Nam sinh lớp 9 giở trò đồi bại với cô giáo - nỗi đau của ngành giáo dục

(PLO) - Thấy cô giáo tiểu học đang ngồi soạn bài để hôm sau lên lớp, năm nam học sinh lớp 9 đã lao vào khống chế và giở trò đồi bại. Trước sự nghiêm trọng của vụ việc, Công an huyện Vân Hồ đã vào cuộc điều tra và nhanh chóng xác định, bắt giam 5 đối tượng liên quan. 
Cô Hoa bị 5 học sinh lớp 9 hãm hại (ảnh minh họa)
Cô Hoa bị 5 học sinh lớp 9 hãm hại (ảnh minh họa)
Nửa đêm giở trò đồi bại
Theo hồ sơ vụ án, vào đêm ngày 24/12, cô giáo Nguyễn Thị Hoa (SN 1988, giáo viên) dạy lớp cắm bản Suối Bon đang ngồi soạn bài để chuẩn bị ngày mai lên lớp thì bất ngờ bị 5 nam thanh niên lao vào khống chế. Sau đó, các đối tượng này đã giở trò đồi bại với cô Nguyễn Thị Hoa mặc cho nạn nhân ra sức van xin.
Ngay khi các đối tượng trên bỏ đi, cô giáo Nguyễn Thị Hoa đã thông báo cho chính quyền địa phương, đồng thời đến sáng hôm sau (ngày 25/12), đã viết đơn tố cáo sự việc trên lên Công an huyện Vân Hồ. Nhận được tin báo, đơn tố cáo của cô giáo Hoa và xác định sự việc có tính chất cực kì nghiêm trọng, gây hoang mang cho người dân, Công an huyện Vân Hồ đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, truy tìm các đối tượng gây án.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Vân Hồ nhanh chóng xác định được các đối tượng gây án, bắt giam 5 đối tượng liên quan, gồm: Lý Văn Hạnh, Bàn Văn Hùng (SN 1999), Bàn Văn Sơn, Bàn Văn Dương, Bàn Văn Hiệu (SN 2000), đều trú tại bản Suối Bon và đang học lớp 9. 
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này đã thừa nhận hành vi đồi bại của mình đối với cô giáo Hoa. Công an huyện Vân Hồ cho biết, hiện vụ việc đang hoàn tất điều tra, đã tiến hành tạm giam các đối tượng để tiến hành khởi tố vụ án.
Được biết, 5 nam sinh giở trò đồi bại với cô giáo Nguyễn Thị Hoa đều là người dân tộc Dao, gia đình đều làm nông nghiệp. Theo đánh giá của nhiều người dân, các gia đình này từ trước tới giờ cũng chưa vi phạm pháp luật và đây là lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra vụ việc như trên. 
Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Loóng Luông đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho các giáo viên, đặc biệt là các giáo viên cắm bản; trong đó, xã sẽ triển khai kế hoạch xây các nhà công vụ cho giáo viên cắm bản.
Trao đổi với PV, cô Vũ Thị Mận (Hiệu trưởng trường Tiểu học Loóng Luông) cho hay, cô giáo Nguyễn Thị Hoa về trường được 4 năm và được chuyển xuống bản Suối Bon dạy học từ tháng 9/2015. Cô Hoa là người hiền lành, đã có một đời chồng nhưng đã ly dị, có một đứa con 3 tuổi nhưng hiện giờ đang ở với ông bà nội. 
Hiện nay, trường đã bố trí giáo viên khác dạy ở lớp cô Hoa để cô nghỉ ngơi, ổn định tinh thần. Qua Tết dương lịch 2016, nhà trường sẽ chuyển cô Hoa về trụ sở chính của trường để dạy vì nơi đây có cổng trường và có bảo vệ.
Trường Tiểu học Loóng Luông
 Trường Tiểu học Loóng Luông
Cô Mận cũng cho hay, trước đây ở xã chưa bao giờ xảy ra chuyện giáo viên bị thanh niên bản bắt nạt hay trêu ghẹo, hầu hết dân bản đều thương yêu những giáo viên vượt gian khó mang con chữ đến với con em họ. Trong 5 đối tượng giở trò xấu với cô Hoa thì có 4 học sinh, còn một là đối tượng ở ngoài.
Đây đều là con em ở trong bản và có quen biết với cô Hoa, có lẽ sự việc là do đối tượng ở ngoài cầm đầu, xúi giục. Theo như trình bày của cô Hoa, hôm đó 5 đối tượng này đến phòng cô rồi chốt cửa và thực hiện hành vi ở bên trong, khi có người gọi cửa ở ngoài chúng còn đe dọa nếu gọi người cứu sẽ giết hết.
Báo động xuống cấp đạo đức
Vụ việc trên đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, đáng nói hơn nữa là những đối tượng liên quan đều đang ở độ tuổi cắp sách tới trường. Rất nhiều ý kiến cho rằng, các thầy cô giáo không quản khó khăn, thiếu thốn để vượt rừng, cắm bản với mong muốn đem đến con chữ cho những vùng dân tộc hẻo lánh, xa xôi  nhưng hậu quả của vụ việc trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc làm sao để đảm bảo an toàn cho các thầy cô. 
Được biết, sau khi vụ việc xảy ra, phía Trường Tiểu học Loóng Luông đã đề nghị chính quyền có các biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, đặc biệt là những nơi có giáo viên cắm bản. Hiện tại, ở các điểm bản của trường, vẫn phải ngăn lớp học ra làm chỗ ở cho giáo viên, các cô giáo chưa có phòng ở chắc chắn. Chỉ khi cô giáo được đảm bảo an toàn, họ mới có thể yên tâm giảng dạy.
Liên quan đến vụ việc gây bức xúc trong dư luận trên, Phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ cũng cho biết sẽ điều chuyển cô Hoa về trụ sở chính để dạy, nếu cô có nguyện vọng sẽ được điều chuyển sang giảng dạy ở một xã khác. Hiện nay, cô đã ổn định tâm lý, không còn quá sốc như hôm sự việc xảy ra. Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra có thể do nhóm thanh niên kia uống rượu quá nhiều.
Bày tỏ quan điểm về vụ việc, nhiều chuyên gia giáo dục cho hay, đạo đức của giới trẻ hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, đến mức phải lên tiếng báo động. Theo truyền thống, người Việt rất tôn sư trọng đạo nhưng ngày nay những vụ việc xâm hại thân thể và danh dự nhà giáo đã xảy ra quá nhiều, cho thấy tình trạng xuống cấp trầm trọng của đạo đức ở một bộ phận giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung.
Ngoài những ảnh hưởng từ các suy nghĩ, hành động của mọi người nói chung trong xã hội có tác động không nhỏ đến đạo đức học đường, ngay chính các gia đình cũng đang lơ là việc giáo dục đạo đức, tư cách, phẩm chất và ý thức tuân thủ pháp luật dành cho con trẻ. Đồng thời, việc đánh giá cào bằng và cho mọi học sinh đều có hạnh kiểm tốt trong nhà trường cũng là nguyên nhân gây ra thực trạng đạo đức học sinh xuống cấp trầm trọng.
"Cách đây 10 đến 20 năm, học sinh luôn lo ngại bị đánh giá hạnh kiểm trung bình, yếu, kém sẽ ảnh hưởng đến những cơ hội học tập, lao động trong tương lai. Tuy nhiên, ngày nay không thấy mấy học sinh bị đánh giá hạnh kiểm khá. Dù em học sinh đó có vi phạm thế nào thì các thầy cô giáo cũng hầu như cho hạnh kiểm tốt. Bên cạnh đó, việc đánh giá để xét nhập học ở các cấp cao hơn hoặc các cơ hội du học… hiện nay cũng không coi trọng việc đánh giá đạo đức. 
Đồng thời, chương trình dạy học Đạo đức và Giáo dục Công dân tập trung vào giảng lý thuyết, thiếu hiệu quả. Đặc biệt, trong nhà trường thiếu việc giảng dạy kiến thức pháp luật cũng là một lý do để tình trạng giáo dục đạo đức xuống cấp. Để khắc phục tình trạng trên cần phải quyết liệt thực hiện từ cả hai phía, trong đó, phụ huynh cần phải được tư vấn về việc giáo dục tư cách đạo đức, phẩm chất, lối sống đàng hoàng, tuân thủ pháp luật cho trẻ. Các trường học cần có chương trình giáo dục pháp luật chính khóa, có các biện pháp đánh giá tư cách đạo đức học sinh nghiêm túc, sử dụng kết quả đánh giá đó cho việc xét duyệt các cơ hội học tập, làm việc trong tương lai" - TS Vũ Thu Hương  (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ về vụ việc…/.
*Tên nhân vật đã được thay đổi