Trạm yêu thương - “Khát vọng hồi sinh” mở ra bằng một phóng sự về cô gái 8X Lê Thị Kim Ngân mà chắc chắn ai xem cũng phải rơi nước mắt. Bị bỏng nặng 92%, cơ thể gần như biến dạng hoàn toàn bởi những lớp sẹo kín từ đầu tới chân, co kéo, cứng lại, thế nhưng giọng nói của người phụ nữ ấy tràn đầy niềm tin và nghị lực sống.
Người phụ nữ bỏng nặng 92% lan tỏa sự lạc quan trong Trạm yêu thương. |
Cuộc đời nhiều biến cố lần lượt hiện ra qua lời kể của người phụ nữ nghèo. Nhà có 10 chị em, bố bị ung thư tủy, chị Kim Ngân cùng các chị em gái trong gia đình phải bỏ học đi làm giúp việc từ lớp 5. Sớm phải xa gia đình, chị Ngân luôn ám ảnh về những năm tháng không có tuổi thơ với bao tủi nhục. Những tưởng lấy chồng sẽ giúp chị thêm một chỗ dựa về tinh thần, nhưng vì cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng không bám trụ được ở TP HCM nên đành quay về quê Phú Yên sinh sống.
Do cuộc sống quá cực khổ, mâu thuẫn xảy ra liên tiếp nên chồng chị Ngân đã bỏ đi khi chị vừa sinh bé thứ hai được hơn chục ngày. “Không tiền, sức khỏe mới sinh chưa hồi phục, không người chăm sóc cộng thêm sau sinh căng thẳng stress vì chồng bỏ đi, tôi mất sữa, phải lấy đường pha nước trắng cho con uống thay sữa” - chị Ngân gạt nước mắt kể lại.
Thoát khỏi cửa tử thần, 8 tháng sau tôi ra Hà Nội tìm cách chữa trị những vết bỏng rát khắp cơ thể đau đớn. |
Sau 7 - 8 năm tìm mọi cách, làm đủ việc nuôi hai con, chị Ngân vẫn hy vọng tìm được một người để làm nơi nương tựa. “Nhưng lần thứ hai này, tôi còn gặp phải biến cố kinh hoàng không thể tưởng tượng được. Người chồng tiếp theo chỉ lấy nhau được hơn một năm thì vướng vào cờ bạc nợ nần nên cùng quẫn, đã đốt nhà để ba mẹ con chết cùng” - chị Ngân run run kể lại.
“Thoát khỏi cửa tử thần, 8 tháng sau tôi ra Hà Nội tìm cách chữa trị những vết bỏng rát khắp cơ thể đau đớn. Lúc đó nhìn vào trong gương, tôi mới thật sự thấy được hình ảnh của mình, rồi bác sĩ thông báo không có da để làm phẫu thuật có nghĩa là cuộc sống phải chấp nhận tàn phế suốt cuộc đời. Tôi một lần nữa suy sụp và muốn buông xuôi”. Nhưng khát vọng sống mạnh mẽ đã giúp chị Ngân kiên định và quyết không gục ngã.
Cuộc hỏa hoạn đã qua, nhưng những vết thương vẫn còn đó, tay phải chỉ có thể sử dụng được 2 ngón, tay trái 3 ngón, co quắp, khó cử động, không mang vác được vật nặng chị Kim Ngân vẫn cố gắng luyện tập hàng ngày để có thể xỏ kim và cầm bút. Dù đã được phẫu thuật, nhưng gương mặt biến dạng vẫn phần nào để lại sự tự ti về ngoại hình. Vì hai con, chị Ngân làm đủ nghề may vá, phu hồ, thậm chí livestream bán hàng online để có thêm thu nhập.
Kể về lần đầu tiên livestream, chị Ngân còn nhớ như in: “Hôm đó mình run lắm, nhất là khi đọc những bình luận tiêu cực. Lúc tắt live, nước mắt cứ thế trào ra không kìm được. Khóc một trận thật to rồi chị quyết định lau đi và ngày hôm sau tiếp tục live tiếp vì điều quan trọng là phải kiếm tiền nuôi con”. Chị Ngân tự nhủ với với bản thân: “Ngày nào mình còn khỏe thì con còn được đến trường. Cuộc sống vô thường không biết trước điều gì, mong các con sau này làm gì cũng được nhưng không hổ thẹn với lương tâm, đồng tiền kiếm được chân chính, tự hào, biến cố nào cũng vượt qua”.
Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, chị Ngân chỉ mong các con được ăn học đàng hoàng và bản lĩnh như mình từ bé. Còn về bản thân, chị Ngân ấp ủ dự định sau này viết một cuốn sách về cuộc đời mình với hy vọng “với mình đó là những chuỗi ngày tang thương, nhưng biết đâu có ai đó sẽ cần đọc nó để vượt qua những giai đoạn đau khổ tuyệt vọng nhất của cuộc đời”. Món quà của “Trạm yêu thương” sẽ phần nào san sẻ gánh nặng về kinh tế cho chị Thương và chắp cánh cho ước mơ của chị sớm thành hiện thực.