Người ra lệnh SHB phá nhà người dân có chịu trách nhiệm hình sự?

Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đã bị thu hồi và thông báo cho SHB nhưng SHB vẫn phá dỡ nhà của người khác như phá… nhà mình.  

Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đã bị thu hồi và thông báo cho SHB nhưng SHB vẫn phá dỡ nhà của người khác như phá… nhà mình.

Báo PLVN ra ngày 17/3/2012 có bài phản ánh việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) phá tan biệt thự 35B Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khi các cơ quan chức năng giải quyết những vướng mắc liên quan đến quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với biệt thự cũ này. 
Căn biệt thự 35B Lý Thường Kiệt trước đây. Ảnh nguồn Internet
Căn biệt thự 35B Lý Thường Kiệt trước đây. Ảnh nguồn Internet

Trở lại vụ việc, ngôi nhà trước đây được Nhà nước cho gia đình cụ Nguyễn Vinh Hội thuê. Năm 1994, Công ty kinh doanh nhà số 2 tiếp tục ký hợp đồng để 20 thành viên của gia đình cụ Hội, do ông Nguyễn Mai Thắng đứng tên chủ hộ. Nhưng năm 2002, ông Nguyễn Mai Thắng và vợ là bà Đặng Thị Kim Anh đã làm thủ tục mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Sau đó, hai vợ chồng ông Thắng được Công ty kinh doanh nhà số 2 làm thủ tục mua bán và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Thắng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 18 thành viên còn lại của gia đình bị thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi.

Vì lý do này, khi có đơn phản ánh của những người liên quan, các cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra và phát hiện sai phạm trong việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho ông Thắng. Vì thế, UBND TP Hà Nội đã thu hồi “sổ hồng” cấp cho vợ chồng ông Thắng và chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty kinh doanh nhà số 2 hủy hợp đồng mua bán đã ký để làm lại thủ tục mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước nhằm đảo bảo quyền lợi cho 20 thành viên trong danh sách sử dụng nhà thuê.
Vụ việc này liên quan đến Ngân hàng SHB vì năm 2008, vợ chồng ông Thắng đã bán nhà cho Ngân hàng SHB. Việc mua bán đã được đăng ký và ghi trên “sổ hồng”. Tuy nhiên, khi “sổ hồng” bị thu hồi thì quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của SHB cũng không còn được công nhận nữa. Ngày 14/9/2009, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thông báo cho Ngân hàng SHB việc UBND TP Hà Nội thu hồi “sổ hồng” đã cấp cho vợ chồng ông Thắng để liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết. Như vậy, Ngân hàng SHB đã biết rõ việc không còn được công nhận quyền sở hữu đối với căn nhà này.
Việc Ngân hàng SHB cho phá dỡ căn nhà vào ngày 14/2/2012 rõ ràng là việc làm trái pháp luật, gây thiệt hại về tài sản của nhà nước. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn để làm rõ liệu có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc phá dỡ này hay không?
Thưa Luật sư, ông đánh giá thế nào về việc Ngân hàng SHB đã phá dỡ nhà 35B Lý Thường Kiệt?
- Nếu ngôi nhà vẫn đang thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Ngân hàng SHB thì việc phá dỡ chỉ được coi là hợp pháp nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Vì, biệt thự cũ 35B Lý Thường Kiệt thuộc đối tượng quản lý theo quy định của UBND TP về quản lý nhà biệt thự. Trường hợp này, Ngân hàng SHB không có giấy phép phá dỡ nên việc tự ý phá nhà 35B là trái pháp luật, thuộc trường hợp phải bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Nhưng, điều quan trọng hơn là ngôi nhà này không còn thuộc sở hữu của Ngân hàng SHB do giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đã bị UBND TP thu hồi. Do đó, việc Ngân hàng SHB phá dỡ ngôi nhà không thuộc sở hữu của mình là xâm phạm sở hữu của người khác, làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu.
Ngoài trách nhiệm hành chính và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người ra quyết định phá dỡ nhà có bị xử lý về tội hủy hoại tài sản không, thưa ông?
- Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị từ 500 nghìn trở lên thì có thể bị xử lý hình sự. Theo tôi, việc phá dỡ nhà 35B Lý Thường Kiệt là cố ý và biết rõ tài sản này không còn thuộc sở hữu của mình nhưng Ngân hàng SHB vẫn phá dỡ. Do đó, cơ quan chức năng cần phải điều tra, làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định phá dỡ. Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì xử lý theo pháp luật. Xin cảm ơn ông!
Bình Minh

Đọc thêm