Tư chất nhà lãnh đạo lớn
Những cộng sự trong công việc hay những người bạn học từ thời trung học của bà Yellen đều có những ấn tượng về người bạn học nhỏ nhắn song đầy mạnh mẽ. Tính cách điềm tĩnh hiếm có của Yellen được hình thành và biết đến nhiều từ thời bà còn ngồi trên ghế trường trung học Brookyln, New York, với tấm bằng thủ khoa và được vinh dự đọc diễn văn vào ngày tốt nghiệp.
Bà cũng gây được ấn tượng mạnh không chỉ bởi sự thông minh, mà còn khả năng phân tích tài chính được bộc lộ sớm và có thể chịu được áp lực cao. Bạn bè và đồng nghiệp của Yellen - hầu hết đều là các quan chức FED, cùng với một số chuyên gia kinh tế nhận xét bà có tính cách khiêm tốn, làm việc được với áp lực cao và luôn giữ được sự bình tĩnh dù phải đối mặt với nhiều bất ổn nghiêm trọng.
Giản dị, thân thiện và dễ gần cũng là những gì người ta thấy ở bà. Bà thường ăn trưa trong quán cà phê với nhân viên bình thường của Fed bởi bà cho rằng “đây là cơ hội tốt để tìm hiểu xem người khác đang nghĩ gì, biết được cái người ta nghĩ trong đầu. Bà thích những cuộc trao đổi như vậy.
Trong công việc tại FED, người ta còn biết đến bà là một người tỉ mỉ và chi tiết. Nhân viên tại đây đã quá quen với những câu nói như “Tôi không muốn chỉ dừng lại ở những kết luận. Có phải lạm phát đang đi đúng hướng hay không? Có phải các mô hình đang hoạt động? Tại sao đô-la mất giá? Đâu là những rủi ro?... Khả năng mổ xẻ các vấn đề của Yellen đã khiến rất nhiều người phải “ngả mũ”.
Bà còn là người được đánh giá là luôn tạo ra “sức hút” đối với người đối diện. Vóc dáng của bà dường như tỷ lệ nghịch với “sức nặng lời nói” của bà. Theo như nhận xét của rất nhiều người, đó là bởi vì, bà có tài nghệ truyền thông và biết cách thương thuyết rất hiệu quả. Điều này đã được Phó chủ tịch FED Alan Blinder khẳng định: “Yellen tranh luận chứ không tranh cãi nên không làm cho phe bên kia nổi cáu mà ngược lại chuyển qua ủng hộ bà. Đó là một khả năng mà không phải ai cũng có”.
Hành trang bước vào FED
Yellen sinh ra và lớn lên ở Brooklyn vào năm 1946. Cha của bà là bác sĩ trong thời kỳ Đại suy thoái còn mẹ là giáo viên tiểu học, khi sinh con thì chuyển sang làm chứng khoán. Bước ngoặt trong sự nghiệp của mẹ bà cũng chính là “cơ duyên” đưa Yellen sớm có sự quan tâm tới các vấn đề kinh tế.
Từ khi đi học, Yellen là học sinh tiêu biểu của trường trung học Fort Hamilton, đạt hàng loạt giải trong các môn toán, khoa học, tiếng Anh và là học sinh giỏi nhất, được vinh dự phát biểu trước toàn trường. Sau khi tốt nghiệp Đại học Brown, bà nhận bằng tiến sĩ kinh tế từ đại học Yale năm 1971 khi mới 25 tuổi dưới sự hướng dẫn của Giáo sư James Tobin- người từng đoạt giải Nobel kinh tế và cũng từng là cố vấn của Tổng thống John F. Kennedy.
Giáo sư kinh tế này đã ưu ái gọi bà là “thiên tài có khả năng thể hiện những tranh luận phức tạp theo cách đơn giản và rõ ràng”.
Con đường bước vào chiếc ghế chủ tích FED của bà dường như cũng thuận lợi hơn khi bà “bén duyên” với nhà kinh tế học George Akerlof. Chuyện tình lãng mạn của hai nhà kinh tế học này đã cho ra đời một sự hợp nhất lịch sử, đặc biệt trên khía cạnh tri thức. Trong khi bà giảng dạy tại Trường Havard và Trường Kinh tế London, rồi trở thành giảng viên tại Berkeley từ năm 1980, họ đã cùng nhau nghiên cứu về tính cứng nhắc của tiền lương và giá cả.
Sau đó, kể từ đầu những năm 1990, Janet Yellen đã nghiên cứu về những hệ quả kinh tế từ sự thống nhất của nước Đức. Nghiên cứu này vẫn được tiếp tục cho đến năm 1994, bà tham gia vào Hội đồng Thống đốc của FED.
|
Chân dung chủ tịch FED trên bìa tạp chí Bloomberg |
Chưa hết, ngay từ thời đi học trung học, bà luôn chứng tỏ bản lĩnh là người lãnh đạo. Với vai trò là người chủ biên tờ báo của trường bà đã khiến không ít bạn học ngạc nhiên và nhớ mãi câu chuyện vô cùng thú vị khi bà đã tự phỏng vấn chính mình – cũng là một thủ khoa của trường.
Những câu độc thoại hài hước như “tôi bắt đầu nhé, tôi biết bạn là một học sinh cuối cấp năng động, hấp dẫn và tài năng...” đã trở thành câu chuyện vui khi những người bạn học nhắc đến bà. Câu chuyện này cũng khiến nhiều người bạn học cho rằng, Yellen rất chững chạc và rất thích hợp để trở thành một nhà lãnh đạo.
Mặc dù có rất nhiều yếu tố “thuận lợi” trên con đường bước vào chiếc ghế chủ tịch FED, song với những gì Yellen đã làm được, người ta nói rằng, dường như bà đã dành cả sự nghiệp để chuẩn bị cho vị trí này. Trong suốt 15 năm kể từ năm 1977, Yellen giữ nhiều chức vụ Fed: chuyên viên kinh tế tại Washington, chủ tịch của Fed tại San Francisco Fed cho đến năm 2010 và sau đó là Phó chủ tịch Fed dưới thời của Bernanke. Bà cũng là Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton vào những năm cuối thế kỷ trước trước khi đảm nhận chức vụ lãnh đạo cao nhất của Fed vào tháng 2/2014.
“Bình tĩnh và tiếp tục sống” … ngay cả trong động đất
Đây chính là phương châm sống của Janet Yellen. Bà Yellen vốn luôn giữ được thái độ điềm tĩnh từ thời còn học trung học ở Brooklyn, New York - nơi bà đã tốt nghiệp với tấm bằng thủ khoa. Sau này, bà Yellen vẫn gây được ấn tượng với rất nhiều người, không chỉ bởi sự thông minh mà còn bởi khả năng làm việc dưới áp lực cao.
Khẩu hiệu “Bình tĩnh và tiếp tục sống” đã được đóng khung treo trên kệ sách trong chính văn phòng làm việc rộng rãi của bà ở Washington. “Bình tĩnh” và tiếp tục làm theo những gì mình nghĩ đã đưa bà Yellen tới quyết định gây tranh cãi hồi tháng 9 vừa qua, đó là đưa ra quyết định hoãn tăng lãi suất của FED trong vòng 9 năm qua.
Đối mặt với một vô số những lời khuyên và tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang ấm dần trong khi kinh tế toàn cầu chững lại, Yellen đã hết sức bình tĩnh sàng lọc dữ liệu, cân nhắc rủi ro, đưa ra quyết định. Sau 1,5 năm đầu tại Fed, đây là động thái đầu tiên của bà, nhằm giúp chính sách của Fed trở về trạng thái bình thường sau một thời gian chú trọng hỗ trợ kinh tế Mỹ và toàn cầu. Yellen đã khéo léo hàn gắn lại những tác động của chương trình mua trái phiếu của Fed một năm trước đây, đặt nền móng cho những chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Những bước đi này được cho là tinh tế và cẩn trọng.
Nếu như vào tháng 9, rất nhiều người đã ủng hộ và thị trường gần như chắc chắn rằng lãi suất sẽ tăng lên trong cuộc họp giữa tháng, song, mới đến tháng 8, kinh tế thế giới lại thay đổi. Thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo, đồng nhân dân tệ mất giá đột ngột, nhiều người bắt đầu nghĩ về tương lai đen tối của kinh tế Trung Quốc. Và phản ứng của Yellen đó là hít một hơi thật sâu và bình tĩnh xem xem các thị trường đang gửi thông điệp gì đến nền kinh tế toàn cầu. Bà không hề lo lắng sẽ phải từ bỏ kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay.
|
Yellen thời còn đi học |
Theo bà Yellen, Fed không nên thay đổi quá nhiều vì sự lên xuống của thị trường các nước, nhưng nếu có những biến động tài chính lớn, chắc chắn sẽ phải tìm xem đâu là nguyên nhân dẫn đến những biến đổi đó. Mỹ sẽ tăng tỷ lãi suất, có thể vào tháng 10 hoặc tháng 12 khi Fed họp. Rõ ràng, bà đã thực hiện “một quyết định dũng cảm” song đã thể hiện đúng phương châm sống của mình đã chọn.
Quyết định này một lần nữa khẳng định những gì người ta nghĩ về Yellen “Không có ai phù hợp hơn để ngồi vào chiếc ghế này để chịu mọi búa rìu của dư luận trong khi quốc hội Mỹ luôn chia rẽ sâu sắc về vấn đề hoạch định chính sách”.
Sự bình tĩnh của bà Yellen cũng được kiểm chứng với nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Giáo sư Andrew Rose tại Đại học California kể lại thời điểm ông cùng vị Chủ tịch FED trải qua một trong những trận động đất kinh khủng nhất lịch sử nước Mỹ vào ngày 17/10/1989.
Trận động đất Loma Prieta làm rung chuyển cả bang San Francisco, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Vào thời điểm xảy ra động đất, khi các bức tường và sàn nhà bắt đầu rung lắc mạnh, bà Yellen là người cuối cùng sống sót mà ông Rose nhìn thấy. Thế nhưng, trái với những tưởng tượng của ông, bà Yellen lúc đó vẫn ngồi ở bàn làm việc, bình tĩnh và không hề khóc lóc./.