Từ lâu, ông Lê Đức Giáp nổi danh về phương pháp ghép những cây 5- 7 loại quả. Năm nay, ông Giáp tung ra thị thường mẫu cây 9, 10 quả được ghép từ 3 loại bưởi gồm bưởi diễn, bưởi đỏ, bưởi sần, 3 loại cam gồm cam đường, cam Vinh, cam Tuyên Quang, quả phật thủ và quýt, quất có giá từ 1 - 10 triệu đồng. Điểm đặc biệt là từng loại quả này ăn được và vẫn giữ được hương vị riêng.
Tìm về tận vườn cây của ông Giáp ở xã Cao Viên để mục sở thị các loại kỳ hoa dị thảo, phóng viên mới thực sự đi từ ngạc nhiên, thú vị lẫn kinh ngạc. Mảnh vườn gần 7.000m2 của ông Giáp với hàng trăm gốc cây “kỳ dị”, cam không ra cam, quýt không ra quýt, bưởi, phật thủ lẫn lộn.
Đối với nhiều người, những gốc cây “kỳ dị” đó là một đặc sản mang “phong vị” của ngày Tết, một món quà đặc biệt ngày Tết. Nhìn mảnh vườn của mình, ông Giáp rất đỗi tự hào: “Bao nhiêu năm kinh nghiệm của mình giờ mới hái được quả”. Lão nông Lê Đức Giáp có 10 năm kinh nghiệm trồng cam sành, bản thân ông vốn mới chỉ học hết cấp 2 trường làng nhưng đã tự mày mò cách ghép cây, ghép cành để cho ra những sản phẩm đầu tiên.
Với những thất bại ban đầu, sau 2 năm, ông mới có thành tựu đầu tiên khi ghép thành công những giống bưởi Diễn, bưởi sần và bưởi đỏ lên cùng một cây và chín cùng lúc vào dịp Tết. Sau đó ông Giáp bắt đầu nghiên cứu về cách ghép các loại cây khác như cam, quýt lên cùng một gốc bưởi.
Ông Giáp chia sẻ: “Cũng như các nghề khác, nghề làm vườn cũng cần phải có đam mê, tâm huyết để mỗi sản phẩm đều được thổi hồn mình vào đó. Cho dù vất vả, nhưng nhìn thành quả của mình được người dân đón nhận, tôi cảm thấy hài lòng”.
Khó khăn nhất trong việc ghép quả là mỗi loài đều có một thời điểm chín riêng, vì vậy, để các loại quả cùng chín một lúc ông phải canh thời gian ghép, để các loại quả có độ chín đồng đều: “Có những quả thời gian ghép cách nhau tới vài tháng” ông Giáp chia sẻ.
Nghề chơi cũng lắm công phu, mỗi khi thời tiết khắc nghiệt, trái nắng trở trời, cây nhiễm sâu bệnh là ông Giáp mất ăn, mất ngủ. Mỗi khi vườn cây “có chuyện” là ông lại đau đầu nghĩ kế chữa trị, khắc phục. Ban đầu, nếu chưa làm quen tay thì lúc ghép dễ bị run dẫn đến gãy cuống, hoặc hỏng mắt ghép. Nhiều quả sau khi được đưa lên cây không thích nghi được hoặc bị thối hỏng cũng luôn được chủ vườn quan sát và loại bỏ đều đặn, tránh lây lan sang các giống quả khác.
Việc tăng số lượng quả trên cây sẽ làm cho cây phong phú hơn, nhiều người sẽ ưa chuộng hơn vì quan niệm càng nhiều quả nhà sẽ càng nhiều lộc và những cây như vậy thường có giá đắt hơn bình thường: “Năm nay tôi có gốc cây 9 quả, nhưng có người đặt 10, 11 quả, tôi vẫn có thể làm được”, ông Giáp nói.
Được biết, ông Lê Đức Giáp được coi là “nghệ nhân duy nhất” ở Việt Nam hiện nay nắm được bí kíp ghép cây ngũ quả, thập quả do chính mình sáng tạo. Chưa có một ai cho ra loại cây đặc biệt này.
Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ông Giáp dự trù tung ra thị trường khoảng 200 gốc cây, thu về khoảng nửa tỷ đồng tiền lãi. Ông Giáp khẳng định cây của ông sẽ sống khoẻ mạnh đến hết tháng Giêng, có thể đến tháng hai, tháng ba. Nhiều khách sau khi mua cây về chơi Tết tiếp tục gửi ông chăm sóc và ghép thêm quả để năm sau chơi tiếp, tiền công chỉ vài triệu đồng cho cả năm chăm sóc và công ghép quả.
Loại cây độc đáo của ông Giáp không chỉ nổi danh ở thị trường miền Bắc. Các tỉnh, thành xa hơn như TP HCM, Đồng Nai, Cần Thơ,... cũng đã có nguồn nhập. Lão nông tự hào cho biết: “Đây chỉ là bước đầu thành quả, tôi sẽ cố gắng cho ra thị trường những loại cây tốt hơn, đẹp hơn, nhiều quả hơn”.