Trong lĩnh vực thời trang, hình ảnh người mẫu đại diện cho bộ sưu tập hay một thương hiệu luôn được xem là một trong các yếu tố quan trọng nhất. Bởi vì đó là cách để công chúng biết đến sản phẩm hay Bộ sưu tập (BST) của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chính người mẫu đã giết chết thương hiệu mà mình đại diện.Tăng giá trị cho thương hiệu Nhà thiết kế Sỹ Hoàng thừa nhận hình ảnh người mẫu chiếm đến 40% cho sự thành công cho một mẫu thiết kế, còn với các thương hiệu thì người mẫu là “bộ mặt” của sản phẩm. Bởi, mỗi một thương hiệu hay BST đều có kiểu dáng, tính chất và thông điệp khác nhau nên không phải người mẫu cứ dáng đẹp là sẽ lột tả được thần thái của nó. Một người mẫu có cốt cách thích hợp góp phần rất lớn tạo nên sức hấp dẫn cho sản phẩm. Đương nhiên, điều đó kéo theo kết quả các sản phẩm đó được tiêu thụ nhiều hay ít. Ngược lại về phía người mẫu, việc được chọn làm hình ảnh đại diện cho một nhãn hàng hay BST nào đó cũng được xem là một lợi ích “kép”. Thứ nhất, người mãu sẽ được trả tiền cát- sê. Thứ hai, hình ảnh sẽ càng được quảng bá rộng rãi và điều đó góp phần tạo nên sự thuận lợi cho con đường sự nghiệp. Ngoài ra, một người mẫu được chọn làm hình ảnh đại diện là dấu hiệu cho một sự tín nhiệm cho nhân cách đẹp. Vì rằng, nhiều nhà thiết kế tên tuổi, những nhãn hiệu lớn luôn đặt yếu tố đạo đức của người mẫu lên hàng đầu.
|
Hoa hậu Thùy Dung, một trong những người mẫu được sự tín nhiệm của nhà thiết kế Minh Hạnh. |
Nhà thiết kế Minh Hạnh tâm sự: “Trước khi chọn một người mẫu đại diện cho tác phẩm của mình, tôi tìm hiểu kỹ nhân thân và tư cách của người mẫu trong cuộc sống đời thường. Bên cạnh đó, tôi nhất định không chấm những người mẫu từng tham dự các show thời trang tai tiếng. Đó là cách an toàn nhất để tránh rắc rối mà quan trọng là hình ảnh đẹp của bộ sưu tập được đảm bảo. Điều đó giải thích vì sao người mẫu thì nhiều mà người mẫu được chọn làm hình ảnh đại diện rất ít”.…Nhưng cũng có thể “giết” thương hiệu Nghề người mẫu vốn nhiều thị phi mà một trong những tai tiếng được nhất là tình trạng đại gia và chân dài. Sự thật không phải người mẫu nào cũng dính “phốt” nhưng mọi việc luôn có lửa mới có khói. Theo nhiều người trong nghề, trong danh sách của nhà chức trách, có không ít cái tên người mẫu được liệt vào diện “không được trong sạch lắm”. Thực tế, những nhà thiết kế lâu năm kinh nghiệm luôn được thông tin cụ thể người mẫu nào cần phải được “lưu ý’ để tránh tai tiếng. Dù vậy, không ít nhà thiết kế phải chới với vì thiếu thông tin về người mẫu mà mình chọn lựa. Nhà thiết kế R. kể: một lần chị hẹn một đối tác cho việc phát triển kinh doanh thời trang. Trước đó, hai bên đã trao đổi kỹ người mẫu nào sẽ là hình ảnh đại diện cho chiến lược kinh doanh ấy. Khi đến nơi, chị đã “chết đứng” khi thấy “đại diện” của mình đang “tình thương mến thương” với vị đại gia kia. Trong khi đó, hợp đồng cam kết nhân thân của người mẫu phải tuyệt đối sạch. Đối với khách hàng cao cấp, tư cách đạo đức của người mẫu cũng mang tính quyết định. Nhà thiết kế K. kể, nhiều lần anh chứng kiến các quý bà từ chối mua một mẫu mới dù nó rất đẹp và sang trọng. Lý do là các vị khách này không thể hạ thấp giá trị của mình để khoác một bộ trang phục do một người mẫu bị tai tiếng làm đại diện. Hay không có ít thương hiệu phải đổi ngay người mẫu đại diện thương hiệu vì người mẫu ấy lỡ “dính” vào một scandal nào đó. Theo ông Minh Trung, giám đốc một thương hiệu mỹ phẩm thì chọn người mẫu đại diện thì lúc nào cũng mang tâm trạng hồi hộp vì luôn có cảm giác như đang chơi dao hai lưỡi vậy.
Theo Kiên Định
Đất Việt
Đất Việt