Chồng quê Nghệ An, sinh được bốn đứa con thì anh mất, một mình bấu víu vào cát trắng để kiếm sống... chị Nguyễn Thị Bản (thôn Thanh Xuân, xã Thanh Khê, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã nỗ lực gần 20 năm thoát nghèo trở thành tỷ phú làng.
Người đàn bà và bốn đứa con trên cát bỏng
|
Chị Bản với công việc kinh doanh cá |
Vào năm 1970, chiến tranh khốc liệt, chồng chị Bản là bộ đội, đơn vị đóng quân tại làng Thanh Xuân, quê chị. Họ bén duyên nhau từ những bữa cơm hậu cần bên ụ pháo. Cùng năm đó, họ cưới nhau. Làm đám cưới xong, anh lên đường vào chiến trường, chị ra Thanh Chương (Nghệ An) làm dâu nhà chồng. Năm 1988, chồng nghĩ hưu, hai người đoàn tụ, chị sinh được 4 mặt con. Thu nhập tuy chẳng có gì nhưng với sự tháo vát của chị, gia đình vẫn ổn định. Thế rồi chồng bị di chứng chiến tranh, ngã bệnh, liệt nửa thân người. 3 năm trời chị tất tả ngược xuôi kiếm tiền thuốc thang cho chồng nhưng anh chẳng qua khỏi.
Chồng mất, bên nội quá nghèo không giúp được gì. Tính tới tính lui, chị xin phép bố mẹ chồng trở về làng cát Thanh Xuân quê ngoại. Ngày về, một nách bốn đứa con đội cái tả tơi, chạy lúp xúp chân trần trên cát bỏng trắng đến nhức mắt. Chạy mãi chị chẳng kiếm được nơi nào nương thân, vì người thân đã mất. May, bà con xóm làng còn nhận ra, xúm vào dựng cho cái lều cỏ rười bên động cát làng để mẹ con tá túc. Xóm trên ngõ dưới cũng thương tình nhà cho mớ gạo, người đưa hũ mắm để mẹ con sống tạm.
Người làng cưu mang nhưng ai cũng nghèo nên chẳng có nhiều để cho cả đời. Chị Bản nghĩ phải sống và làm mọi cách để con không bị chết đói. Ở làng biển, ai cũng đi khơi ra lộng, chị là thân gái, chẳng người nào thuê. Chỉ còn một cách mua bán cá. Nghĩ là làm. Chị bắt đầu nghề buôn cá. Vốn không có, nhưng người làng cho mua chịu, cuối ngày về trả tiền gốc, còn chút lãi phần tích cóp, phần mua gạo mắm cho các con ăn.
Phận nghèo, chị tần tảo, chắt bóp, kiên trì nhặt từng đồng lãi như nhặt từng hạt cát. Công lao “dã tràng” cũng làm nên cuộc sống thoát đói cho mẹ con chị, nhiều lần, tiền lời mỗi tháng chị góp lại được 5 triệu đồng. Đồng vốn trong tay chị cứ thế lớn dần theo thời gian, theo những giọt mồ hôi đổ xuống trên những bước chân cát bỏng.
Khi có chút đỉnh vốn, chị đã đầu tư cho các chủ thuyền để được độc quyền mua hải sản tươi. Tiếp nữa, chị lập kho hàng chế biến hải sản khô. Tính tới tính lui, sau hơn 5 năm về làng, chị đã có trong tay cả trăm triệu tiền vốn. Đến lúc này chị cười: “Coi như mẹ con đã thoát cảnh thiếu thốn”.
Thành tỷ phú làng
Có vốn, xây dựng mối quan hệ tốt, cơ sở chế biến hải sản của chị Bản phát triển rất nhanh. Mỗi ngày chị mua vào đến 5 tấn cá mực. Thuê 30 lao động làm việc thường xuyên với mức lương 1 triệu đồng một người một tháng.
Khi làm được hải sản, chị mong mở rộng việc kinh doanh sang lĩnh vực khác bởi mỗi ngày chị ra bến cá thấy anh em chủ thuyền phải đi xa mới mua được dầu, lại phải trả tiền ngay. Chị kể: “Răng mình không kinh doanh thêm xăng dầu phục vụ thuyền cá. Nghĩa rứa. Tui liền thuê người đóng thuyền, vay 1 tỷ đồng thành lập thêm cơ sở bán xăng dầu phục vụ nghề đi biển”.
Khi có mối lái bên Đài Loan, Trung Quốc qua đặt hàng hải sản với chất lượng khắt khe, chị Bản đã đầu tư mua thêm xe đông lạnh để giao cho bạn hàng ở tận biên giới. Những bạn hàng người nước ngoài lúc đầu khó tính, nhưng nay nghe nói đến hàng chị Bản đã yên tâm tuyệt đối. Hiện, chị Bản không những xuất hàng cho những nước này mà còn xuất sang Nhật và một số nước khác ở châu Âu. Trước những nổ lực như thế, chị Bản khoe: “Mần ăn cũng được lắm chú ạ. Mình mần ăn có uy tín nên được như ri đây”.
|
Từ căn lều với gánh hàng mua chịu, chị Bản đã làm được nhà cửa khang trang. |
Từ hai bàn tay trắng với gánh hàng cá mua chịu của người làng cát, bây giờ trong tay chị Bản đã có tiền tỷ. Những tháng ngày còn vật lộn buôn bán, khi có được lưng vốn, chị Bản biết nhìn xa trông rộng đã cấp tiền cho bốn đứa con đi học.
Bây giờ người đàn bà góa bụa làng cát đã có những người con học hành tử tế. Hai đứa con gái đầu một học quản lý kinh tế, một học kế toán đã về trực tiếp giúp mẹ quản lý các cơ sở kinh doanh của gia đình. Hai cậu con trai được chị cho du học ở Nhật Bản đã về nước, cũng lao vào giúp mẹ thiết lập mối quan hệ với các cơ sở mua bán hải sản nước ngoài. Đứa con trai lớn còn đang thực hiện dự án theo yêu cầu của chị là lập trang web của cơ sở gia đình nhằm phục vụ công việc buôn bán qua mạng.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Bí thư huyện ủy Bố Trạch cho biết: “Chị Bản đã được kết nạp Đảng. Trong Đảng bộ địa phương có một tỷ phú làng là phụ nữ”.
Nói chuyện vào Đảng, chị Bản tâm sự: “Vào Đảng rồi, tui không những lo cho mình mà còn lo cho các chị em khác trong làng”. Hiện tại, chị Bản cho 30 hộ gia đình nghèo trong làng vay không lãi mỗi hộ 5 triệu đồng để cùng nhau thoát nghèo.
Theo