Người mua xe máy chịu thiệt đủ kiểu

Thời gian qua, một số báo có đăng bài phản ánh việc, người dân khi mua xe máy vô tình hoặc bất đắc dĩ trở thành “kẻ đồng lõa” cho các cửa hàng đại lý để “lậu thuế”.
Thời gian qua, một số báo có đăng bài phản ánh việc, người dân khi mua xe máy vô tình hoặc bất đắc dĩ trở thành “kẻ đồng lõa” cho các cửa hàng đại lý để “lậu thuế”.

Các bài báo đều cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam gặp nhiều thiệt thòi và phi lý, khi họ phải mua các sản phẩm xe máy sản xuất trong nước với mức giá vô tội vạ, cao hơn rất nhiều so với giá đề xuất của nhà sản xuất. Song, các hóa đơn VAT mà cửa hàng bán xe giao cho khách hàng thường ghi giá bán là giá đề xuất hoặc là một mức giá thấp do cửa hàng tự đề ra.

Để đối phó với việc thất thu thuế, tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn ấn định thuế đối với cơ sở kinh doanh ô tô và xe máy, theo đó cơ quan thuế có quyền áp đặt mức thuế, sau khi đã xác định giá giao dịch thông thường trên thị trường. Về quản lý Nhà nước, thiết nghĩ đó là việc cần làm.

Phần lớn khách hàng đều nhận hóa đơn từ cửa hàng xe máy ghi thấp hơn giá mua bán thực tế. (Ảnh: Lê Quân)

Tuy nhiên, thực tế trên cho thấy một điều, người dân lại một lần nữa phải chịu thiệt thòi. Khi mà trước đó, bản thân họ đã phải mất thêm một khoản tiền chênh lệch không nhỏ để mua được một chiếc xe (ví dụ, với xe Honda Lead, giá đề xuất của hãng là 30,9 triệu, song có thời điểm khách hàng phải bỏ ra 39 triệu mới mua được). Nay, với thông tư mới của Bộ Tài chính, người dân lại phải chịu mất thêm một khoản tiền thuế nữa cho số tiền chênh lệch đã phải bỏ ra trước đó, khi họ làm thủ tục đăng ký xe.

Thậm chí ngay cả khi may mắn mua được xe với giá gốc, họ vẫn phải nộp thuế trước bạ với mức thuế theo giá… thị trường.

Anh Võ Viết H. (ở khối 3, phường Trung Đô, thành phố Vinh), do có người thân làm kinh doanh xe máy nên mua được chiếc xe Honda Airblade F1 với giá đề xuất (gần 33 triệu). Tuy nhiên, khi nộp thuế trước bạ để làm đăng ký xe, nhân viên thuế yêu cầu anh phải đóng thuế theo mức 38 triệu đồng, và giải thích, giá để tính thuế là giá thực tế trên thị trường.

Như vậy, khi mà các doanh nghiệp lẫn nhà nước đều giữ chặt quyền lợi của mình, thì “trăm dâu lại đổ đầu tằm”, khách hàng lại một lần nữa phải “giơ đầu chịu báng”. Người chịu thiệt thòi nhất ở đây chính là người dân.

Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm của nhà sản xuất ở đâu khi để cho sản phẩm của mình “loạn giá” trên thị trường, gây thiệt thòi và bức xúc cho khách hàng? Và, nên chăng Bộ Tài chính cần có quy định giá một cách cụ thể, chi tiết để người dân không tiếp tục phải mua xe với giá “trên trời”, không “vô tiền” nhưng “khoáng hậu” như hiện nay.

Theo
An Hà
Đất Việt

Đọc thêm