Suốt 12 năm trời với biết bao nhọc nhằn, cam go, thậm chí bán hết gia sản, thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn thực hiện được mong ước cháy bỏng của mình: đi tìm hồn Việt bằng việc xây dựng làng nghề Một thoáng Việt Nam.
“Tôi đã làm việc hết sức mình, không tư lợi cá nhân, với tinh thần nghiêm túc, trung thực chỉ mong việc mình làm mang đến cho mọi người một hình ảnh đất nước, con người Việt Nam hàng ngàn năm văn hiến, qua đó mong mọi người yêu nước Việt hơn”, chị Trần Thị Tuyết Nga, Chủ nhiệm làng nghề Một thoáng Việt Nam (Phú Bình, An Phú, Củ Chi, TP HCM) nói.
|
Làng nghề Một thoáng Việt Nam. |
Công trình của những tấm lòng
Rất khó khăn để thuyết phục chị cho phép tôi được viết đôi dòng, chị bảo, đây là công trình tập thể nên cũng không muốn ai chỉ viết riêng về mình. “Trí tuệ để làm nên công trình này không thể và không phải của một người. Đây là trí tuệ, công sức của rất nhiều người trên cả nước đã âm thầm góp sức cùng chúng tôi xây dựng nên nội dung công trình. Bên cạnh đó, tiền của để làm nên công trình cũng không phải của riêng tôi mà là tiền của nhiều người lặng lẽ giúp đỡ. Vì thế, tôi vẫn xem đây là công trình tập thể”, chị khiêm tốn nói.
Đã có lúc khi công trình gần như rơi vào bế tắc chị phải cầm cố hay bán tống, bán tháo tài sản để công trình được tiếp tục xây dựng, tất cả tài sản đầu tư vào công trình đã biến thành con số không. Suốt thời gian đó, chị cùng những người lao động ở đây phải oằn lưng ra để giữ cho Một thoáng Việt Nam tồn tại. “Được nhiều người đồng tình và hỗ trợ từng bao gạo, chai dầu, gói bột ngọt, tấm bạt che mưa nắng, những đồng tiền từ các dì đã từng ở tù Côn Đảo, từ các bạn thanh niên, từ những nhà hảo tâm... Tất cả những điều đó giúp cho chúng tôi có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn”, chị nói.
|
Những ngôi nhà của đồng bào Tây Nguyên cũng hiện diện nơi này. |
Đến bây giờ nhiều người cũng chưa rõ lý do tại sao chị quyết định xây dựng Một thoáng Việt Nam trên mảnh đất đầm lầy, bom đạn ở Củ Chi (rộng 20 ha) mà không phải một nơi nào đấy thuận lợi hơn. Chị chia sẻ: “Thật ra lúc đầu chúng tôi định xây một trường học tặng người dân Củ Chi, vùng đất mà chúng tôi đã từng sống và chiến đấu trong chiến tranh, như một việc làm trả ơn, trả nghĩa. Nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định xây Một thoáng Việt Nam vừa để giới thiệu con người, đất nước Việt Nam, hun đúc tình yêu đất Việt vừa tạo việc làm cho người dân địa phương”.
Thế là cùng với những đồng đội, đồng chí của mình chị bắt tay vào san lấp một đầm lầy phèn chua rộng 20 ha với những hố bom sâu hoắm để có Một thoáng Việt Nam. Một kế hoạch đi tìm hồn Việt bắt đầu với biết bao gian nan chờ đợi.
Một thoáng Việt Nam
Theo chị Tuyết Nga, Một thoáng Việt Nam được thành lập với mục đích xây dựng nên một công trình văn hóa giới thiệu đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam thông qua hoạt động của các nghề truyền thống Việt Nam (nghề sơn son thiếp vàng, nghề vàng quì, điêu khắc, đệt thổ cẩm, giấy dó, đá mỹ nghệ, nhà thờ tổ…), nhà tuyền thống các vùng miền (nhà Nam Bộ, nhà Huế, nhà Mường, nhà Rông Bana, nhà dài Êđê, nhà H’Mông), các di sản văn hóa (Trống đồng Đông Sơn, nồi nấu rượu… có niên đại hơn 1.000 năm), không gian đất nước, con người Việt Nam, cách ăn, nếp của người Việt ở của các vùng miền, bàn thờ xã tắc, hành lang về nguồn…
|
Nội thất bên trong mộc, mang đậm hồn Việt. |
Theo chị Tuyết Nga, nước Việt đã có hàng năm văn hiến. Lịch sử oai hùng của đất nước được viết nên bởi những con người Việt Nam cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo. Đó là tài sản quý báu và vô giá của dân dân tộc Việt mà Một thoáng Việt Nam cần phải giới thiệu đến mọi người trong nước nhằm hun đúc tinh thần yêu nước. “Một thoáng Việt Nam dựa vào trí tuệ của bạn bè, của các nhà văn hóa, trí thức… để giúp chúng tôi kiến thức thực hiện nội dung công trình cho phong phú. Chắc chắn đến lúc này mọi việc chỉ là mới bắt đầu, chúng tôi sẽ còn phải học hỏi nhiều để công trình đem lại hiệu quả và ích lơi hơn cho mọi người”, chị Tuyết Nga thổ lộ.
Khác với các công trình văn hóa mang tính chất giải trí, Một thoáng Việt Nam được xây dựng thành một không gian văn hóa mở với nhiều nội dung liên quan, bỗ trợ lẫn nhau để nói về đất nước, con người Việt Nam. Một thoáng Việt Nam đón khách tham quan như một sự sẻ chia văn hóa nước Việt. Chị Trần Thị Lan - một du khách Bạc Liêu thổ lộ: “Lần đầu tiên tui đến Một thoáng Việt Nam và thật ngỡ ngàng trước những gì mình nhìn thấy. Ngay cả cái nhà Nam bộ, nơi mà vốn tui sinh ra và lớn lên, cũng thật lạ lẫm với mình. Thông qua Một thoáng Việt Nam, tui biết nhiều về quê hương, đất nước, con người Việt Nam, càng yêu hơn mảnh đất Việt này”. |
Theo