Người phó bí thư đảng ủy xã mang quân hàm xanh

QTV - Tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xoá đói, giảm nghèo luôn là một trong các nhiệm vụ được Đảng uỷ, Bộ tư lệnh BĐBP coi trọng nhằm góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh thực sự trở thành “phên dậu” vững chắc của Tổ quốc. Chính vì thế, những năm qua, đã có hàng trăm cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã biên giới, hải đảo trực tiếp tham gia cấp uỷ địa phương làm bí thư hoặc phó bí thư.

Thiếu tá Phạm Minh Hải - Phó bí thư Thường trực,  Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy xã Nậm Ban tại Hội nghị tổng kết công tác phối  hợp giữa Đảng ủy BĐBP Lai Châu và Huyện ủy huyện Sìn Hồ năm 2010
Thiếu tá Phạm Minh Hải - Phó bí thư Thường trực, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy xã Nậm Ban tại Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP Lai Châu và Huyện ủy huyện Sìn Hồ năm 2010
QTV - Tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xoá đói, giảm nghèo luôn là một trong các nhiệm vụ được Đảng uỷ, Bộ tư lệnh BĐBP coi trọng nhằm góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh thực sự trở thành “phên dậu” vững chắc của Tổ quốc. Chính vì thế, những năm qua, đã có hàng trăm cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã biên giới, hải đảo trực tiếp tham gia cấp uỷ địa phương làm bí thư hoặc phó bí thư. Nhiều đồng chí phát huy tốt, được nhân dân các dân tộc vinh danh là “bí thư, phó bí thư mang quân hàm xanh”. Một trong số đó là Thiếu tá Phạm Minh Hải, Phó bí thư Đảng uỷ xã Nậm Ban, Huyện Sìn Hồ, Tỉnh Lai Châu.

Phạm Minh Hải sinh năm 1967 tại vùng quê Phong Châu, Phú Thọ - mảnh đất linh thiêng đất tổ Hùng Vương, giàu truyền thống cách mạng. Năm 1986, sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo mới bắt đầu, tình hình biên giới phía Bắc vẫn đang còn rất phức tạp, thì chàng thanh niên chưa đầy 20 tuổi ấy làm đơn tình nguyện lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và trở thành “lính Biên phòng” tỉnh Lai Châu. Năm 1995, Phạm Minh Hải vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Là đảng viên - cán bộ biên phòng, anh hiểu rằng, đất nước muốn bình yên để xây dựng, phát triển thì biên giới phải thực sự là “phên dậu” vững chắc; muốn vậy, bản thân mình phải góp phần tích cực nhất vào xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, có hệ thống chính trị đủ mạnh, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh, trật tự luôn được giữ vững, ổn định, đồng bào các dân tộc thoát đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu... Do đó, mặc dù mới tốt nghiệp trung cấp biên phòng (1998), nhưng anh luôn tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi để nắm vững chủ trương, chính sách, nhất là chính sách dân tộc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói, giảm nghèo ở các xã, bản biên giới nơi đồn biên phòng quản lý.

Nậm Ban là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ. Diện tích tự nhiên khoảng 20.558 ha, chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi suối và khe sâu, cách thị trấn huyện tới 68 km, là 1 trong 2 xã duy nhất của tỉnh chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Xã có 11 bản, việc đi lại giữa các bản trong xã chủ yếu là đi bộ, chỉ đi được xe máy vào mùa khô. Xã hiện có 513 hộ với 2.810 nhân khẩu, 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mảng chiếm 37,4%, dân tộc Mông chiếm 51,7%, còn lại là các dân tộc khác. Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác lạc hậu lại phụ thuộc vào thiên nhiên nên kém phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc (trong đó có dân tộc Mảng là 1 trong 5 dân tộc ở diện đặc biệt đang được Đảng, nhà nước, tỉnh Lai Châu hỗ trợ bảo tồn và phát triển) gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn tới trên 80%.

Nhiều năm trước đây, hệ thống chính trị cơ sở ở Nậm Ban được xếp vào loại yếu kém của huyện và tỉnh. Chi bộ xã có 26 đảng viên thì 70% mới ở trình độ biết đọc, biết viết; cấp uỷ xã vừa yếu, vừa thiếu, không phát huy được vai trò lãnh đạo; hoạt động của chính quyền và các đoàn thể kém hiệu quả. Trên 90% trong đội ngũ cán bộ, công chức chưa qua đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và ý thức trách nhiệm của người đứng đầu không thể hiện rõ, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn còn ảnh hưởng nhiều bởi các hủ tục lạc hậu.

Thực hiện Nghị quyết số 16 của Tỉnh uỷ Lai Châu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh các xã biên giới giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo, Đảng uỷ BĐBP tỉnh phối hợp với Huyện uỷ Sìn Hồ xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã Nậm Ban; thành lập Ban chỉ đạo và cử đội công tác gồm cán bộ BĐBP, một số cán bộ thuộc các ban, ngành của huyện do BĐBP chủ trì tăng cường xuống xã Nậm Ban. Ban chỉ đạo cử đồng chí Thiếu tá Phạm Minh Hải - Đồn Biên phòng Pa Tần, người đã có nhiều năm kinh nghiệm công tác vận động ở cơ sở làm đội trưởng và Ban Thường vụ Huyện ủy Sìn Hồ chỉ định đồng chí làm Phó bí thư Chi bộ xã.

Phạm Minh Hải cùng đội công tác đề xuất với Ban chỉ đạo: Muốn giải quyết tuình trạng yếu kém ở Nậm Ban phải bắt đầu từ đổi mới công tác cán bộ. Với trách nhiệm là Phó bí thư Chi bộ, đội trưởng đội công tác, anh đã cùng cấp ủy chỉ đạo anh em trong đội tiến hành rà soát, đánh giá lại trình độ, năng lực cũng như uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức của xã. Trên cơ sở đó, anh kiến nghị với Ban Thường vụ huyện uỷ giải quyết chế độ cho một số đồng chí cán bộ tuổi đã cao, sức khỏe kém, năng lực hạn chế; bố trí, sắp xếp lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt xã như bí thư, phó chủ tịch UBND, HĐND và một số trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể xã; đồng thời xin huyện cho tuyển dụng cho các chức danh công chức như kế toán, văn phòng, tư pháp, địa chính người có trình độ chuyên môn trung cấp về làm việc. Đồng thời, để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, anh đã bàn bạc với chi ủy cử cán bộ đi đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị. Từ tháng 12-2007 đến nay, đã cử 6 cán bộ xã đi học trung cấp chuyên môn nghiệp vụ, 9 đi học lý luận chính trị, đưa đi học nâng cao trình độ học vấn cho 23 cán bộ đương chức và dự nguồn. Anh cùng với các đồng chí trong đội công tác còn tiến hành bồi dưỡng kỹ năng làm việc, hướng dẫn cách giải quyết những nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ cán bộ, công chức xã. Từ chỗ trên 90% cán bộ xã trình độ học vấn chưa hết THCS, chưa qua đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị, nay đã có 8/19 đồng chí có trình độ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ, 13/19 đồng chí có trình độ học vấn THPT, 7/19 đồng chí có trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên. Đến nay, 100% số cán bộ chủ chốt xã đều được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên.

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng gắn với bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, anh còn đặc biệt quan tâm đến củng cố, kiện toàn tổ chức. Từ một chi bộ yếu kém nhiều năm liền, chỉ sau hơn 1 năm củng cố, số đảng viên tăng lên, anh đã đề nghị Ban Thường vụ huyện uỷ nâng cấp chi bộ cơ sở xã Nậm Ban thành đảng bộ cơ sở. Ngay sau khi trở thành đảng bộ cơ sở, anh chủ động xây dựng quy chế làm việc của đảng uỷ. Theo đó, các đảng uỷ viên được phân công phụ trách từng lĩnh vực công tác, phụ trách các chi bộ trực thuộc. Nhờ đó hoạt động của Đảng ủy và các chi bộ có chuyển biến tốt. Chế độ thường trực của đảng uỷ được duy trì; sinh hoạt đảng ủy, chi bộ được chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; làm tốt công tác phát triển đảng viên mới. Chỉ trong 3 năm, Đảng bộ Nậm Ban kết nạp được 14 đảng viên, không còn bản, trường học, trạm y tế “trắng” đảng viên. Hiện nay đảng bộ có 6 chi bộ trực thuộc với 41 đảng viên. Từ một cơ sở đảng yếu kém triền miên, từ năm 2008, Đảng bộ đã được xếp loại tổ chức đảng hoàn thành nhiệm vụ và năm 2010 đang đề nghị cấp trên công nhận là Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc củng cố, chỉnh đốn tổ chức đảng được gắn với chấn chỉnh và đổi mới hoạt động của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã. Công tác quản lý, điều hành của UBND xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, các thành viên UBND được phân công nhiệm vụ rõ ràng và thực hiện tốt chế độ thường trực giải quyết công việc hằng ngày, triển khai những chủ trương, chỉ đạo của cấp trên kịp thời, nghiêm túc, không còn tình trạng trì trệ, ùn tắc công việc. Tinh thần làm việc và ý thức trách nhiệm trong công việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã, nhất là lãnh đạo chủ chốt đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt tình trạng uống rượu, uống rượu say khi làm việc không còn.

Phạm Minh Hải hiểu rằng, vai trò lãnh đạo, quản lý của tổ chức đảng, chính quyền, sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được chứng minh bằng hiệu quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trong xã và đảm bảo quốc phòng-an ninh. Với vai trò là Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ, anh đã cùng đảng ủy, chính quyền địa phương triển khai tích cực, hiệu quả các chương trình, dự án đã được quyết định: Tổ chức sắp xếp lại dân cư, đảm bảo cho nhân dân có điều kiện phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm, nhằm tạo ra những chuyển biến về nhận thức và kỹ năng trong sản xuất cho đồng bào các dân tộc. Anh cũng đã chủ động đề xuất với đảng ủy xây dựng đề án phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với điều kiện của một xã biên giới vùng sâu, vùng xa; chỉ đạo mở đường giao thông vào trung tâm xã và đến các bản. Anh còn xin cấp trên hỗ trợ về tài chính, vật liệu để xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng như trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế… Đặc biệt, anh đã kiến nghị với lãnh đạo BĐBP tỉnh đầu tư xây dựng trường bán trú dân nuôi ở Nậm Ban, tạo điều kiện cho con em đồng bào có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường. Do đó, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đã đạt 94%. Lực lượng công an, dân quân xã được xây dựng, huấn luyện thường xuyên, các vụ việc vi phạm trật tự xã hội trên địa bàn xã đều được xử lý, giải quyết kịp thời. Mặt khác, anh thường xuyên cùng đội công tác tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường biên mốc giới, đẩy mạnh và phát huy tốt phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản, khu vực biên giới. Nhờ đó những năm qua, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và an ninh trật tự thuộc khu vực xã Nậm Ban luôn được giữ vững.

Sau gần 4 năm Phạm Minh Hải cùng đội công tác chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ cùng với cấp ủy, chính quyền nơi đây tạo nên động lực làm thay da đổi thịt ở một xã vùng biên giới vốn yếu kém, khó khăn. Bộ mặt của Nậm Ban đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, giáo dục có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Với những cố gắng và nỗ lực của bản thân, anh được Tỉnh uỷ Lai Châu, Huyện uỷ Sìn Hồ, Đảng uỷ BĐBP tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen 3 năm liền (2007-2009) được Đảng bộ đánh giá là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh còn được UBND tỉnh, Bộ tư lệnh BĐBP, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, tại Đại hội Đảng bộ (nhiệm kỳ 2010-2015), anh tiếp tục được bầu vào Đảng ủy, giữ chức Phó bí thư Thường trực, chủ nhiệm UBKT Đảng uỷ xã Nậm Ban.

Tạm biệt Nậm Ban, miền đất biên cương của Tổ quốc khi mùa xuân đến để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp và sâu sắc về cảnh vật, con người nơi đây, trong đó người đem đến cho tôi nhiều cảm xúc chính là Thiếu tá Phạm Minh Hải - một sĩ quan biên phòng, một phó bí thư đảng ủy xã mang quân hàm xanh, luôn “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”

Theo xaydungdang.org.vn

Đọc thêm