Thương xá Tax có diện tích 9.200 m2, nằm ở quận 1, được xây dựng vào năm 1922, khánh thành năm 1924 và mang tên Grands Magasins Charner – một công trình mang tính biểu tượng của khu vực. Đây là nơi đón tiếp khách hàng thượng lưu bậc nhất của Liên bang Đông Dương vào những năm 1930.
Một điều đặc biệt, Thương xá nằm ở địa chỉ 135 Nguyễn Huệ, và thời gian tồn tại, tính đến thời điểm 2016 là 135 năm. Một trung tâm thương mại gắn với thời kì phồn thịnh rực rỡ của Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông. Đây cũng là nơi gắn với kí ức của rất nhiều thế hệ người dân TP. Nhiều người còn nhắc lại những địa điểm biểu tượng của chốn “ăn chơi” Sài Gòn cũ: Khu thương mại Passage Eden, những quán café “huyền thoại” đi vào thơ ca như Givral, La Pagode. Lần lượt, những địa điểm gắn với kí ức của nhiều thế hệ đã được xóa bỏ, theo sự phát triển của TP HCM hiện đại.
Ngày 13/10, số người tìm đến Thương xá Tax để chụp hình lưu niệm nhiều hơn, trong đó có những cụ già đã trên thất thập. Cụ ông Lê Văn Tâm, 70 tuổi đi cùng người bạn vong niên đến chụp những tấm ảnh cuối của Thương xá Tax trầm ngâm kể, thương xá này gắn bó với cụ và nhiều người bạn cùng trang lứa, có người từng là nhân viên bán hàng nơi này, rồi lần đầu đi làm, để dành tiền, bỡ ngỡ dẫn người bạn gái đầu tiên vào mua quà tặng, hay những dịp cuối tuần dắt gia đình đến dạo chơi.
Nay những hình ảnh về một Thương xá từng tráng lệ nhất Sài Gòn có lẽ chỉ còn tồn tại trong kí ức những thế hệ xưa. Cụ Tâm nói, thấy bùi ngùi, tiếc nuối như mất đi một người bạn rất thân quen. Những bài thơ đầy ngậm ngùi về Thương xá Tax cũng được nhiều người truyền nhau trên mạng xã hội.
Có lẽ, điều an ủi với nhiều người dân là lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ đạo phương án bảo tồn, gìn giữ các nét kiến trúc cổ của tòa nhà. Theo đó, các hạng mục cần bảo tồn như cầu thang chính, 2 thảm gạch mosaic ở 2 lối chính đi vào Thương xá Tax, ban công lầu 1 và nét nhịp điệu kiến trúc phần bên ngoài tòa nhà đã được bóc tách, di chuyển đến nơi bảo quản. Sau này, có lẽ nhiều thế hệ TP HCM sẽ được ngắm nhìn những di tích ấy trong bảo tàng của thành phố.
Theo thiết kế mới, cao ốc Satra Tax Plaza, tòa nhà xây dựng thay thế Thương xá Tax sẽ có 40 tầng, với 6 tầng hầm, trong đó có 4 tầng gửi xe, 2 tầng thương mại. Tòa nhà đa chức năng với trung tâm thương mại, hội nghị, phòng họp gần 1.000 người… 13 tầng cao nhất sẽ là khách sạn, nóc tòa nhà có sân bay trực thăng. Dự kiến Satra Tax Plaza sẽ được khởi công vào quý I năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020, khi tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên của thành phố cũng vừa hoàn thành. Tòa nhà mới cũng được kết nối với tuyến metro.
Cho dù bao tiếc nuối thì người dân thành phố cũng phải chấp nhận sự ra đi của Thương xá Tax để thay thế vào đó một tòa nhà hiện đại, hoành tráng phù hợp với nhu cầu của thời đại. Đó là một phần tất yếu của cuộc sống, thay cũ đổi mới, phát triển đi lên…