biết nhiều hơn tới những con người thầm lặng vốn quen với ánh đèn phòng mổ hơn là xuất hiện ngoài đời thực ở Bệnh viện Bạch Mai. Chị hy vọng mọi người có cái nhìn chân thực, đồng cảm, chia sẻ và thương yêu những khó khăn thầm lặng tới các anh chị em bác sĩ, điều dưỡng Ngoại khoa.