Bà Lê Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp, cho biết, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
Theo đó, mọi người sinh sống, làm việc trên lãnh thổ nước CHXHCNVN đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, không loại trừ người nước ngoài du lịch tại Việt Nam.
Điều này được thể hiện khá rõ trong các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến xử lý hành vi vi phạm. Cụ thể, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính gồm cả cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, trên tàu bay, tàu biển magn quốc tịch Việt Nam hoặc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, trừ trường hợp người nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế. Trường hợp này thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế hoặc theo con đường ngoại giao nếu không có tập quán quốc tế.
Như vậy, trường hợp người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc đang du lịch ở Việt Nam thời điểm dịch bệnh này nhưng không chấp hành các quy định của Việt Nam như không đeo khẩu tra, không hạn chế đi lại, không khám sức khỏe, không chịu cách ly tập trung... thì tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính (trục xuất) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.