Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trả lời trực tuyến báo chí về nhà ở cho người thu nhập thấp. Những câu hỏi sát thực tế của người dân được đưa lên lãnh đạo bộ này. [links()]
Thưa ông, hiện nay có bao nhiêu dự ấn nhà thu nhập thấp cả nước được khởi công xây dựng?
Hiện đã có khoảng 190 dự án với tổng số vốn trên 28.000 tỷ đồng được đăng ký với quy mô xây dựng khoảng 170.000 căn hộ tương ứng với khoảng 7 triệu m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 700.000 người có thu nhập thấp.
Riêng tại Hà Nội, các dự án được khởi công đã có quy mô khoảng 25.000 căn hộ, trong đó có những dự án của Vinaconex đã bắt đầu nhận đơn bán hàng. Tại TP HCM, các dự án được khởi công với tổng quy mô khoảng 10.000 căn hộ và sẽ được bán trong cuối năm 2010 và năm 2011.
Với những người công nhân và những người có thu nhập từ 1 đến 5 triệu đồng một tháng thì có thể mua được nhà cho người thu nhập thấp không, thưa ông?
Công nhân lao động thuộc các thành phần kinh tế là đối tượng được mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Việc xác định mức thu nhập cụ thể để được giải quyết nhà ở xã hội do từng địa phương quy định trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 1/9/2010 của Bộ Xây dựng, cụ thể là đối tượng không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, quy định tại khoản 4, điều 14 của Thông tư trên.
Hiện nay đội ngũ cán bộ công chức nhà nước trẻ hầu hết đều phải thuê nhà. Mức lương hàng tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà, con cái ăn học... thì số tiền còn lại không thể mua được nhà. Tương lai, ông có tham mưu, đề xuất gì để giúp công chức trẻ có thể có được nhà ở?
|
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam (ảnh: Báo Xây dựng). |
Việc tạo lập nhà ở không chỉ thông qua hình thức mua và sở hữu nhà ở mà còn thông qua các hình thức khác như thuê nhà hoặc thuê mua nhà ở. Đối với những hộ gia đình trẻ, có thâm niên công tác ngắn thì có thể được giải quyết thông qua hình thức thuê nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư hoặc các doanh nghiệp đầu tư. Theo các quy định hiện hành đã có cơ chế chính sách cho các cán bộ công chức được thuê nhà ở xã hội, bạn có thể liên hệ với Sở Xây dựng HN để biết các thủ tục thuê nhà cụ thể.
Làm sao để ngăn chặn được tình trạng nhà giá thấp bán cho đúng đối tượng, nhưng ngay sau đó đối tượng này lại bán lại cho người khác để ăn chênh lệch?
Trong quy định Nhà nước đã ban hành, người được mua nhà ở xã hội không được giao dịch cho người khác dưới mọi hình thức trong vòng 10 năm. Nếu bị phát hiện thì đối tượng mua nhà sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và cơ quan chức năng thu hồi nhà ở đó để giải quyết cho hộ khác. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ thực hiện hậu kiểm hoặc thông qua cộng đồng để phát hiện và có chế tài xử lý đối với các trường hợp cố tình lợi dụng chính sách để kiểm lời và trục lợi.
Với mức lương dưới 4 triệu mà sống trong nội đô, chỉ riêng tiền thuê nhà và tiền ăn cho 1 người còn không thoải mái, lấy đâu ra tiền để mua nhà? Như vậy chắc chắn là sẽ có sự lách luật ở đây?
Về cơ bản, chính sách nhà của chúng ta theo cơ chế thương mại, đối với người có khó khăn, nhà nước hỗ trợ tối đa về nguồn lực mà nhà nước có thể có. Ví dụ như miễn tiền thuê đất, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, cho tăng mật độ xây dựng... Còn đối với người dân, cũng phải có ý thức tự mình lo cuộc sống cho mình, trong đó có vấn đề nhà ở, phải học tập, phấn đấu vươn lên để lao động, tăng thu nhập, có tích lũy cho bản thân và gia đình.
Trong trường hợp không đủ tiền để mua nhà, Quyết định 67 có quy định hình thức trả chậm trong 10 năm hoặc chuyển sang hình thức thuê nhà để ở. Hiện nay, ở các đô thị của nước ta, số hộ thuê nhà để ở mới chiếm khoảng 15%, trong khi đó, con số này ở trên thế giới trung bình là 50%. Vì vậy, chúng ta cũng phải dần dần thay đổi xu hướng mỗi hộ gia đình phải sở hữu ít nhất 1 nhà ở sang xu thế các hộ gia đình không có điều kiện sở hữu nhà có thể đi thuê nhà để ở. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp cũng như người dân theo hướng xây nhà để cho thuê và đi thuê nhà để ở.
Thưa ông, quỹ đất dành để xây nhà thu nhập thấp là bao nhiêu? Tại sao doanh nghiệp vẫn không mặn mà với phân khúc thị trường này, vướng mắc ở đây là gì?
Theo quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP năm 2009 của Chính phủ và Quyết định 67/2009/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ thì chính quyền địa phương phải chỉ đạo các chủ đầu tư dự án nhà ở và khu đô thị mới dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Việc đăng ký xây dựng nhà thu nhập thấp hoàn toàn tự nguyện theo khả năng và điều kiện của từng doanh nghiệp. Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia, nhà nước đã có cơ chế chính sách, ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miền giảm các loại thuế có liên quan, được vay vốn ưu đãi và được hưởng lợi nhuận định mức.
Cho đến nay đã có 189 dự án do các địa phương đăng ký với tổng số vốn đầu tư: 28.550 tỷ đồng, với quy mô xây dựng là hơn 7 triệu m2 sàn. Trong đó, đã có 37 dự án được khởi công. Hiện có 927 căn hộ hoàn thành phần xây dựng tại Hà Nội và TP HCM.
Ông nghĩ sao về dư luận vẫn có hiện tượng đầu cơ ở các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp?
Dư luận lo ngại về hiện tượng đầu cơ ở các dự án nhà ở thu nhập thấp là có cơ sở vì hiện nay nhu cầu mua nhà ở thu nhập thấp rất cao và số dự án ban đầu còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, trong quyết định 67 cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương cũng quy định chặt chẽ quy trình thủ tục và điều kiện đối với các đối tượng được mua loại hình nhà ở này.
Trong thực tế, cũng có thể lọt lưới một số các trường hợp không đúng đối tượng và điều kiện. Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương sẽ tổ chức hậu kiểm và nếu phát hiện thấy sai sót, hoặc lợi dụng thì sẽ xử lý theo chế tài được quy định như: thu hồi lại giấy chứng nhận sở hữu nhà hoặc thu hồi lại quyền sử dụng nhà. Đối với các doanh nghiệp bán sai đối tượng, có thể bị cấm triển khai các dự án nhà ở và đô thị trong vòng 2 năm hoặc bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi nào nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ có nhiều trên thị trường, để không còn cảnh cầu quá cung?
Nhu cầu về nhà ở tại khu vực đô thị là rất lớn, cho nên, việc giải quyết nhà ở không thể giải quyết ngay trong giai đoạn ngắn. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình để đề xuất với Chính phủ có chính sách phù hợp nhằm khuyến khích tăng nguồn cung cho người thu nhập thấp, để đáp ứng nhu cầu như bạn đã đề cập.
Tại sao nhà nước không tổ chức đấu thầu xây dựng các chung cư cho nguời thu nhập thấp mà lại giao cho các công ty xây dựng làm chủ đầu tư tự đưa ra giá thành?
Phương pháp xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thu nhập thấp thì đã được quy định tại Thông tư số 15/2009/TT-BXD, trong đó chủ đầu tư được tính đúng, tính đủ các khoản chi phi cần thiết. Giá bán này do UBND cấp tỉnh thẩm định và phê duyệt. Việc nhà đầu tư nào tham gia dự án cũng phải đảm bảo nguyên tắc nêu trên.
Thưa ông, cá nhân có được phép tham gia đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp không nếu có họ cần phải đảm bảo các tiêu chí gì?
Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích các thành phần kinh tế trong đó có cá nhân được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp. Điều kiện cần thiết là họ phải được sự chấp thuận chủ trương đầu tư của chính quyền địa phương, có quỹ đất sạch hoặc được giao đất phù hợp với quy hoạch, có nguồn lực về tài chính và có dự án được phê duyệt. Đồng thời, phải tuân theo đúng các trình tự, thủ tục về việc triển khai các dự án nhà ở thu nhập thấp được hướng dẫn tại Thông tư số 10/2009 và bán cho đúng đối tượng có đủ điều kiện được hướng dẫn tại Thông tư số 36/2009.
V.H (tổng hợp từ Báo Xây dựng)